Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ: 'Đâu chỉ mình tôi yêu nước'
(Thethaovanhoa.vn) - “Thơ không nên cổ động và chạy theo thời sự” - nhà thơ 80 tuổi gốc Quảng Ngãi nói trong tọa đàm sáng 11/7 tại Hà Nội. Tập thơ mới của ông nói về vấn đề biển đảo đang nóng nhưng được làm suốt 26 năm qua.
Tọa đàm về thơ biển đảo qua tập thơ Về tổ của Nguyễn Thế Kỷ diễn ra sáng 11/7 tại trụ sở Bộ VH,TT&DL (Hà Nội). Tập thơ bao gồm những sáng tác từ năm 1988 đến năm 2013.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ sinh năm 1935 tại xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Ông là hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam.
Những vần thơ “không viết không được”
Nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ bắt đầu làm thơ về biển đảo kể từ sự kiện năm 1988, khi 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma.
Theo lời ông, đó là những vần thơ “không viết không được”, bởi là tiếng lòng mình thể hiện ra bằng câu chữ, khi một phần lãnh thổ của đất nước bị Trung Quốc ngang nhiên xâm lấn.
Từ đó đến nay, biển đảo quê hương luôn là đề tài quen thuộc trong thơ ông. Trong tập thơ Về tổ mới nhất của ông, có 159 bài thơ về các huyện đảo Lý Sơn, Trường Sa và Hoàng Sa của Tổ quốc. Nguyễn Thế Kỷ viết bằng sự am hiểu cặn kẽ về các hòn đảo và quần đảo này, trong đó Lý Sơn thuộc Quảng Ngãi quê hương ông, còn Trường Sa là nơi ông đã ra thăm 2 lần.
Trong cuộc tọa đàm, có người gọi thơ Nguyễn Thế Kỷ là tập kỷ yếu về biển đảo Tổ quốc. Bởi tác giả làm thơ về từng di tích, thắng cảnh, từng hòn đảo, sự việc nhỏ trên từng hòn đảo, quần đảo.
Tập thơ của ông đưa người đọc đến rất gần với Lý Sơn, Trường Sa, Hoàng Sa bằng những mô tả cực kỳ chi tiết. Những truyền thuyết trên đảo Lý Sơn gắn với đội hùng binh Hoàng Sa ngày trước, hàng trăm mộ gió tưởng nhớ những người lính đi mãi không về, từng hòn đảo chìm đảo nổi ở Trường Sa ngày nay đời sống ra sao, cả chuyện đỡ đẻ ngoài đảo dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ từ đất liền qua truyền hình cáp...
Nhà thơ Thanh Thảo nhận xét, chính những mô tả “tự hào, đau xót nhưng không hề bạc nhược” như trong thơ Nguyễn Thế Kỷ đã lôi cuốn hàng nghìn du khách trẻ đến Lý Sơn những năm gần đây, mà ông gọi đó là “du lịch yêu nước”.
Nơi hội ngộ những người yêu nước
“Thơ tôi chỉ làm đến thế này thôi. Có những câu tôi viết như khẩu hiệu, tự thấy rằng không đủ thơ, nhưng đó là điều gần với trái tim mình nhất thì tôi viết” - tác giả Nguyễn Thế Kỷ nói với Thể thao & Văn hóa. “Thơ không thể chỉ có vai trò cổ động, chạy theo thời sự, nhưng những bài thơ này tôi viết từ rất lâu rồi mà vẫn thể hiện đúng tấm lòng mình với đất nước bây giờ”.
Nguyễn Thế Kỷ ra Trường Sa từ rất sớm, một lần vào những năm sau giải phóng và một lần vào cuối thập niên 1980, sau trận Gạc Ma. Khi đó, Trường Sa còn rất vắng, ấn tượng đọng lại trong ông là: “Đất nước mình đẹp, mênh mông và vĩ đại lắm. Khi đứng ở Trường Sa, tôi nghĩ không chỉ một mình tôi yêu nước. Đó là nơi tất cả những người yêu nước hội ngộ”.
Hiện nay, nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ đang chuẩn bị ra mắt một tập thơ nữa về biển đảo với tên gọi Sóng trào biển động. Đây là những bài thơ rất mới ông viết trong năm 2014, nhiều bài viết về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Ngoài làm thơ, Nguyễn Thế Kỷ là nhà viết kịch với các vở diễn về đề tài cách mạng như: Thánh Gióng, Đốm lửa núi hồng, Núi rừng năm ấy, Những đứa trẻ không cô đơn... và 2 tập sách văn xuôi viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 2013, tập thơ Con đường, con người của Nguyễn Thế Kỷ đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tặng bằng khen vì đã góp phần tuyên truyền văn hóa giao thông.
Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa