Nhạc điện tử ở Việt Nam: Từ mốt đến… đâu?
(Thethaovanhoa.vn) - Ở một thị trường âm nhạc nho nhỏ như Việt Nam, sự bất ổn của các thể loại âm nhạc ngoại nhập và tính phập phù của các dòng nhạc bản địa dễ làm sinh ra các trào lưu nhất thời. Điều này đã được minh chứng qua hàng loạt phong trào người người hát hip-hop, nhà nhà nhún nhảy R&B, nay là cuồng lên vì dance và đang thời thượng nhất lúc này “nhạc điện tử”…
Khi nhạc sĩ Trí Minh khởi sự cho Liên hoan Âm thanh Hà Nội (Hanoi Sound Stuff-HSS) 6 năm trước - đúng ra nên đặt tên là Liên hoan Nhạc điện tử – anh đơn giản muốn tạo ra một sân chơi cho chính mình cùng những đồng nghiệp tại chỗ ít ỏi, gồm một số DJ có xu hướng tìm tòi, sáng tạo hơn là đơn thuần chơi nhạc vũ trường, và mời thêm một số nghệ sĩ quốc tế. Với sự hỗ trợ của các quỹ văn hóa quốc tế tại Hà Nội, HSS dần dần vượt ngoài khuôn khổ trao đổi giao lưu văn hóa để trở thành một sự kiện thường niên được giới yêu nhạc điện tử chờ đợi. Bản thân Trí Minh từng đóng góp một số bản hòa âm đặc sệt electronica trong album Thanh Lam - Hà Trần, và nay anh là nhạc sĩ chuyên về nhạc điện tử hàng đầu ở Việt Nam, nhưng tính chất công việc gần với một nghệ sĩ underground chưa đẩy được anh vào dòng chảy thị trường, điều mà “anh rể cũ” của anh, nhạc sĩ Quốc Trung đang làm rất thành công.
DJ SlimV đang và sẽ là cái tên đáng nể trong giới sản xuất âm nhạc Hà Nội
Sự tham gia thị trường của những tên tuổi như Hồng Nhung hay Tùng Dương đã nhanh chóng đưa nhạc điện tử - dòng electronica dần trở nên đại chúng. Thực ra từ hơn 10 năm trước, Đỗ Bảo và Hà Trần đã cùng thăng hạng bằng chính những âm thanh điện tử còn khá lạ lẫm, mới mẻ, khi ấy, người ta chưa gọi đó là “nhạc điện tử”. Ngay cả khi Quốc Trung thành công với Đường xa vạn dặm, cũng chủ yếu được ca ngợi tinh thần “world music” thay vì các sáng tạo về mặt âm nhạc điện tử. Tới khi dòng mang tính thị trường nhất của nhạc điện tử là dance trở thành cơn sốt tại Việt Nam, cộng với việc album Li Ti của Tùng Dương chiến thắng ở giải Cống hiến 2010 - tức là cả hai nhánh - thử nghiệm và thị trường - đều được công nhận thì có thể coi giai đoạn “làm quen” đã xong, đã đến lúc để nhạc điện tử xâm nhập toàn diện vào Việt Nam, và được kỳ vọng sẽ là động lực “phá băng” cho một thị trường bấy lâu lúng túng không biết phải đi theo hướng nào để có thể bứt phá, để ít nhất khi đi ra khỏi biên giới còn có cái “ăn nói” với người ngoài.
Sở dĩ nhạc điện tử được kỳ vọng như vậy là bởi khả năng tương thích với hầu hết các dòng nhạc khác, từ cổ điển phương Tây tới dân gian châu Á-Phi-Mỹ-Úc-Thái Bình Dương. Sinh ra vốn đã không mang tính thể loại với những ràng buộc chặt chẽ như các dòng khác, nhạc điện tử nay đang được coi là phương tiện “vàng” cho việc bắc cầu giữa các nền âm nhạc với nhau.
Sự tham gia của những cái tên có vị trí đáng kể như vậy trong đời sống âm nhạc đúng là đã giúp nhạc điện tử nay trở nên quen thuộc hơn tại Việt Nam, nhưng cũng lại ngầm sinh ra một rào cản vô hình khác với số đông khán giả đại chúng vì cho rằng thứ âm nhạc này vẫn mang tính thử nghiệm, vẫn còn “khó nghe”.
Vì thế cần những thực đơn dễ nuốt hơn, cho nên chúng ta thấy có album Vòng tròn của Hồng Nhung là sự mới mẻ bất ngờ với chính diva này, dù đĩa nhạc bị chê là hơi nghèo nàn, hơi cũ so với tính cập nhật mỗi ngày của nhạc điện tử, thì không phủ nhận bằng ảnh hưởng của mình, Hồng Nhung có thể kích thích được nhiều nghệ sĩ trẻ hơn nữa nhảy vào khu vực này. Rồi khi Thu Minh thắng lớn với đĩa nhạc dance Body Language, mỗi bài hát lần lượt thành “hit”, thì dù vẫn chỉ là thứ nhạc dance khá đơn giản, nhưng bắt tai, nên nhanh chóng thu hút được lượng khán giả đông đảo. Tiếp nữa một DJ nổi tiếng là Hoàng Anh đem các bản nhạc tự sáng tác trong album Angel của mình làm mưa làm gió các vũ trường trong Nam ngoài Bắc ra cả nước ngoài thì phe “thị trường” của nhạc điện tử đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ huấn luyện công chúng ở những bước đầu tiên. Xét về đóng góp thì cả hai phe đang ở thế cân bằng (bên đóng góp về sáng tạo tìm tòi thì có bên lãnh nhiệm vụ đi tìm kiếm khán giả, giúp họ làm quen dần, từ cái khó nghe thành cái dễ nghe).
Đứng giữa hai nhánh của một dòng như vậy, một HSS (có vị trí như một cù lao) sẽ đóng góp được gì cho sự thắng thế của nhạc điện tử ở Việt Nam?Trong dàn nghệ sĩ Việt Nam tham gia HSS năm nay có cái tên khiêm nhường là SlimV, trong vị trí DJ, nhưng người làm nghề đều biết chàng trai trẻ này đang và sẽ là cái tên đáng nể trong giới sản xuất âm nhạc Hà Nội (tên thật của SlimV là Cao Vịnh, năm 2012 giành giải Phối khí xuất sắc tháng tại Bài hát Việt). Đó là một thí dụ về sự trưởng thành lên của một thế hệ nghệ sĩ mới gắn với HSS (SlimV đã tham gia 3 kỳ). Và để cân bằng sự sáng tạo và tính thị trường của nhạc điện tử, mấy kỳ HSS gần đây, ngoài đêm trình diễn chính - giới thiệu những sáng tạo mới mẻ nhất của nhạc điện tử, đầy tính thử nghiệm, kể cả điên khùng và khó nghe nhất, luôn có một đêm nhạc DJ ngoài trời, nơi khán giả được nghe loại “nhạc sàn” đẳng cấp cao đi ra từ chính các thử nghiệm tưởng là khó nuốt trước đó. Năm nay cũng vậy, hai DJ Việt Nam là SlimV và Kruise sẽ đứng chung với một trong những DJ nổi tiếng nhất của thế giới âm nhạc điện tử là Mimetic (Thụy Sĩ) cùng nhóm Pitchtuner (Đức) và Ametsub (Nhật) trong đêm DJ hứa hẹn sẽ làm “bùng nổ” Sân vận động Chu Văn An (Hà Nội). Trước đó một ngày, đêm nhạc thử nghiệm dành cho những ai muốn tìm cảm giác mạnh và lạ sẽ diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam.
Lộ trình đi từ thử nghiệm tới đại chúng của nhạc điện tử nay đã là thông lệ được nhiều người hiểu và chấp nhận. 15 năm trước, người ta nói tới những đĩa nhạc electronica của U2, của Madonna như sự “thay máu” đáng giá cho làng nhạc pop khi đó, thực ra đó là những sản phẩm kế thừa từ các thử nghiệm trong suốt những năm 70, 80 thế kỷ trước của nhiều ban nhạc Âu-Mỹ. Nay ở Việt Nam, những thứ tưởng như khó nghe của chục năm trước (như nhạc Nguyên Lê làm cho Hương Thanh hát) nay đã được yêu thích cuồng nhiệt và tôn vinh ở sân chơi đại chúng qua trường hợp Tùng Dương.
Lệ đã có, đường đã thông, nhân sự đã sẵn sàng. Tương lai tươi sáng sẽ mỉm cười với “nhạc điện tử” made in Vietnam?
Liên hoan Âm thanh Hà Nội lần 6 – sự kiện âm nhạc điện tử lớn nhất trong năm tại VN – sẽ có hai đêm diễn chính thức vào 12/4 (đêm New Music) tại Bảo tàng Lịch sử VN và đêm 13/4 (đêm nhạc DJ) tại sân vận động Chu Văn An (Hà Nội). Ngoài ra còn có hàng loạt các hoạt động giao lưu, tập huấn, từ thiện… kéo dài từ 30/3 đến hết 13/4. Giá vé từ 50 ngàn đến 120 ngàn đồng. |
Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần