Nhà văn Ma Văn Kháng: Một mình một ngựa đoạt giải...
* Thưa nhà văn Ma Văn Kháng, ông đã đoạt được rất nhiều giải thưởng về văn học mang tầm cỡ quốc gia và khu vực về văn học. Ông lại vừa “ẵm” thêm giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội (giải địa phương) cho tác phẩm Một mình một ngựa. Vậy cảm xúc của ông khi biết tin này?
- Tôi hơi bị bất ngờ và thật tình là rất vui. Vui vì giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội là một giải thưởng văn học có uy tín, được bạn đọc xa gần đánh giá cao. Vui vì ở độ tuổi xưa nay hiếm mà viết còn có người đọc, còn được sự chia sẻ cảm thông của các bạn đồng nghiệp, còn được sự động viên của các anh chị lãnh đạo phong trào văn học Thủ đô.
* Một mình một ngựa được ông thai nghén và cho ra đời như thế nào? Bên cạnh những vấn đề tâm huyết được đặt ra như phẩm chất con người cách mạng, bản lĩnh và ý chí con người trước những thử thách hiểm nghèo thì còn vấn đề gì ông muốn gửi gắm qua tác phẩm này nữa, thưa ông?
Nhà văn Ma Văn Kháng, tên thật là Đinh Trọng Đoàn, sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông đã có gần 20 đầu sách, chủ yếu là thể loại truyện ngắn và tiểu thuyết. Giải B Hội Nhà văn Việt Nam 1986 (cho tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn); Tặng thưởng của Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam 1995 (cho tập truyện ngắn Trăng soi sân nhỏ). Giải thưởng Văn học Đông Nam Á 1998; và bây giờ là Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội 2009 (tiểu thuyết Một mình một ngựa). |
* Tiếp tục mạch đề tài về miền núi Tây Bắc có phải là thế mạnh trong sự nghiệp sáng tác của ông?
- Không! Cuốn sách này tôi viết về lớp cán bộ lãnh đạo, những người tôi đã cộng tác, ở một tỉnh miền núi. Sau cuốn này, tôi không còn gì để viết về miền núi Tây Bắc nữa!
* Ông có thể nói qua về Một mình một ngựa để độc giả nắm được tinh thần chung của tiểu thuyết này được không?
- Tiểu thuyết có dáng dấp một tự truyện của tác giả. Một mình một ngựa, hình tượng đầy cảm hứng kiêu hùng đó đồng thời đã hàm chứa ở trong nó mặc cảm cô đơn của mỗi đời người trong cuộc sống vốn là sản phẩm của tạo hóa mang sự hòa trộn hữu cơ giữa vẻ đẹp anh hùng cao cả lãng mạn phi thường với thói đời nhỏ nhặt, tầm thường, thậm chí đê tiện xấu xa... Chủ đề ấy của tiểu thuyết được thực hiện bằng một nghệ thuật trần thuật có dụng ý phác thảo một loạt chân dung một lớp người - một thế hệ cán bộ ở một thời điểm nhất định của đất nước - những tính cách giàu tính chân thực sinh động, như một đính chính những ngộ nhận về họ ở cả hai phía cực đoan.
* Hội đồng giám khảo đánh giá về tiểu thuyết Một mình một ngựa: “không phải là sự đột phá, cũng không mới mẻ so với chính nhà văn Ma Văn Kháng”. Vậy theo ý kiến chủ quan của ông thì yếu tố nào quyết định cho tiểu thuyết này đoạt giải?
- Tôi nghĩ, có sự thông cảm và khích lệ những nỗ lực trong công việc viết lách của tôi; và như Thông cáo của Hội Đồng Chung khảo đã biểu dương, Một mình một ngựa là một cuốn sách thể hiện được sự vững vàng về kỹ thuật và nghệ thuật tiểu thuyết; trong đó theo tôi, với một tác phẩm văn chương thì quan trọng không chỉ là viết cái gì, mà còn là viết thế nào. Một mình một ngựa, tôi rất thích cái tên sách này, cũng như tính hình tựơng gợi cảm của nó.
* Với đủ bộ sưu tập giải thưởng về văn học mà ông đã đoạt được cho đến nay đã làm ông thỏa mãn để tính chuyện gác bút hay chưa? Nếu chưa, thì dự định sắp tới của ông là gì?
- Tôi viết là để giãi bày, không có mục đích lấy giải, nên không có chuyện thỏa mãn rồi hay chưa. Không còn dự định nào nữa. Một mình một ngựa là cuốn tiểu thuyết cuối cùng của tôi.
Để trống giải thơ Ngoài giải văn xuôi, giải lý luận - phê bình được trao cho Bút pháp của ham muốn, tập tiểu luận phê bình của Đỗ Lai Thúy (NXB Tri thức). Giải dịch văn học được trao cho Nhẫn thạch, tiểu thuyết của Atiq Rahimi (Pháp), bản dịch của Nguyên Ngọc, từ nguyên bản tiếng Pháp (NXB Hội Nhà văn, Nhã Nam). Riêng về thể loại thơ, hai tác phẩm vào vòng chung khảo là Trà nguội của Đặng Thị Thanh Hương; Phố đồng thảo của Chu Hồng Tiến, nhưng không nhận được đủ số phiếu quá bán, tức là chưa thuyết phục được hội đồng chung khảo. Hội Nhà văn Hà Nội quyết định để trống giải thưởng ở thể loại thơ và mong chờ sự khởi sắc trong đợt xét giải thưởng năm tới. |
Không đột phá, nhưng chứng tỏ sức bền của Ma Văn Kháng “Tiểu thuyết Một mình một ngựa... gợi nhớ bộ tiểu thuyết trường thiên ở giai đoạn đầu sự nghiệp của nhà văn, đã ghi dấu ấn trong dòng văn học về miền núi phía Bắc: Đồng bạc trắng hoa xòe, Vùng biên ải, Trăng non, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn... Ở Một mình một ngựa, bên cạnh những vấn đề tâm huyết được đặt ra như phẩm chất con người cách mạng, bản lĩnh và ý chí con người trước những thử thách hiểm nghèo; thì vấn đề tổ chức và quản lý trong thực tiễn vùng cao cũng được xới lên một cách quyết liệt và thấu hiểu. Những trang văn thấm đẫm cảnh sắc núi rừng Tây Bắc, những rung động của tình yêu, của tình bạn, tình đồng bào làm cho tác phẩm trở nên dễ đọc và dễ chia sẻ. Tác phẩm không phải là sự đột phá, cũng không mới mẻ so với chính nhà văn Ma Văn Kháng. Nhưng điều được ghi nhận ở đây là sự vững vàng về tay nghề tiểu thuyết, cả trong kỹ thuật và nghệ thuật, và những vấn đề được đặt ra một cách thẳng thắn, không né tránh. Tác phẩm cũng chứng tỏ sức bền của cây bút tiểu thuyết Ma Văn Kháng (Theo Hội Nhà văn Hà Nội). |
Một mình một ngựa có dáng dấp một tự truyện
Toàn là giáo viên văn giỏi ở trường cấp III tỉnh Hoàng Liên. Anh được Ban tổ chức Tỉnh điều động sang làm thư ký cho bí thư Tỉnh uỷ có tên là Quyết Định – một công việc trái với sở thích và nghề nghiệp anh. Tuy vậy, anh đã nghiêm chỉnh chấp hành. Và thế là chuyển đổi hoàn cảnh, từ đây anh bắt đầu sinh hoạt trong một môi trường mới, ở một cơ quan lãnh đạo cao nhất của địa phương. Tại đây, có hai lớp nhân vật. Một là Ban thường vụ Tỉnh uỷ đứng đầu là bí thư Tỉnh uỷ Quyết Định. Hai là Các cán bộ trợ lý, những người giúp việc cho Ban Thường vụ – cỗ máy điều hành. Đang là những năm chiến tranh chống Mỹ (1965- 1975). Công việc bề bộn. Các uỷ viên Ban Thường vụ phải gồng mình trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của địa phương, từ xây dựng kinh tế, văn hoá tới chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Tiêu biểu ở đây là Bí thư Tỉnh uỷ Quyết Định. Ông có một quá khứ oanh liệt: Giác ngộ cách mạng sớm, mới hai mươi tuổi, ông đã có lần, thay mặt Trung ương, một mình một ngựa, đi vào sào huyệt các thổ ty chúa đất để thuyết phục họ đi theo Chính phủ. Ông đã tạo được hình tượng thẩm mỹ của mình. Ông là người có đức, có tài. Là trung tâm đoàn kết của ban lãnh đạo, ông có bản lĩnh chính trị vững vàng, ông tâm huyết, tận tuỵ với chức trách, ông sống gương mẫu và trung hậu. Nhưng ông cũng còn hạn chế về tầm nhìn và thiếu tư chất quyết đoán của người chỉ huy cao nhất. Cuộc sống gia đình ông, với người vợ xinh đẹp, tươi trẻ, cũng gây cho ông nhiều buồn phiền. Cảm giác cô đơn, một mình một ngựa vừa hào hùng vừa cô độc chế ngự ông. Toàn đã đem hết hiểu biết, năng lực để thực hiện nhiệm vụ thư ký cho Bí thư. Anh cũng là người đề xuất những ý tưởng mới với Bí thư. Vừa thể hiện cái nhìn thông cảm, thương mến với mọi người, anh đồng thời vừa cảm thấy mình khó có thể hoà hợp được với cuộc sống có phần tủn mủn, ít ý nghĩa ở đây. Trong anh, tình yêu nghề thầy và những ràng buộc với kỷ niệm xưa cũ còn quá đậm đà, khiến anh luôn day dứt, không yên lòng. Cuộc sống những năm chiến tranh ở một tỉnh nhỏ với những hoạt động phong phú lôi cuốn mọi người vào lòng nó. Toàn sống trong trạng thái phân tâm. Anh vừa chia sẻ với mọi người, anh vừa ly cách với họ. Anh không dè bỉu những yểu nhược của họ, nhưng cũng không hoà đồng được với họ. Tình cờ trong một lần đi công tác, Bí thư Tỉnh uỷ Quyết Định, bị ốm nặng. Toàn, do cùng vợ bí thư đi lấy thuốc nam chữa chạy cho ông, đã bị làm rầy rà. Giọt nước đã tràn ly. Cuộc chia tay với chức trách của Toàn từ chỗ mới chỉ là dự cảm thế là đã thành hiện thực. Tiểu thuyết có dáng dấp một tự truyện của tác giả. |