Nhà văn Sương Nguyệt Minh: Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại dột…
TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà văn Sương Nguyệt Minh.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh |
- Tôi lại thấy mừng vì điều đó. Chẳng hạn, dịch giả Hiệu Constan (Thạc sĩ về bộ môn “văn học so sánh” ở Paris) và nhà thơ Văn Công Hùng ở Tây Nguyên lại thích các truyện tôi viết về chiến tranh và nông thôn. Họ thích cái kiểu viết da diết, dung dị, dù có dữ dội mà vẫn ấm áp, nhân hậu ở: Người ở bến sông Châu, Mây bay cuối đường, Đêm làng Trọng Nhân..., hơn cái kiểu viết biến hóa, tung tẩy, nghiệt ngã như ở Dị hương. Anh em bạn nghề ở Hà Nội đọc 9 truyện ngắn trong tập Dị hương thì bảo, tôi đã bước sang một giai đoạn mới, khác trước về nội dung phản ánh và bút pháp nghệ thuật. Nhà văn Khuất Quang Thụy gật gù: Dị hương là truyện ngắn hay nhất của Sương Nguyệt Minh. Nhà văn Trần Chiến bảo: Đến Dị hương thì Sương Nguyệt Minh mới thoát khỏi anh nhà văn mặc áo lính. Chẳng biết ông ấy khen hay chê?
Quan niệm và cảm thụ văn chương không ai giống ai cũng là điều bình thường.
* Những truyện ngắn trong Dị hương về ý tưởng thì không mới, nhưng lại gây bất ngờ cho độc giả. Có một Sương Nguyệt Minh dám viết về tính dục một cách tự nhiên, đầy đam mê, cuồng nhiệt, gợi cảm, đẹp. Và thiên nhiên trong các không gian nghệ thuật ấy cũng đẹp lung linh... (như các truyện ngắn: Đồi con gái, Đêm mùa Hạ tuyết rơi, Dị hương). Phải chăng, yếu tố này đã tạo nên Dị hương?
- Nếu đúng như chị nói thì cũng là điều tôi lấy làm mừng quá. Viết như thế nào, chứ không phải viết về cái gì, luôn là một thách thức khó khăn, khắc nghiệt đối với nhà văn.Tôi nghĩ: Để làm nên Dị hương còn cả sự khác biệt nữa, khác những gì tôi đã viết, khác với người khác đã viết; trong đó bút pháp huyền ảo trộn lẫn với hiện thực và lãng mạn, với những nhân vật văn học dị biệt nữa.
* Đàn bà trong truyện ngắn của anh không hề hiền lành chút nào, dù họ có những hành động vô cùng cao thượng. Anh với tư cách là nhà văn đã khuyến cáo độc giả rằng: “Đàn bà rất cao tay, đàn ông hãy cảnh giác”. Lẽ nào, người phụ nữ Việt lại ngày một “khó hiểu” như thế?
- Phải nói ngay, trong tác phẩm của tôi, những người đàn bà thường đáo để, ghê gớm, “cao tay ấn”. Họ không chỉ “khó hiểu” mà còn cực kỳ bí ẩn. Tôi không thể cắt nghĩa, không thể hiểu được đàn bà.
Phụ nữ Việt Nam đã qua rồi cái chân dung truyền thống cá thể gia đình “công dung ngôn hạnh” mà họ đã là con người xã hội đa tính cách, cực kỳ phức tạp trong thời đại công nghiệp mới. Họ vừa ngoan hiền, vừa nanh nọc. Họ vừa gần gũi vừa xa xăm. Họ vừa làm cho ta cáu giận, độc đoán quyết liệt lại vừa làm cho ta run rẩy, mềm lòng mà khuất phục. Họ vừa làm cho ta sung sướng mê ly, hạnh phúc vừa làm cho ta đau đớn, buốt giá. Họ vừa làm cho ta thông minh, tỉnh táo, vừa làm cho ta khù khờ, dại dột. Họ vừa là mẹ, là chị gái, là người tình, là vợ nhẫn nại, hy sinh theo chế độ phụ hệ, lại vừa là sếp, là cá thể bình đẳng sẵn sàng chia tay chồng, bỏ rơi người tình, xách va-li ra khỏi nhà không lưỡng lự. Họ vừa làm cái bếp quanh năm đỏ lửa, vừa làm căn nhà lạnh lẽo, suốt bốn mùa không có bàn ăn...
Có lẽ vì thế mà phụ nữ Việt Nam hiện đại mới lôi cuốn, dẫn dụ như “bùa mê thuốc lú” làm cho đàn ông không thể thoát nổi. Nói khái quát như thế, nhưng đưa họ vào tác phẩm văn học thì quả thật là khó khăn.
* Bút pháp nghệ thuật được Sương Nguyệt Minh sử dụng trong Dị hương khá rộng. Rõ nhất là bút pháp trộn lẫn hiện thực. Từ một nhà văn chuyên viết về chiến tranh, nông thôn, bây giờ anh viết cả “thành thị”, thậm chí cả những câu chuyện “ngược dòng lịch sử xa xăm” thời... Nguyễn Ánh! Anh có thấy mình đang tham lam trong hành trình nghệ thuật của mình? Hay Sương Nguyệt Minh quá tự tin?
- Có người vừa lòng cày vỡ cả đời trên cánh đồng làng. Có người đào, cuốc hết đất làng mình thì khai phá bãi bồi sông cả, rồi ngược ngàn sinh nhai. Đó là tạng người.
Tôi vốn là kẻ ưa khám phá, thích lang thang, rong ruổi nhiều nơi, thích đọc chính sử và dã sử lại chơi được với từ anh đạp xe xích lô, thợ cày đến ông tướng già, doanh nhân trẻ, nhà khoa học “sinh bất phùng thời”. Ở một chỗ, ăn cũng một chỗ, làm cũng một chỗ, sống đều đều, đơn điệu, tẻ nhạt... là người cứ muốn phát điên. Tiền nhân nói “văn là người”, vì thế tôi viết về nhiều đề tài, nhiều loại con người khác nhau, vùng đất khác nhau, với các bút pháp khác nhau cũng chẳng có gì lạ. Tất nhiên, tự tin và có bản lĩnh thì mới viết văn.
- Không viết truyện ngắn nữa, mà là viết tiểu thuyết. Từ nay đến lúc chết, chỉ cố viết lấy một, vài quyển tiểu thuyết hay. Đó là khao khát của tôi từ trước đây, bây giờ, và cả sau này.
* Những tác giả “gừng già” dường như khắt khe hơn với tác phẩm của mình sau mỗi lần ra mắt. Với Sương Nguyệt Minh thì sao? Anh có sợ tác phẩm của mình về sau không vượt qua được cái bóng của chính mình?
- Không! Tôi luôn luôn nghĩ mình phải cố gắng viết cái sau hay hơn cái trước. Có được hay không thì lại là chuyện khác.
Trong thực tế đời sống văn chương, có nhiều người chủ trương: Một khi đã lên đến “đỉnh” thì không leo nữa, một khi đã đi hết một chân trời thì không đi nữa, một khi đã sáng tạo được tác phẩm lớn và hay thì không dại dột mà viết nữa. Họ không “dại dột” và cũng không muốn để bạn đọc đọc cái mà họ viết khi đã qua thời huy hoàng. Vì thế, cái khao khát sáng tạo cũng tự nhiên theo đó mà mất đi.
Tôi thì không. Cứ khao khát và cứ dại dột. Tôi thật sự tâm đắc triết lý của doanh nhân Steve Jobs, Tổng giám đốc Điều hành Tập đoàn Apple Computer và Hãng sản xuất Phim hoạt hình Pixar Animation Studio, tại lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên Đại học Stanford (Hoa Kỳ), rằng: “Hãy cứ khát khao! Hãy cứ dại dột!”
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
(*) Theo thông tin được đưa ra trước đây, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay sẽ trao 3 giải và 3 bằng khen. Tuy nhiên, do một tác phẩm là tập truyện thiếu nhi Chiếc vé vào cổng thiên đường của nhà văn Quế Hương phạm quy, nên bị rút. Như vậy chỉ còn 2 giải và 3 bằng khen.
Trần Lâm (thực hiện)