Nhà văn Sương Nguyệt Minh: 'Đại dịch như hàn thử biểu đo lòng người'
(Thethaovanhoa.vn) - Tập bút ký - bình luận Khi đại dịch thế kỷ Covid-19 đi qua (NXB Văn học và Sbooks) của Sương Nguyệt Minh vừa được phát hành với gần 30 bài viết xuyên suốt trong khoảng 20 tháng qua. Khi viết, tác giả đặt tâm thế như là một nhân vật, một nạn nhân của Covid-19.
“Đi qua đại dịch này thì càng thấy con người nhỏ bé, kiếp người mong manh hơn. Đi qua đại dịch mới thấy mình cần nhã nhặn lại, khiêm tốn lại, bớt kiêu ngạo kiêu hãnh đi. Cuộc đời chỉ như mây bay gió thoảng” - nhà văn Sương Nguyệt Minh bắt đầu cuộc trò chuyện cùng Thể thao và Văn hóa (TTXVN).
* Anh có thể chia sẻ vài điểm nhìn chính mà anh đặt ra trong cuốn sách này?
- Càng sống, càng đi nhiều, đọc nhiều, trải nghiệm đến một độ nhất định thì tôi mới nhận ra: Nhân loại là nạn nhân của “thiên tai địch họa” và nhân loại cũng là nạn nhân của chính mình.
Tôi đã viết rằng: “… ngày lại ngày con người với bộ mặt bạc phếch, hối hả, vội vàng, gấp gáp mưu sinh, sáng chui ra, tối chui vào các khu nhà bê tông cốt thép vô hồn lạnh lẽo mùa Đông, nóng bức mùa Hè. Con người đang sống trong môi trường mất cân bằng sinh thái, đang sống trên quả địa cầu tróc lở, nham nhở, xơ xác, đau thương”. Đến trận đại dịch thế kỷ Covid-19 này thì càng khẳng định: Con người là nạn nhân của virus SARS-CoV-2 và cũng là nạn nhân của con người.
Tôi cũng đã viết: “Con người chớ ngạo mạn đến mức làm chúa tể của muôn loài, rồi khống chế, thống trị chúng sinh, mà không biết sống hòa nhập, hòa bình trong sinh thái cân bằng, thì muôn loài sẽ nổi giận và sẽ chuốc lại những mất mát không lường, thậm chí đến hủy diệt giống nòi”.
Tuy nhiên, tôi lại nhìn đồng loại cũng như bản thân mình là nạn nhân bằng con mắt không thờ ơ, vô cảm, coi thường, mà xót thương, nhân ái.
* Khi đại dịch mới diễn ra và khi anh mới viết bài đầu tiên, anh có nghĩ là mình sẽ viết nhiều bài như vậy không?
- Tôi đăng bài đầu tiên trên báo Tuổi trẻ & Đời sống ngày 1/2/2020 (mùng 8 Tết Canh Tý). Lúc đó, ở Việt Nam mới chỉ có 5 người nhiễm virus corona, trong đó có 2 bệnh nhân người Trung Quốc, còn 3 người Việt Nam đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và Bệnh viện Nhiệt đới trung ương (cơ sở Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội). Trước thảm họa này, nhiều trường đại học đã cho sinh viên nghỉ 1 tuần không đến lớp. Rất nhiều lễ hội (chẳng hạn như Ngày thơ Việt Nam, Lễ hội Chọi trâu Phú Thọ... ), hội thảo, mít-tinh bị hoãn, hoặc hủy bỏ. Bộ Y tế và Bộ Tư pháp đã họp và xác nhận đủ cơ sở pháp lý để công bố tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh.
Tôi nhận ra tình hình có vẻ căng rồi, sẽ lâu dài rồi. Tôi có gần 20 năm công tác ở một bệnh viện hạng 1 của quân đội, cũng hiểu biết phần nào về bệnh truyền nhiễm. Bạn bè tôi là bác sĩ dịch tễ học, lúc đó đã lo ngại thực sự. Cộng với trực cảm nhà văn, tôi cảm nhận có lẽ phải viết lâu dài về sự kiện quá dữ dội khốc liệt này. Nhưng, tôi không nghĩ là mình viết tới gần 30 bài, bài nào cũng tràn trang A3, viết đến gần 2 năm rồi, mà vẫn phải viết, dù không mong muốn.
* Đại dịch vẫn đang diễn ra, mà anh lại nói “khi đi qua”, vậy lúc “đi qua” ấy sẽ là gì?
- Dịch Covid-19 được ví như bão, nhưng khác với bão gió từ biển Đông tràn vào. “Khi… đi qua” là cái ý văn học, chứ không phải tường thuật cái sự đi qua mang yếu tố vật lý, địa lý, thời gian. Bệnh dịch đi qua 1 xã phường, 1 quận huyện, 1 tỉnh thành rồi nó sang địa phương khác. Tưởng nó đã đi qua rồi, thì nó lại vòng lại. Qua chỗ này, nhưng chỗ khác chưa qua. Qua rồi, bỗng dưng nó lại đến. Chỉ qua 1 xã, 1 huyện thôi, qua 1 tháng, 1 năm thôi, nó cũng kịp càn quét dữ dội, làm đình đốn sản xuất, đứt gãy lưu thông, cách biệt người nọ với người kia trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Nó cũng làm cho con người bộc lộ ra hết những gì thuộc về con người. Đại dịch Covid-19 như hàn thử biểu đo lòng người.
Khi đại dịch Covid-19 đi qua cũng là điều kiện, hoàn cảnh để xuất hiện kẻ giả dối, cơ hội, trục lợi; và những người chủ quan, lơ là, lo sợ, hoang mang, kỳ thị… thậm chí vô cảm với nỗi đau đồng loại. Nhưng số đông vẫn là những người chân thực, thiện lương, tử tế, can cảm, tận tụy, tỉnh táo, giàu tình thương yêu, thầm lặng làm việc tốt trước thiên tai Covid-19 tàn khốc, nghiệt ngã.
- Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Tiểu thuyết từ ám ảnh của ‘người lính lạc rừng’
- Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại dột…
- Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Dị hương lên tiếng... bảo vệ đàn ông!
* Khi viết về đại dịch, với anh, những điều gì là khó nói nhất?
- Khó khăn nhất là tiếp cận hiện thực. Thời chiến tranh, nhà văn vừa là người cầm bút, vừa là người cầm súng trận mạc, can dự vào hiện thực với tư cách là người trong cuộc. Còn hiện thực Covid-19 thì nhà văn không thể làm một bác sĩ, y tá, hoặc làm một lao công trong bệnh viện dã chiến để chứng kiến cái sự khốc liệt, khủng khiếp nhất.
Hiếm hoi mới có một ê-kíp nhà báo làm phim tài liệu như Ranh giới, khi họ ở 2 tuần trong Bệnh viện Hùng Vương. Hiện thực này đang nóng bỏng, đang xảy ra, chẳng nhân vật nào có thời gian mà kể cho nhà văn trải nghiệm, cũng chẳng nhà văn nào bất nhẫn lấy tư liệu qua lời kể từ nhân vật đang quá thiếu thời gian để điều trị bệnh nhân và nghỉ ngơi, đang mệt mỏi, quá tải, tính mạng bị đe dọa bởi lây nhiễm hàng giờ…
Nhưng, nhà văn cũng có cái thuận: Cũng là một nhân vật, một nạn nhân của Covid-19. Tôi và nhiều nhà văn khác sống ở trong “vùng cam”, “vùng đỏ” bị giãn cách. Ngõ nhà tôi chỉ 200m, có 4 lối ra, mà bị căng dây, dựng rào sắt kiên cố cả 4, còn bị vải bạt che kín 3 lối ra, chỉ có một lối rào thoáng thì lại có dân phòng chốt gác. Ra được đường cái lớn phải đi qua 3 cái hàng rào có dân phòng chốt đấy.
Gần 50 ngày nay sống trong 4 cái rào dậu đó, nhiều lúc bí bách, trầm cảm… thì mới suy ra các bác sĩ, y tá ở tuyến đầu chống dịch, các bệnh nhân còn khổ sở, mất mát biết bao. Đó cũng là một vùng hiện thực mà nhà văn trải nghiệm để viết.
* Cảm ơn anh vì những chia sẻ sâu sắc này!
Sau dịch, văn hóa sẽ thay đổi mãi mãi "Tôi nghĩ, kinh tế khủng khoảng rồi sẽ phục hồi. Ai ốm ai mất thì cũng ốm cũng mất rồi, đau thương sẽ nguôi ngoai theo thời gian. Đời sống vất vả gian lao rồi cũng hết, sẽ trở lại cuộc sống thường nhật. Tâm lý dù có trầm cảm, stress rồi cũng được chữa lành qua năm tháng. Tâm linh sẽ được chú ý hơn. Nhưng văn hóa sau Covid-19 thì thay đổi lâu dài, sâu sắc, bền vững. Dường như bệnh dịch đã đặt ra “luật chơi” mới, rồi phá hủy nhiều hệ giá trị văn hóa tinh thần đã ổn định của loài người, làm nhân loại thất điên bát đảo. Con người sẽ phải thay đổi nhận thức về con người, về thế giới và hành động, ứng xử với phòng tránh thiên tai. Những gì xảy ra trong đại dịch thì đều lộ diện y nguyên, trần trụi, khiến chúng ta giật mình phải điều chỉnh lại tư duy và cách sống" - Nhà văn Sương Nguyệt Minh chia sẻ. |
Văn Bảy (thực hiện)