Nhạc sĩ Nguyễn Quang ở Mỹ nhưng làm serie chương trình tại Hà Nội
(TT&VH) - Hà Nội có thêm một chương trình hòa nhạc định kỳ: Tặng bạn tri âm tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ. Chương trình do nhạc sĩ Nguyễn Quang thực hiện. Chương trình đã thực hiện được 2 số, số thứ hai của chương trình (12/2011), anh dành để làm về cha mình: nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Điều đặc biệt là nhạc sĩ Nguyễn Quang - người phụ trách chương trình – trước đây hoạt động âm nhạc ở TP.HCM và hiện nay đang làm việc ở Mỹ.
* Việc anh không ở trong nước có cản trở cho thực hiện chương trình?
- Tất nhiên tôi sẽ có mặt trực tiếp tới 90%, tuy không phải lúc nào cũng tham gia biểu diễn. Còn nếu tôi không thể có mặt, kịch bản, thiết kế sân khấu, ánh sáng… vẫn có thể gửi từ xa cho anh em làm.
* Liệu doanh thu chương trình có đủ cho anh đi đi về về giữa Mỹ và Việt Nam?
- Nói thực lòng hiện giờ tôi không đặt vấn đề doanh thu. Tôi muốn đóng góp những kinh nghiệm đi học của nước ngoài, những cái tư duy mà mình không có ở đây, đưa nó đến gần khán giả. Tôi muốn tạo thương hiệu trước để về sau có thể xin tài trợ, đủ để mình thực hiện chương trình, chẳng cần lời lãi gì cả. Nhìn thành phần ban nhạc của tôi trên sân khấu là biết không thể lãi rồi. Nếu để vừa có lãi vừa làm nghệ thuật thì lúc đó chương trình không còn như ý mình muốn nữa. Qua những gì đã làm, tôi muốn khán giả, kể cả khán giả trẻ sẽ yêu thích và trở lại những gì đẳng cấp. Bây giờ nhiều người thích nhạc teen và ca sĩ lên sân khấu chủ yếu hát nhạc đĩa.
* Nghe nói có những người đầu tư tài chính cho anh làm?
- Những người cộng tác cùng tôi là người yêu nhạc, tài chính thì cùng đầu tư. Họ đi xem khá nhiều chương trình, thường gặp kiểu nghe đúng người mình thích 2 bài rồi thôi, nên muốn tạo chương trình cho khán giả thích ai có thể xem cả đêm. Nhưng nó không phải không khí phòng trà, vì như thế thiếu chuyên nghiệp quá, chương trình cần có nghệ thuật cao cùng sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng.
Nguyễn Quang và cha: nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 ở Hà Nội - Ảnh: N.M.Hà
* Ở Hà Nội đã có chương trình định kỳ hàng tháng và cũng định hướng nghệ thuật cao. Chương trình của anh có gì riêng để đứng được?
- Tôi sống ở TP.HCM, nhưng tôi biết mức độ thưởng ngoạn âm nhạc ở Hà Nội cao hơn. Ở TP.HCM rất đông người mê nhạc nhưng họ không thưởng thức, họ chỉ thấy hay chứ hay chỗ nào họ không nói được. Nhưng khán giả Hà Nội thì tinh tế hơn.
Thật sự khi bắt tay vào việc mới biết ở Hà Nội có chương trình Không gian Âm nhạc. Nói chung thì việc ai nấy làm thôi. Đã làm nghệ thuật, càng cạnh tranh, chất lượng sẽ càng cao, điều đó tốt cho khán giả. Tôi chẳng ngại gì cả, mỗi người có một chiều hướng làm việc, suy nghĩ khác nhau. Hà Nội gần 7 triệu dân, một rạp hát vài trăm người ăn thua gì!
Quan trọng là nội dung của từng chương trình. Ngoài chương trình của ca sĩ, tôi sẽ làm đêm tác giả, giới thiệu nhiều phong cách âm nhạc từ tiền chiến đến dân gian… Tôi muốn tôn vinh tất cả những người làm nhạc. Sẽ có những số tôi sẽ làm để giới thiệu phong cách hòa âm của một vài nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng. Khán giả thường để ý ca sĩ mà không biết có đến 50-60% thành công của bài hát là nhờ vào nhạc sĩ hòa âm. Tôi muốn đưa cái những điều sau sân khấu lên để khán giả biết. Tôi nghĩ, càng biết nhiều họ sẽ càng muốn đến với âm nhạc.
* Trong chương trình vừa rồi, có lúc hai bố con anh ôm nhau khóc trên sân khấu. Vì sao vậy?
- Vì hạnh phúc. Vì bố tôi rất muốn có live show thực sự của ông ở Hà Nội, do chính ông chọn ca sĩ. Hình như ở Việt Nam cũng ít có chuyện 2 bố con cùng lên song tấu piano. Đó cũng là một niềm hạnh phúc.
* Bố anh từng ngăn anh theo âm nhạc. Chuyện đó diễn ra như thế nào?
- Lúc tôi mới lớn thì đất nước cũng vừa thống nhất, tình hình kinh tế rất khó khăn. Tôi mê đàn, muốn đi theo nghề nhạc nhưng bố tôi không cho. Ông bảo cái này giờ có sống được đâu, theo làm gì. Ông không dạy, bảo học một nghề gì đó, rồi kiếm việc có khi còn lo cho được cho gia đình hơn. Ông không cấm nhưng cũng không ủng hộ, không cho tôi đi học nhạc và cũng không dạy. Tôi biết được nhạc là do học lỏm. Mỗi lần ông cụ dạy đàn cho học sinh, tôi không được đến gần, toàn ở trên gác nằm nghe lén và tự học. Đến một ngày có cuộc thi nhạc nghiệp dư của thành phố, vừa có đơn ca, vừa có độc tấu các loại… tôi tự đăng ký đi thi. Đêm chung kết tôi mới mời bố tôi đi xem, lúc đó ông mới biết là tôi biết đàn. Tôi lấy giải Nhất luôn, rồi tôi theo xách đàn cho các chú, các anh, để được xem biểu diễn. Đi đánh đàn, tôi xin bản tổng phổ của người lớn về tự nghiên cứu, chỗ nào không hiểu hỏi người ta. Ngày nghe nhạc Paul Mauriat mười mấy tiếng để biết cách hòa âm… Cứ như vậy tìm tòi tự học. Đến khi chính thức được đi học đàng hoàng, tôi lại học món khác. Khoảng 8 năm trước sang Mỹ, tôi học về kỹ thuật phòng thu và đạo diễn âm nhạc.
* Xin cảm ơn anh!
N.M.Hà (thực hiện)