Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Yêu Hà Nội bằng bản năng
(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Cường là người Hà Nội gốc, sự nghiệp sáng tác cũng khởi đầu bằng những ca khúc viết về Hà Nội nhưng ông lại được biết đến là nhạc sĩ của núi rừng Tây Nguyên nhiều hơn cả. Và phải chờ đến một chữ “duyên”, lúc 20h ngày 14/1/2015, bộ ba nhạc sĩ Nguyễn Cường, Trương Ngọc Ninh và Phó Đức Phương mới có một đêm nhạc dành riêng về Hà Nội: Tình yêu Hà Nội.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có cuộc trò chuyện cùng Thể thao&Văn hóa:
* Nhiều người nghĩ, nhạc sĩ không sáng tác mà tập trung chăm sóc cho sân chơi âm nhạc CEG với những buổi hòa nhạc và festival piano. Thực hư là thế nào ạ?
- Thực là tôi vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Thậm chí sáng tác nhiều hơn trước, ở nhiều thể loại và trong nhiều dự án sẽ được công bố sớm trong thời gian tới.
* Trong liveshow Tình yêu Hà Nội, khán giả sẽ được gặp một nhạc sĩ Nguyễn Cường như thế nào, thưa ông?
- Với mỗi chủ đề, tôi thường viết hai tác phẩm như cặp phạm trù âm - dương, một ca khúc mang tính mở, hướng ra ngoài và một ca khúc lắng đọng ở bên trong. Khán giả sẽ thấy điều đó với ca khúc Vẫn mãi là tuổi thơ tôi Hà Nội và Gặp gió sông Hồng trong chương trình này.
Ngoài ra, lần đầu tôi chính thức giới thiệu ca khúc Tổ quốc ta cờ bay. Ca khúc này ra đời khi tôi có dịp được đứng trên đỉnh Lũng Cú, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của đất nước mình, nơi cho ta khát khao với chân trời, soi mặt xuống dòng sông, vững lòng một Trường Sơn vững chãi và trẻ mãi một tâm hồn đại dương. Tôi rất tự hào về quê hương mình như thế.
* Là người Hà Nội gốc nhưng ông lại được biết đến như nhạc sĩ của Tây Nguyên. Phải chăng vùng đất Tây Nguyên có sức hút mạnh mẽ với ông hơn cả?
- Không. Ở đâu với tôi cũng có những sức hút riêng. Nhất là ở Hà Nội – nơi mà nhà tôi đã có 7-8 đời làm nghề cá ở Hồ Tây. Với tôi, Hà Nội đẹp nhất chiều 30 Tết, khi mà người dân tứ xứ về quê hết, đường vắng lặng. Dân ở Thủ đô thì chuẩn bị nén nhang cho bữa cơm tất niên.
Khi đó, nếu có ai đứng, ngồi ở Hồ Gươm sẽ thấy được vẻ đẹp ở nơi đây. Đặc biệt là nghe tiếng chuông chùa đổ lại lắng đọng. Người ta cứ nghĩ tôi luôn “bốc lửa” nồng cháy trong những ca khúc Tây Nguyên nhưng thực ra, tôi còn một “kho báu” các ca khúc về nhiều nơi của đất nước. Riêng về Hà Nội, tôi đã viết từ năm 1972 với đủ các màu sắc, có thể làm hẳn một chương trình riêng. Còn như dự án gần nhất, tôi gửi gắm tâm hồn mình với mảnh đất quan họ Bắc Ninh.
* Vậy sao đến giờ ông mới làm một chương trình riêng về Hà Nội?
Là số phận thôi! Đến giờ này nó mới đến và đến sớm hay muộn thì mình đều vui vẻ chấp nhận.
* Viết về Hà Nội và Tây Nguyên – nơi nào “đốt cháy” năng lượng của ông nhiều hơn?
Tôi nghĩ là như nhau. Tây Nguyên tạo sự mãnh liệt rộng lớn, khao khát, trong khi Hà Nội thì có sự sâu lắng, tự hào như câu hát tôi đã viết “Tôi ngàn năm yêu thương, ngàn năm thiêng liêng, ngàn năm tôi hát, Thăng Long, Hà Nội”. Trong khi đó, với Tây Nguyên thì “mặt trời lên, Tây Nguyên bao la”.
* Thế còn tình yêu với Hà Nội?
- Tôi không đặt vấn đề yêu hay không ở đây. Vì đó là chuyện “con không chê mẹ khó”. Mình sinh ra là vậy nên tình yêu đó là hiện hữu, không cần lý giải, lý do.
Cũng vì thế mà ở Hà Nội, không phải chỗ nào mình cũng thấy dễ chịu nhưng cứ đi xa về là nhớ và yêu hơn. Nó là tình yêu của bản năng mà. Thế nên, cứ nghe hai ca khúc âm – dương về Hà Nội của tôi là đủ để thấy tình yêu của tôi với Hà Nội gửi gắm trong đó như thế nào.
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện !
Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa