Nhạc cụ 'đặc sản' dân tộc và 'quốc tế hóa'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong lịch sử phát triển nhạc cụ của các nước trên thế giới, có một số nhạc cụ chỉ có ở một quốc gia nhất định như: đàn bầu (Việt Nam), đàn sitar, trống tabla (Ấn Độ), đàn rubab (Afghanistan), kèn túi (Ireland), mbira (Zimbabwe)… có thể tạm gọi đây là những nhạc cụ “đặc sản” và dân tộc có nhạc cụ “đặc sản” này thường rất tự hào về loại nhạc cụ được xem là độc đáo mà các dân tộc khác không có. Cá biệt có khi các nhạc cụ rơi vào tình trạng tranh giành “chủ quyền” giữa các quốc gia.
Lại có trường hợp có loại nhạc cụ có mặt ở nhiều quốc gia và không ai “tranh chấp” để giành là của mình. Ví dụ ở một số nước châu Á đều có đàn tranh như: đàn tranh Việt Nam, đàn tranh Nhật Bản (gọi là koto), đàn tranh Trung Quốc (guzheng), đàn tranh Hàn Quốc (kayagum). Tuy nhiên, âm sắc, cách diễn tấu của đàn tranh ở mỗi nơi thì khác nhau, thường chúng có những đặc trưng phù hợp với bản chất âm nhạc dân gian của từng quốc gia.Việc giữ gìn, bảo vệ “đặc sản” nhạc cụ của dân tộc mình là trách nhiệm của từng quốc gia (có những “đặc sản” đó). Chúng được xem như di sản văn hóa mà tiền nhân để lại, tuy nhiên việc quan trọng không kém là thế hệ hậu bối ở các quốc gia đó phải tiếp tục cải tiến để nhạc cụ ngày càng hoàn chỉnh nhằm theo kịp sự phát triển âm nhạc của thời đại để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng âm nhạc ở quốc gia mình. Ngoài ra họ còn có tham vọng giới thiệu đến công chúng âm nhạc các quốc gia khác trên thế giới.
Hình ảnh đàn bầu thân thuộc đối với mỗi người Việt Nam
Nhìn ở khía cạnh này, có thể nói lịch sử phát triển nhạc cụ trên thế giới đã có một số nhạc cụ được xem là đã “quốc tế hóa”, nghĩa là nó vượt ra ngoài biên giới của một quốc gia để đến với rất nhiều quốc gia khác, và cho đến nay nó không thuộc về một quốc gia nào cả.
Ngày nay những nhạc cụ như piano, guitar và nhất là rất nhiều nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng như violin, cello, kèn clarinet, kèn oboe, kèn trumpet… đã trở thành những nhạc cụ mà rất nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, nó trở thành phương tiện để thể hiện nhiều tác phẩm âm nhạc, từ âm nhạc giải trí cho đến âm nhạc đỉnh cao được xem là gia tài âm nhạc rất quý giá của nhân loại với những tác phẩm thuộc các thể loại sonate, giao hưởng, nhạc kịch…
Những nhạc cụ “quốc tế hóa” nêu trên được xem là đã đạt đến mức độ hoàn chỉnh, hình dáng và những tính năng, kỹ thuật của nhạc cụ gần như ổn định trong một thời gian dài vừa qua. Nhưng để đạt đến sự hoàn chỉnh đó, nó cũng trải qua một thời gian khá dài với sự góp sức cải tiến của rất nhiều thế hệ, có khi ở nhiều quốc gia khác nhau.
Mỗi nhạc cụ “quốc tế hóa” nói trên, ban đầu nó cũng xuất phát từ một vùng miền nào đó trên thế giới, nhưng có một điều đặc biệt là gần như không có chuyện có người đứng ra “giành” cây đàn này, chiếc kèn kia… là của dân tộc mình.
Nói tất cả những điều như trên để thấy rằng, dù chúng ta phải ra sức bảo vệ, hoặc tìm cách tôn vinh những nhạc cụ được xem là di sản văn hóa của cha ông để lại. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải luôn dành tâm trí để nâng cao giá trị của nó như: cải tiến nhạc cụ, nâng cao hiệu quả biểu hiện của nhạc cụ, sáng tác những tác phẩm… để nó trở thành một nhạc cụ mang đậm dấu ấn trong tiến trình phát triển âm nhạc dân tộc và góp phần vào sự phong phú của âm nhạc thế giới.Hải Long
Thể thao & Văn hóa