Nhà vô địch WBO Thu Nhi: Chuyện chưa biết về quyền Anh nhà nghề ở Việt Nam
(Thethaovanhoa.vn) - Đai vô địch WBO mà võ sỹ Nguyễn Thị Thu Nhi vừa giành được mở ra những hi vọng mới cho quyền Anh Việt Nam trên hành trình hội nhập với đấu trường chuyên nghiệp. Nhưng rất ít người biết rằng, từ một võ sỹ bán chuyên, để có thể thi đấu và thành công ở một giải quyền Anh nhà nghề là hành trình cực kỳ gian nan.
Không phải võ sỹ nào cũng có thể thi đấu nhà nghề
“VĐV quyền Anh được phong đẳng cấp ở các giải vô địch trong nước thì nhiều nhưng số người có thể chuyển sang tập luyện và thi đấu ở các giải nhà nghề thì rất ít, ước tính chỉ vài chục võ sỹ”, Tổng thư ký Liên đoàn Quyền Anh Việt Nam (VBF) ông Vũ Đức Thịnh mở đầu câu chuyện, khi nói về quyền Anh nhà nghề ở Việt Nam hiện nay.
Theo lý giải của ông Thịnh, quyền Anh bán chuyên (nghiệp dư) như mọi người vẫn thấy qua các giải đấu trong nước hay SEA Games, ASIAD có sự khác biệt rất lớn so với quyền Anh nhà nghề, thậm chí là “một trời, một vực” nếu như so sánh về các yêu cầu với VĐV và quy mô sự kiện khi tổ chức thi đấu.
Luật thi đấu quyền Anh nhà nghề có nhiều khác biệt so với nghiệp dư nên đòi hỏi đối với võ sỹ nhà nghề về tố chất, thể lực, kỹ thuật, sức bền, sức mạnh… rất cao. Riêng việc thi đấu từ 10 đến 12 hiệp (mỗi hiệp thường kéo dài 3 phút) trong 1 trận đấu nhà nghề so với 3 hiệp của một trận đấu nghiệp dư đã đủ cho thấy sự khác biệt đáng kể của 2 hình thức thi đấu.
“Một võ sỹ đáp ứng các tiêu chí khi thi đấu nhà nghề thường trải qua một quá trình khổ luyện với sự đầu tư rất lớn về công sức lẫn tiền bạc. Các võ sỹ ở Việt Nam, thường là họ thi đấu nghiệp dư ở các giải trong nước, sau đó, lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch ở nước ngoài, rồi chuyển sang tập luyện và thi đấu nhà nghề”, ông Thịnh cho biết.
Trường hợp của Nguyễn Thị Thu Nhi mới đây, hay trước đó là Trần Văn Thảo hay Trương Đình Hoàng là ví dụ điển hình nhất. Đây đều là các võ sỹ đã gặt hái được thành công ở các giải trong nước tại Việt Nam, sau đó được các CLB quyền Anh nhà nghề tuyển chọn và huấn luyện để thi đấu chuyên nghiệp.
Thu Nhi từng giành HCV (hạng 45kg) ở giải vô địch toàn quốc trong 3 năm 2015, 2017, 2018 và Cúp các Câu lạc bộ toàn quốc 5 năm liên tiếp từ năm 2015 đến 2019, sau đó đầu quân cho CLB Cocky Buffalo và bước vào sự nghiệp thi đấu nhà nghề. Trong nhiều nữ võ sỹ Việt Nam có thành tích tốt nhưng không phải ai cũng có đủ tố chất đáp ứng yêu cầu thi đấu chuyên nghiệp.
“Thu Nhi là một võ sỹ có những tố chất rất đặc biệt, kết hợp cùng với sự đầu tư trong huấn luyện và đào tạo của CLB Cocky Buffalo mới có thể đem về đai vô địch WBO thế giới dù sự nghiệp thi đấu nhà nghề mới có 4 lần thượng đài. Chỉ điều đó cũng đủ nói lên, không phải bất cứ võ sỹ nào cũng có thể thi đấu chuyên nghiệp”, ông Thịnh chia sẻ thêm.
Quyền Anh nhà nghề - Cuộc chơi tiền “tấn”
Không chỉ là các trận đấu có sự đòi hỏi rất khắt khe về chuyên môn và thể lực đối với võ sỹ tham gia, quyền Anh nhà nghề khác biệt với nghiệp dư còn nằm ở cách thức và quy mô tổ chức các sự kiện thi đấu. Trong đó, yếu tố tiền bạc cũng phân định rất rõ ràng về khái niệm nhà nghề và nghiệp dư trong 2 nhánh của môn quyền Anh.
Hiện nay, các trận đấu nhà nghề có quy mô lớn thường được tổ chức bởi 4 đơn vị gồm WBO (Tổ chức quyền Anh thế giới), WBA (Hiệp hội quyền Anh thế giới), WBC (Hội đồng quyền Anh thế giới), IBF (Liên đoàn quyền Anh quốc tế). Đây cũng là 4 tổ chức danh giá và chuyên nghiệp nhất, mang tới các sự kiện thi đấu có quy mô lớn nhất trên thế giới.
Các sự kiện thi đấu đấu quyền Anh nhà nghề quy mô lớn thường đem lại doanh thu rất cao khi việc tổ chức sự kiện này với nguồn thu khổng lồ từ bản quyền truyền hình và bán vé. Từ năm 1997, trận tranh đai vô địch WBA giữa Evander Holyfield và Mike Tyson đã đem về tổng doanh thu 145,7 triệu bảng Anh, trong đó có doanh thu từ truyền hình 81,4 triệu bảng.
Hiện nay, kỷ lục thế giới về doanh thu của một trận đấu nhà nghề là 678 triệu bảng Anh (trong đó thu từ truyền hình là 333 triệu bảng và doanh thu bán vé vào cổng là 58,7 triệu bảng) thuộc về trận đấu giữa Mayweather và Pacquiao tổ chức vào năm 2015. “Các trận đấu nhà nghề có chi phí, quy mô tổ chức và doanh thu rất lớn, khác biệt hoàn toàn với nghiệp dư”, ông Thịnh đánh giá.
Sự kiện tranh đai, bảo vệ đai của WBO ngày 23/10 diễn ra tại Ansan (Hàn Quốc) do Cocky Buffalo phối hợp cùng Hiệp hội boxing Hàn Quốc (KBO) tổ chức. Theo điều lệ của WBO, đơn vị tổ chức phải trả một số tiền đăng cai và vượt qua những tiêu chuẩn nghiêm ngặt trận đấu mới có thể diễn ra. Đặc biệt, đơn vị Cocky phải chi ra một số tiền không nhỏ, để Thu Nhi thể so găng với Etsuko Tada (Nhật Bản).
Theo quy định, đối với hạng cân mini-flyweight, người thách thức sẽ phải chi tối thiểu 80 ngàn USD để tham gia đấu thầu trận tranh đai với nhà vô địch. Ở các hạng cân lớn hơn, mức giá sàn đấu thầu sẽ có 5 mốc khác nhau từ 100, 150, 200, 300 ngàn và cao nhất là 1 triệu USD. Tuy nhiên, con số 80 ngàn USD nói chỉ là mức giá sàn để một võ sĩ có thể tham gia tranh đai vô địch, còn thực tế có thể cao hơn nhiều lần.
WBO cũng quy định rất rõ về tiền thưởng tối thiểu cho mỗi trận tranh đai ở các hạng cân khác nhau. Với hạng minimum mà Thu Nhi thi đấu, con số đó là 80.000 USD. Do trận đấu diễn ra tại Hàn Quốc - địa điểm trung lập nên theo quy định Etsuko Tada sẽ nhận được 75-80% số tiền từ việc tổ chức trận đấu, 20-25% còn lại sẽ thuộc về Thu Nhi và đơn vị chủ quản.
Như vậy, quyền Anh nhà nghề không chỉ là những trận đấu đem về những chiếc đai vô địch danh giá, mà nó còn là một cuộc chơi cực kỳ tốn kém và có thể tạo ra nguồn thu khổng lồ với các sự kiện đặc biệt. Việc tổ chức các trận đấu chuyên nghiệp đã trở thành một “công nghệ” có thể đem lại siêu lợi nhuận và tất nhiên điều đó chỉ dành cho các nhà tổ chức chuyên nghiệp.
Tương lai nào cho quyền Anh nhà nghề ở Con số các võ sỹ Việt Nam thi đấu và giành được thành tích ấn tượng trên sàn đấu nhà nghề hiện nay mới chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ấn tượng nhất là Thu Nhi với đai vô địch WBO thế giới (hạng ruồi nhẹ), ngoài ra còn có Trương Đình Hoàng sở hữu đai vô địch WBA Đông Á và châu Á (hạng trung) và Trần Văn Thảo với đai vô địch WBC châu Á (hạng siêu ruồi). Tuy nhiên, tất cả đang thắp lên hi vọng và mở ra hướng phát triển mới trong tương lai gần cho quyền Anh Việt Nam. “Thi đấu nhà nghề là xu hướng tất yếu đối với quyền Anh ở Việt Nam, ngay cả khi khái niệm này vẫn còn rất mới và chúng ta vẫn bỡ ngỡ. Không chỉ nâng cao thành tích cho các võ sỹ, mà việc tổ chức thi đấu nhà nghề cũng sẽ đem lại nguồn thu, đồng thời, thúc đẩy sự phát triển đối với công tác xã hội hóa môn quyền Anh. Nếu thi đấu nhà nghề, đời sống và thu nhập của võ sỹ cũng được cải thiện chứ không chỉ ở mức hơn 10 triệu đồng/tháng với môi trường nghiệp dư”, ông Vũ Đức Thịnh chia sẻ. Hiện tại, thuận lợi lớn là rất nhiều CLB và lò đào tạo võ sỹ chuyên nghiệp đang dần hình thành ở Việt Nam. Thành tích mà Thu Nhi, Đình Hoàng hay Văn Thảo giành được trên đấu trường chuyên nghiệp ở châu lục và thế giới là nền tảng hết sức quan trọng và tạo nên cú hích về động lực phát triển. “Các võ sỹ Việt Nam có năng lực để thi đấu và thành công ở các giải nhà nghề lớn nếu như được đào tạo, huấn luyện và có môi trường thuận lợi để phát triển”, theo đánh giá của ông Thịnh. Dẫu vậy, ngay cả khi đã có những điểm tựa quan trọng ban đầu làm nền tảng, song sẽ không dễ để quyền Anh Việt Nam có thể ngày một ngày hai chuyển mình từ nghiệp dư sang nhà nghề. Rất cần một chiến lược phát triển bài bản và căn cơ từ ngành thể thao, từ VBF để hỗ trợ, quy tụ và huy động được nhiều nguồn lực trong xã hội cùng chung tay xây dựng mô hình chuyên nghiệp. Nếu không, tất cả vẫn mãi chỉ là giấc mơ! |
Vũ Lê