Nhà văn Phong Thu (Kỳ 3): "Người thầy cũ”... là tôi chứ ai!
Đến bây giờ, những nhân vật trong truyện đều đã lên lão, còn “người thầy cũ” là “lão này đây chứ ai!” - nhà văn Phong Thu trễ mắt kính, trỏ ngón tay vào chính mình, nói.
Từng làm “khổ” thầy dạy văn bằng những bài văn
Nhà văn Phong Thu thời trẻ
|
“Bài của anh viết hay lắm, văn chương thì đẹp lắm, thế nhưng nó không phải văn trường ốc. Văn ở trong nhà trường không phải văn để đăng báo. Anh có tài thật, có năng khiếu văn chương thật nhưng viết văn như anh chỉ hợp với văn đăng báo thôi. Thế nhưng cho anh điểm 4 thì không nỡ, mà cho anh điểm 5 thì phá cách, vậy nên, tôi cho anh điểm 5 (tương đương điểm 10 bây giờ), nhưng mà là 5 trừ (5-).
Nhà văn Phong Thu kể: “Thầy giáo dạy văn mỗi khi gặp tôi đều bảo, chấm văn của cậu tôi... mệt lắm. Tôi hỏi sao văn em lại làm thầy mệt thì ông bảo, cậu dẫn chứng mới quá, sách người ta vừa in xong, cảm giác hãy còn nguyên mùi mực cậu cũng dẫn vào bài làm văn. Cậu đã dẫn chứng vào bài rồi thì đương nhiên để “kiểm tra thông tin” có chính xác hay không, buộc tôi lại phải đi tìm mua sách để đọc”. Mà đúng thật, ngày ấy, tôi mê sách lắm, cứ ra hiệu sách mà thấy có cuốn mới ra là thể nào cũng xoay tiền mua bằng được. Trong khi làm bài tập làm văn, nhất là văn học sử, nếu tôi thấy cuốn nào hợp là “tương luôn” vào bài làm văn của mình. Có lần thầy “dọa”, lần sau nếu cậu mà còn dẫn những thông tin ở sách mới vào là tôi hạ điểm cậu. Cậu dẫn nhiều thì tôi phải mua sách nhiều,... mệt lắm”.
Người thầy luôn “bị mệt” mỗi khi chấm văn của nhà văn Phong Thu hiện vẫn còn sống, tên là Lương Gia Ninh, hiện ở số 5 phố Tràng Thi, Hà Nội. Nhà văn Phong Thu cho biết, trước đây cả thầy lẫn trò còn khỏe thường vẫn hay chạy qua, chạy lại thăm hỏi nhau, nhưng giờ già yếu như nhau rồi thì chịu, muốn biết tình hình của nhau chỉ còn cách gọi điện hoặc... biên thư. Cho đến tận bây giờ, nhà văn Phong Thu vẫn còn lưu giữ rất nhiều lá thư viết tay của thầy Ninh gửi ông từ năm nảo, năm nào...
… đến cậu học trò giờ là đại tá
Năm 1957, nhà văn Phong Thu làm hiệu trưởng một trường cấp 1 ở một xã miền núi huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Tuy là hiệu trưởng nhưng ông vẫn phải dạy lớp 4 (thời ấy, lớp 4 đã là lớp cuối cấp như lớp 5 thời bây giờ). Lớp 4 mà nhà văn Phong Thu dạy “đầu trái mái hè” với lớp 3, hai lớp chỉ cách nhau một tấm liếp nứa tạm bợ, lớp này nói, lớp bên cũng nghe thấy. Lớp 3 bên cạnh có một cậu học sinh rất nghịch ngợm, bướng bỉnh và thường làm cho rất nhiều thầy cô giáo... “nóng mặt”.
do thầy Lương Gia Ninh chấm từ những năm 1960
Nhà văn Phong Thu kể: “Tôi ngày ấy giảng bài, nói lại to nên hầu như lớp bên cạnh đều nghe thấy. Một hôm tôi giảng bài có nói về một cậu bé ở trên thuyền, do nghịch quá mà rơi xuống sông. Tôi chưa kịp hỏi học trò lớp mình thì cậu ta từ bên kia liếp thò đầu qua nói rất to: “Ngã xuống sông thì... ch...ế...t!”. Tôi bực quá, quyết định đình chỉ học cậu bé 2 ngày, không được đến trường. Sau hai ngày “thụ án” xong, cậu bé lại quay lại trường nhưng tôi đã thấy cậu ăn mặc gọn gàng hơn, lễ phép hơn, chăm học hơn và ngoan ngoãn hơn...”.
Thế rồi cậu bé ấy cứ thế lớn lên, rồi trở thành anh bộ đội, rồi biết tôi làm ở báo Thiếu niên Tiền phong nên anh ta cũng viết bài gửi đăng báo. Sau năm 1975, anh ta xuất ngũ, về làm ở báo Hậu cần, sau chuyển qua báo Quân đội nhân dân. Trước khi về hưu, cậu ta phụ trách tờ báo Quân đội nhân dân cuối tuần, giờ mang quân hàm đại tá, tên là Phạm Quang Đẩu.
“Hàng năm, cứ đến ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11, Đẩu vẫn tìm đến chúc tết thầy, còn bình thường, một hai tháng Đẩu vẫn qua đây chơi. Tôi bảo Đẩu gọi tôi là anh thôi vì tôi hơn cậu ấy có 12 tuổi chứ mấy... nhưng Đẩu không nghe! Đấy, cậu học trò lớp 3 năm xưa bị tôi phạt đuổi học 2 ngày chính là đại tá Phạm Quang Đẩu bây giờ đấy”.
Người thầy cũ (SGK Tiếng Việt lớp 2, tập 1 - Bộ mới) của nhà văn Phong Thu chính là sự pha trộn của những ký ức về người thầy giáo dạy văn đến cậu học trò giờ mang quân hàm đại tá, cộng với kỷ niệm về những ngày còn đứng trên bục giảng của ông. Nhà văn Phong Thu cho biết: “Khi viết, tôi phải tạo ra tình huống để cảm hóa người đọc, mà ở đây là các em thiếu nhi. Chẳng hạn như, trong truyện có chi tiết học trò bị thầy giáo phạt nhưng học trò không oán thầy mà vẫn nhớ thầy, kính thầy.”
Kỳ sau (Chủ Nhật, 30/8): Việt Nam chưa có nền “văn học nhà trường”