Nhạc kịch 'Sóng' đã sẵn sàng… ra khơi!
(Thethaovanhoa.vn) - Vượt qua nhiều khó khăn từ việc xây dựng ý tưởng, sản xuất cũng như trong bối cảnh dịch bệnh, Sóng - vở nhạc kịch thuần Việt lấy cảm hứng từ vẻ đẹp trong thơ và cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh - đã sẵn sàng công diễn phục vụ khán giả.
Chiều qua 7/3, dự án Sóng của Nhà hát Tuổi trẻ đã có buổi họp báo ra mắt và dự kiến công diễn 2 buổi đầu tiên trong các ngày 18 và 19/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Đưa vẻ đẹp thơ và đời Xuân Quỳnh vào nhạc kịch
Theo chia sẻ của NSƯT Cao Ngọc Ánh - Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, và là Tổng đạo diễn Sóng, dựng lại một vở nhạc kịch có sẵn sẽ là bước đi đơn giản và an toàn. Tuy vậy, chị quan niệm với nghệ thuật, tính sáng tạo luôn được đưa lên hàng đầu, vì thế Sóng ra đời: “Đây là vở nhạc kịch thuần Việt bởi ê-kíp do 100% người Việt sản xuất, sáng tạo và biểu diễn. Với Sóng, chúng tôi muốn tìm ra một phương thức mới ngay từ khâu tuyển chọn diễn viên, đào tạo bài bản, sáng tác âm nhạc riêng biệt, xây dựng kịch bản, vũ đạo, truyền thông… mọi khâu đều được đầu tư đúng nghĩa”.
Không quá ôm đồm nhiều khúc quanh của cuộc đời Xuân Quỳnh mà Sóng sẽ kể câu chuyện của nhà thơ bằng một góc nhìn của thế hệ hậu bối: Thể hiện 2 bản thể của nhân vật và đặt câu hỏi cho mỗi người về sự dấn thân, cống hiến để biến ước mơ thành sự thực: Ta làm gì để biến ước mơ của ta thành sự thật?
Ca khúc Thuyền và biển là chủ đề chính xuyên suốt vở nhạc kịch. 10 bài thơ của Xuân Quỳnh được “âm nhạc hóa” như Sóng, Nếu ngày mai em không làm thơ nữa, Tự hát, Mắt của trời xanh, Nhà chật... để nói lên tiếng lòng của nhân vật, đồng thời tạo sự gần gũi với các tầng lớp yêu thơ Xuân Quỳnh.
Nhạc sĩ Minh Đạo chia sẻ: “Chúng tôi muốn dùng những bài thơ ấy để tái hiện một giai đoạn rất khó khăn nhưng mang lại rất nhiều giá trị và tạo thành động lực giúp nhiều người lớn lên trong giai đoạn đó trưởng thành, trở thành những người trụ cột cho đất nước bây giờ”.
Theo nhạc sĩ này, Sóng có 2 phần nhạc khí và ca khúc. Phần ca khúc thì có thuận lợi nhất định khi có sẵn lời là chất liệu văn học từ những bài thơ Xuân Quỳnh. Tuy nhiên, khó khăn của phía sáng tạo là phải làm sao để âm nhạc ấn tượng, cảm xúc, khác biệt hơn thơ.
“Có những đoạn nhạc phức tạp diễn tả nhiều trạng thái cảm xúc khi Quỳnh chia tay người chồng đầu tiên, hoặc Quỳnh đến với Dương (Lưu Quang Vũ)” - anh nói - “Chúng tôi phải chọn từ rất nhiều bài thơ, chắt lọc, chọn những đoạn kết hợp với nhạc để vang lên đem lại hiệu quả tốt nhất, nhưng không làm thay đổi thông điệp của bài thơ”.
Vở nhạc kịch Sóng cũng được đầu tư lớn với dàn nhạc dàn nhạc semi-classic (bán cổ điển) gồm 23 người. Minh Đạo cho rằng đây là bài toán khó nhưng cũng chính là nét hay bởi “chơi live có sự tương tác, giữa người chơi nhạc, diễn viên và khán giả với nhau, tạo năng lượng chỉ có những buổi trình diễn live mới có được. Mỗi đề bài khó thường mang cho mình những điều thú vị hơn, hay hơn, sáng tạo hơn”.
Còn nhạc sĩ Bùi Tường Văn chia sẻ, anh mất nhiều thời gian để viết những bản nhạc “thuyết phục” tổng đạo diễn Sóng. Ngoài phạm vi câu chuyện của Xuân Quỳnh, nhạc sĩ Bùi Tường Văn cũng viết và sáng tạo thêm những nhân vật phụ để nhịp điệu của vở thêm phong phú.
“Điều khó nhất là phải làm sao để ra màu nhạc kịch chứ không phải một chương trình ca nhạc. Chúng tôi cũng tham khảo tư liệu từ cách làm của nước ngoài, diễn viên vừa hát, vừa có những màn vũ đạo” - anh chia sẻ - “Đề bài là vở nhạc kịch thuần Việt, nhưng chúng ta biết rằng thời của Xuân Quỳnh là thời Việt Nam còn khó khăn, cần chú ý để lên sân khấu không thể quá hiện đại. Nghĩa là phải dung hòa được chất Việt với yếu tố hiện đại phương Tây”.
“Thực hiện nhạc kịch thuần Việt vô cùng khó” “Điều các anh chị làm được vô cùng tốt đẹp, bởi từ nghĩ đến và thực hiện một vở nhạc kịch thuần Việt vô cùng khó. Có thể nói đây là sự cố gắng lớn, là những bước đi đầu tiên của Nhà hát Tuổi trẻ để đi vào mô hình nhạc kịch thuần Việt” - phát biểu của quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly. |
Vượt khó
Dự kiến thực hiện trong 6 tháng nhưng cũng giống như nhiều dự án nghệ thuật thời dịch, Sóng đã vài lần… trễ hẹn. Từ khâu casting diễn viên, làm nhạc, tập luyện từng phân cảnh… cả ê-kíp không nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu khó khăn. Theo chia sẻ của NSƯT Cao Ngọc Ánh, việc casting diễn viên mở rộng cho Sóng cũng là một sự thử nghiệm táo bạo, tạo sự công bằng cho các diễn viên có cơ hội tham gia cống hiến cho những vai diễn mà mình yêu mến, đồng thời là động lực cạnh tranh lành mạnh giữa các diễn viên để khẳng định chính mình.
Đóng chính trong vở nhạc kịch Sóng là diễn viên trẻ Thu Thảo (SN 2001) vai Xuân Quỳnh và ca sĩ Lê Việt Anh vai Dương (Lưu Quang Vũ). Tổng đạo diễn Sóng nhấn mạnh: “Điều chúng tôi cần chính là sự trẻ trung. Chúng tôi tin tưởng các bạn trẻ vốn đầy nhiệt huyết, năng lượng, sự nỗ lực không ngừng”.
- Ra mắt vở nhạc kịch đầu tiên về cuộc đời nữ thi sĩ Xuân Quỳnh
- 'Trời biếc thu sang': Quà tặng khán giả yêu thơ Xuân Quỳnh, yêu thu Hà Nội
- Nhà hát Tuổi trẻ diễn 3 vở kịch đặc sắc tri ân Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Về phía mình, diễn viên trẻ Thu Thảo coi Sóng là dự án mang dấu ấn đáng nhớ ở tuổi 20. “Từ khi bắt đầu, dịch bệnh khiến dự án luôn trong trạng thái có thể bị ngừng bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, chúng tôi rất nhiệt huyết và đoàn kết cùng nhau có được vở nhạc kịch hấp dẫn. Tôi đã tìm hiểu rất nhiều về Xuân Quỳnh để có thể thấu hiểu, cảm thông với nhân vật. Hy vọng vở diễn sẽ chạm tới cảm xúc của những người yêu thơ Xuân Quỳnh” - nữ diễn viên tâm sự.
Còn đạo diễn phần nhạc kịch của Sóng, Nguyễn Triều Dương - người đã được tu nghiệp ở nước ngoài về nhạc kịch - cho biết thêm: “Điều khó nhất khi thực hiện một vở nhạc kịch ở Việt Nam là diễn viên thiếu kỹ năng phối hợp giữa hát, nhảy và trình diễn trên sân khấu. Chúng tôi đã đồng hành cùng các diễn viên suốt nhiều tháng qua. Bằng lời thoại chân thật và âm nhạc hiện đại, Sóng cuốn sâu vào những góc nhỏ nhất trong đời sống thực, để khán giả có thể khóc, cười và trái tim có thể rung lên khi nhìn thấy một phần xã hội được phản chiếu trong vở nhạc kịch”.
Lưu Tuấn Anh - con trai nhà thơ Xuân Quỳnh: “Có cơ sở để tin vở diễn thành công” Con trai của nghệ sĩ violon Lưu Tuấn và Xuân Quỳnh - anh Lưu Tuấn Anh -nói mình vốn không muốn đưa câu chuyện của những người thân lên sân khấu kịch. Tuy nhiên, khi Nhà hát Tuổi trẻ gửi kịch bản anh đã bị thuyết phục bởi những điều kịch bản viết rất chân thực. Anh nói: “Tôi có tình cảm với dự án nhưng thời gian đầu vẫn rất hoài nghi, không hiểu lên sân khấu kịch sẽ thế nào, tôi thấy khó lắm. Sau đó, tôi được xem một số cảnh diễn, cách ê-kíp sáng tạo, trao đổi với tôi để hiểu về mẹ và lấy cảm xúc đưa vào vở, tinh thần làm việc của các bạn đáng trân trọng. Lúc xem những bản gần hoàn hảo thì tôi xúc động và khóc bởi tốt hơn, cảm xúc hơn tôi tưởng quá nhiều. Tôi rất ưng ý nhất phần âm nhạc và chúc mừng Tổng đạo diễn Cao Ngọc Ánh. Dù khó khăn vẫn chưa qua nhưng tôi tin và sẵn sàng làm bất cứ điều gì giúp ê kíp sáng tạo để vở diễn thành công, đến gần hơn với khán giả”. |
Bảo Anh