Nhà thơ Huỳnh Mai Liên: 'Tôi say đắm những gì mộc mạc'
Là "lính" khá mới trong làng thơ thiếu nhi, xuất hiện chỉ vài năm gần đây, nhưng cái tên Huỳnh Mai Liên lại trở nên quen thuộc khi xuất hiện khá nhiều trong sách giáo khoa. Với giọng thơ trong trẻo, giản dị, nên dù viết đề tài gì, thơ của chị cũng dễ thấm vào lòng con trẻ.
"Khi viết thơ, tôi không hẳn là một người phụ nữ bận rộn và đầy lo lắng khi làm mẹ, cũng không phải một biên tập viên đang làm việc ở cơ quan báo chí với nhiều sức ép mỗi ngày. Có một "cái tôi" khác, hòa quyện giữa con người của hiện tại và đứa trẻ của quá khứ, rụt rè và mơ mộng, cất lên tiếng nói từ bên trong" - nhà thơ Huỳnh Mai Liên bắt đầu câu chuyện.
Một phần đứa trẻ của ngày xưa
* Điều gì đã khiến nhà báo Huỳnh Mai Liên trở thành nhà thơ viết cho thiếu nhi nhỉ?
- Một câu hỏi mà tôi rất khó trả lời. Hồi mới bắt đầu viết, tôi nghĩ chắc do mình nhìn bằng đôi mắt của các con. Thế nhưng sau này tôi nhận ra "bạn nhỏ" trong thơ lại là chính mình. Trong mỗi người lớn chúng ta đều có một phần nào đó đứa trẻ của ngày xưa, song có lẽ đứa trẻ trong tôi hiếu động hơn, nó muốn cất lên tiếng nói của mình, và dù muộn, tôi đã bắt đầu viết khi mình ngoài 40 tuổi.
* Với chị, làm thơ thiếu nhi dễ hay khó?
- Ôi, với tôi, viết thơ cho thiếu nhi khó vô cùng. Tôi luôn cẩn trọng trong từng câu từ giản dị, nhưng tránh đơn điệu, luôn ước mong tìm tòi điều mới mẻ, luôn sợ bị lặp lại, luôn khát khao câu thơ chạm vào độc giả. Chưa kể, thời gian dành cho thơ là một bài toán vô cùng hóc búa cho một bà mẹ ở nhà và một biên tập viên truyền hình ở cơ quan...
Có rất nhiều khó khăn đặt ra với công việc sáng tác của tôi, nhưng điều mà tôi muốn hướng tới nhất, đó là giản dị, nhưng không giản đơn. Tôi say đắm những gì mộc mạc, gần gũi và đi tìm vẻ đẹp lấp lánh trong đó luôn là thách thức lớn nhất đối với tôi.
* Vậy chủ đề nào chị yêu thích khi viết cho thiếu nhi?
- Có lẽ là tình mẹ-con, bởi vì nó gần gũi, nhưng lại rất khó để nắm bắt trọn vẹn.
Bài Đố mẹ (2016) - bài thơ viết những ngày đầu tập sáng tác - tôi viết thế này:
Đố mẹ biết/ Bé yêu mẹ/ Bằng chừng nào?// - Như trời cao?/ - Nhiều hơn ạ!/ - Như biển cả?/ - Vẫn chưa bằng!/ - Như mặt trăng?/ - Còn gần quá!// Bé kề má/ - Mẹ thua chưa?/ Chẳng gì vừa/ Cho bé ví// Nên bé nghĩ/ Yêu chừng này/ Bằng vòng tay/ Mẹ ôm bé.
Và trong tập thơ Nhà mình vui nhất (NXB Kim Đồng, 2023), tôi vẫn đi tìm câu hỏi này trong bài thơ Yêu mẹ:
Mắt ơi/ Mở to/ Giúp tớ/ Ngắm mẹ// Mũi ơi/ Hít nhẹ/ Tóc mẹ/ Thơm tho// Miệng ơi/ Líu lo/ Lời con/ Yêu mẹ// Tay ơi/ Nhỏ bé/ Ôm mẹ/ Ngọt ngào.
* Có con gái tuổi thiếu nhi có là lợi thế với người viết cho thiếu nhi không?
- Đúng là con gái luôn là cuốn từ điển tuổi thơ, giúp tôi có những giải đáp "vì sao", "tại sao" khi trở về thế giới tuổi thơ.
Như bài Nhắm mắt lại là lời giải thích của cô con gái, mỗi khi nhắm mắt là con tưởng tượng ra một thế giới hoàn toàn khác. Một số bài thơ giai đoạn đầu, tôi viết từ những câu hỏi của con như Đất nước là gì?, Tay mẹ, Xin một cái thơm… Tuy nhiên, sau đó tôi đã mở rộng đề tài bằng cách quan sát, tìm tòi những câu chuyện ở bên cạnh mình để có thể viết được nhiều hơn từ cuộc sống.
"Tôi luôn cẩn trọng trong từng câu từ giản dị, nhưng tránh đơn điệu, luôn ước mong tìm tòi điều mới mẻ, luôn sợ bị lặp lại, luôn khát khao câu thơ chạm vào độc giả" - Huỳnh Mai Liên.
Vào sách giáo khoa là món quà bất ngờ…
* Một nhà thơ luôn nhận mình may mắn, mà quả thật trong mắt nhiều người chị khá may mắn khi gia nhập làng thơ thiếu nhi chưa lâu nhưng có tới 6 tác phẩm được chọn giảng dạy trong sách tiểu học. Chị kể về một vài điều đáng nhớ khi tham gia làm thơ cho sách giáo khoa nhé?
- Từ bài thơ in bìa 4 tập Ngày xưa của con, tôi được các bạn trong nhóm biên soạn sách giáo khoa bộ Kết nối tri thức với cuộc sống tìm đến. Rồi bài thơ Đất nước là gì? tôi viết từ câu hỏi của cô con gái trên đường tới trường đã trở thành gạch nối đầu tiên cho những bài thơ khác trong sách giáo khoa.
Tôi tham gia với suy nghĩ mình là một tác giả mới, nên không đặt nhiều kỳ vọng, chỉ coi đó là một trong số những đề cử của bộ sách. Bản thân tôi cũng cố gắng giới thiệu tới nhóm biên soạn sách giáo khoa những tác giả thiếu nhi khác mà mình biết, hoặc tìm đọc. Tôi luôn mong muốn có nhiều tác giả, nhiều bài thơ có giá trị được đưa vào bộ sách giáo khoa mới để các em nhỏ tiếp cận với nhiều tác giả đương thời.
Mỗi bài thơ trong sách giáo khoa đều là những kỷ niệm đáng nhớ với tôi. Bài thơ Khi cả nhà bé tí (trong Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) khiến tôi rất ngạc nhiên, vì tôi viết với giọng điệu hơi hài hước, khi các thành viên trong nhà như ông bà, bố mẹ đều thu nhỏ về tuổi thơ, nhưng vẫn giữ những đặc điểm của hiện tại.
Các bài thơ Điều kỳ diệu (Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống), Bài ca loài kiến (Tiếng Việt 5, tập 1, bộ Cánh diều) được viết từ "đơn đặt hàng".
Thường với mỗi chủ đề đưa ra, tôi sẽ viết 2 - 3 bài để nhóm biên soạn chọn. Tôi luôn nghĩ đây là cơ hội để mình có thêm một bài thơ mới, hơn là đặt tiêu chí viết thơ cho sách giáo khoa. Điều đó khiến tôi luôn có sự thoải mái, nhẹ nhàng khi sáng tác.
Một bài thơ khác, Nhắm mắt lại (Tiếng Việt 4, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) được nhóm biên soạn chú ý từ khi tôi đăng trên Facebook cá nhân, sau đó có đăng trên báo, kể về thế giới tưởng tượng của các bạn nhỏ.
Tôi luôn nghĩ mình may mắn, bởi những bài thơ nhỏ phù hợp với tiêu chí hoặc chủ đề mà nhóm biên soạn sách đang cần tìm. Xung quanh tôi, có rất nhiều cây bút tài năng khác, cùng nhiều tác phẩm xuất sắc.
* Có nhiều tác phẩm vào sách giáo khoa, chị "ăn mừng" thế nào?
- Tôi luôn vội vàng cất giữ những niềm vui ở một ngăn nhỏ để mình có thể viết tiếp một cách thoải mái, không chịu sức ép nào. Nhưng những món quà luôn tìm đến một cách đầy bất ngờ. Tôi nhớ một buổi chiều muộn trên đường đi về nhà, tôi bắt gặp một nụ cười trong veo trong con ngõ nhỏ: "Con chào cô Mai Liên!". Nụ cười ấy, khuôn mặt ấy khiến tôi như trút được cơn mệt rũ từ cơ quan, là niềm vui nhẹ nhõm nâng đỡ tôi những lúc gặp áp lực để sống và viết.
* Viết về những đề tài lớn như quê hương, đất nước sao cho hay và "thấm" với trẻ nhỏ không dễ, nhưng có vẻ điều này không hề làm khó chị. Đây có phải là đề tài chị ưng ý không?
- Bài thơ Đất nước là gì? tôi viết cho câu hỏi của một cô bé ngồi sau lưng mẹ. Nhịp điệu và các con chữ dẫn lối, chỉ đường. Khi bài thơ hoàn thành, bạn biên tập sách góp ý tôi nên viết thêm, nhưng hơi khó để "can thiệp" vào một mạch thơ mình từng bay bổng với nó, nên tôi chỉ có thể bổ sung một khổ trong đó.
Bài thơ Yêu tiếng Việt tôi viết tháng 3/2022, khi tôi cảm nhận sâu sắc hơn về kho báu tiếng Việt dành cho những bài thơ, câu chuyện.
* Cảm hứng này có lẽ vẫn rất gắn bó với chị khi chị đang thực hiện tập thơ "Bay qua Hồ Gươm"? Chị chia sẻ về tình yêu Hà Nội của mình nhé?
- Hà Nội không phải là nơi tôi sinh ra, nhưng là nơi cưu mang, chở che, nên từ bao giờ đã trở thành quê hương thứ 2 của tôi. Và đặc biệt hơn nữa, với các con tôi, Hà Nội là "ngôi nhà", là những gì thân thiết như hơi thở. Tôi muốn thử sức với đề tài mới này như một món quà cảm ơn Hà Nội.
Với tập thơ Bay qua Hồ Gươm, các bạn nhỏ sẽ cùng có một cảm nhận thân thương, gần gũi về thủ đô của Việt Nam, có gì đó thật linh thiêng, huyền bí, song cũng có nhiều góc nhỏ, phố nhỏ giống như nhiều nơi khác của Việt Nam.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về Huỳnh Mai Liên
Sinh năm 1974 tại Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Quê ở Tịnh Long, Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Hiện làm việc tại Đài Truyền hình Việt Nam.
Tác phẩm đã xuất bản: Biển là trẻ con (2016), Ngày xưa của con (2018), Mẹ yêu ai nhất? (2019), Biển là trẻ con (phiên bản đặc biệt, 2020), Nhà mình vui nhất (2023)...