Nhà văn Ngô Tự Lập nhận huân chương Hiệp sĩ của Pháp
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng qua 23/10, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), Đại sứ Pháp tại Việt Nam đã trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn học và Nghệ thuật cho ông Ngô Tự Lập, Viện trưởng Viện Quốc tế Pháp ngữ.
Đây là một trong bốn Huân chương cấp Bộ của Pháp, bắt đầu được trao tặng từ năm 1957 cho các cá nhân có thành tích nổi bật hoặc có nhiều đóng góp trong lĩnh vực Văn học và Nghệ thuật tại Pháp và trên thế giới.
"Tôi cảm thấy vinh dự khi đeo tấm huân chương này, nhưng nó đồng thời cũng sẽ mở ra những trách nhiệm mới khi bản thân luôn cần cố gắng để xứng đáng với danh hiệu được trao” - ông Ngô Tự Lập chia sẻ.
Ông Ngô Tự Lập là cựu sĩ quan hải quân, tốt nghiệp Đại học Hàng hải Baku tại Liên Xô cũ, Đại học Luật Hà Nội, Đại học Sư phạm Fontenay-St. Cloud (cao học) và Đại học bang Illinois (tiến sĩ). Ông đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong đó có 4 cuốn truyện ngắn, 2 tập thơ, 5 tập tiểu luận và nhiều công trình dịch thuật từ tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh. Ông từng giành được một số giải thưởng về thơ, đồng thời có một số tập thơ, truyện và tiểu luận được xuất bản tại Pháp.
Đặc biệt, từ 2016, Ngô Tự Lập là lãnh đạo Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) - tổ chức được hình thành trên cơ sở sáp nhập Viện Tin học Pháp ngữ (thành lập năm 1993) và Trung tâm đại học Pháp tại Hà Nội (thành lập năm 2006). Dưới sự lãnh đạo của ông, Viện Quốc tế Pháp ngữ được đánh giá là có sự phát triển ngoạn mục, trở thành trung tâm đào tạo và nghiên cứu đại học đa ngành, với học viên đến từ hơn hai chục quốc gia. Với sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và công nghệ, IFI được đánh giá là một trung tâm Pháp ngữ quan trọng trong khu vực châu Á - Thái Bình dương.
Tại buổi trao tặng Huân chương, ông Ngô Tự Lập cho biết: Những năm qua, IFI đã đào tạo được hơn 600 chuyên gia về công nghệ thông tin, cùng hơn 600 cử nhân, thạc sĩ, hoặc tiến sĩ ở các ngành khoa học xã hội. Trong thời gian tới, IFI có kế hoạch hợp tác và mở một chi nhánh tại khu vực châu Phi.
“Trong bối cảnh chúng ta đang thiên về nhập khẩu giáo dục - tức là bỏ tiền đi học ở nước ngoài - chúng tôi mong được làm điều ngược lại: Xuất khẩu giáo dục” - ông Ngô Tự Lập khẳng định.
Bảo Anh