Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý: 'Đừng nghi ngờ thế hệ trẻ về lòng yêu nước'
(Thethaovanhoa.vn) - Đó là chia sẻ của đại tá - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội với Thể thao&Văn hóa. Ông cũng nhắc lại câu nói đanh thép của quân và dân đảo Trường Sa: “Còn người là còn đảo, còn dân là còn đảo” khi nhớ về chuyến công tác cách đây 14 năm tại huyện đảo Trường Sa.
Năm 2000, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cùng các đồng nghiệp ra thăm và công tác ở huyện đảo Trường Sa nửa tháng. Dù 14 năm đã trôi qua, song những hình ảnh về cuộc sống của người dân và chiến sĩ ở Trường Sa vẫn “không bao giờ vơi, không bao giờ tắt đi trong tâm trí của tôi”.
Vọng vang “Còn người là còn đảo, còn dân là còn đảo”
Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, những người lính và người dân đang sinh sống, công tác ở Trường Sa nói riêng, biển đảo cả nước nói chung hết sức can trường. Dù thiên nhiên khắc nghiệt, xa quê hương, gia đình nhưng các chiến sĩ ở Trường Sa vẫn luôn luôn xác định tốt nhiệm vụ là một người lính tiền tiêu bảo vệ lãnh thổ Tổ quốc.
Vẫn theo nhà thơ, trong quá trình xây dựng cuộc sống, quân và dân ở Trường Sa luôn giữ được những nét truyền thống của văn hóa Việt, thể hiện ở việc đảo đã có những ngôi trường, mái chùa…Vì thế tất cả cảm nhận được một cuộc sống gần với đất liền hơn. Nhưng nét đẹp văn hóa của người Việt được thể hiện rõ nhất ở Trường Sa, đó là tình thương yêu, tình quân dân. Lúc bình thường cũng như khi khó khăn, mọi người vẫn đùm bọc lẫn nhau.
“Với những gì đã được chứng kiến từ việc làm và hình ảnh của quân và dân trong chuyến công tác ở Trường Sa, tôi tin chắc rằng những đảo nổi, đảo chìm ở Trường Sa sẽ được giữ vững trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nói như các chiến sĩ ở Trường Sa: “Còn người là còn đảo, còn dân là còn đảo” – nhà thơ Nguyễn Hữu Quý chia sẻ - “Nếu như ai đó đã ra Trường Sa một lần sẽ nhớ Trường Sa suốt đời. Nhớ từ cái buồn, cái vui... Trường Sa rất đỗi ấn tượng. Văn nghệ sĩ cần thể hiện tình yêu nước, Tổ quốc thông qua các tác phẩm của mình như truyện ngắn, thơ, bút ký…Tôi đã có tập thơ “Làng đảo” (NXB Quân đội nhân dân - 2002), trường ca Hạ thủy những giấc mơ (NXB Lao động – 2013) hoặc những ghi chép, bút ký về cuộc sống của quân và dân nơi đầu sóng ngọn gió”.
“Thế hệ trẻ sẽ không nói suông”
Nhân chuyện những ngày đã qua, truyền thống yêu nước của người dân Việt Nam được thể hiện và kế thừa, phát huy mạnh mẽ trước vận nước. Tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Hữu Quý suy nghĩ gì khi có ý kiến cho rằng giới trẻ hôm nay chỉ yêu nước ở “bề nổi”; tức là chỉ có lên mạng hô hào “chém gió”, là các “anh hùng bàn phím” chứ khi Tổ quốc, đất nước cần thì “lời nói gió bay”?
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý quả quyết “Đừng nên nghi ngờ, bi quan về thế hệ trẻ về lòng yêu nước, họ sẽ không nói suông, không chỉ hô hào, họ không là anh hùng bàn phím”. Vị đại tá – nhà thơ cho rằng, có thể một bộ phận nhỏ nào đó giới trẻ chỉ yêu nước bằng lời nói, tuy nhiên, phần lớn thế hệ trẻ Việt Nam yêu nước thật sự. Theo quan sát của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, trước đây, chưa có những vụ việc khiến lòng yêu nước dậy sóng như vừa qua, các bạn trẻ ít quan tâm đến vấn đề liên quan đến vận nước. Các bạn trẻ khi ấy chỉ chuyên tâm vào học hành, đi du lịch, vui chơi…
Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận định, giới trẻ nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung có một lòng yêu nước nồng nàn, không chỉ bằng lời nói mà bằng hành động. Họ tổ chức tọa đàm, viết thư, làm thơ, thực hiện các clip bài “Tiến quân ca” để động viên những người lính nơi đảo xa. Hoặc nhiều người đã nhắn tin điện thoại để ủng hộ các chương trình xây dựng biển đảo. “Tôi tin rằng, khi Tổ quốc cần, thanh niên Việt Nam sẵn sàng tiếp bước truyền thống yêu nước để có mặt ở những nơi nguy hiểm nhất. Việt Nam có được diện mạo mới như hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của thế hệ trẻ” – nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khẳng định.
Hoa Quỳnh
Thể thao & Văn hóa