Huỳnh Mai Liên viết tiếp câu chuyện từ 500 năm trước
Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 năm 2009, với kịch bản phim hoạt hình 3D Thỏ và rùa sau 500 năm, ký bút danh Huyền Vũ - My Linh, Huỳnh Mai Liên đã được giải Biên kịch xuất sắc nhất, còn phim được giải Bông sen Vàng.
Xem chuyên đề "Gặp lại các tác giả được đưa vào SGK" TẠI ĐÂY
Nhà thơ Huỳnh Mai Liên nhớ lại những chặng đường viết lách của mình: “Tôi đến với văn chương khá muộn, cho dù yêu văn học từ nhỏ. Năm lớp 4 đi thi giỏi văn cấp huyện (Mê Linh, Hà Nội). Lớp 5, 8, 12 thi cấp thành phố. Hồi là sinh viên văn khoa và sau khi ra trường cũng thỉnh thoảng viết thơ, nhưng chỉ viết chơi cho mình mà không công bố. Sau khi làm mẹ của 2 đứa con tôi mới bắt đầu viết đều đặn hơn. Mà cũng không viết theo nhu cầu tự thân, chỉ viết theo lời mời của một đồng nghiệp VTV7, mời viết thơ cho chương trình tuổi mầm non Lớp học Cầu vồng vào năm 2016. Họ ra chủ đề, mình cứ viết thôi, mỗi số, chương trình cần một bài thơ. Tôi viết và được chọn 8 bài cho 8 chủ đề. Tiếp nối mạch thơ ca ứng dụng ấy, tôi viết thêm từ cảm xúc của mình và có tập thơ đầu tiên Biển là trẻ con (NXB Hội Nhà văn, 2016)”.
Tới 2018, Huỳnh Mai Liên có thêm tập thơ Ngày xưa của con, cũng do NXB Hội Nhà văn in. Từ 2 tập thơ này, các nhà biên soạn sách giáo khoa chọn các bài Khi cả nhà bé tí, Đất nước là gì? đưa vào sách Tiếng Việt 3, tập 1 và 2, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Đất nước thu mình chơi với trẻ lớp ba
Bài Đất nước là gì? được dạy trong chủ điểm Đất nước ngàn năm. Đây bài thơ có tứ lớn, được thể hiện qua ngôn ngữ một học sinh lớp 3: “Cho con hỏi nhé/ Đất nước là gì/ Vẽ bằng bút chì/ Có vừa trang giấy?// Làm sao để thấy/ Núi cao thế nào/ Biển rộng là bao/ Cách nào đo nhỉ? // Hay là con nghĩ/ Đất nước trong nhà/ Là mẹ là cha/ Là cờ Tổ quốc?// Vần thơ con thuộc/ Bài văn con làm/ Tiếng Việt dịu dàng/ Có là đất nước?// Là đường con bước/ Là sông con bơi/ Là cánh chim trời/ Là vầng mây trắng?// Mặt trời khoe nắng/ Cho ngày đẹp hơn/ Mọi điều giản đơn/ Cộng thành đất nước”.
Thơ có cấu tứ thông minh, đăng đối các câu, các khổ hỏi đáp giúp người đọc ngắm nhìn đất nước một cách cặn kẽ, thấu đáo. Đất nước có cả kích tấc không gian sông núi hùng vĩ và kích tấc thời gian tính bằng đơn vị “một ngày”. Đất nước thu mình chơi với trẻ lớp ba trò vẽ tranh, mở ra phóng khoáng với hình ảnh con đường, cánh chim, áng mây… Đất nước là con dân như cha mẹ (đang giấu mình lắng nghe một công dân tương lai) như ông bà trong mái nhà kia, đất nước là chính thể với là cờ có chữ Tổ quốc viết hoa. Đất nước được diễn dịch bằng hình ảnh sinh động rồi quy nạp thành triết lý có sức thuyết phục: “Mọi điều giản đơn/ Cộng thành đất nước”. Trên mạng xã hội khi giới thiệu Tiếng Việt 3, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, nhóm biên soạn sách này đọc nguyên văn bài thơ, như là giới thiệu một trang hay của sách!
Huy chương vàng cho những đổi mới sáng tạo
Giải biên kịch xuất sắc nhất mà Huỳnh Mai Liên nhận được ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 16 là giải thưởng cho người manh dạn đổi mới và hội nhập trong văn học thiếu nhi.
Truyện phim kể lại cuộc thi chạy giữa thỏ và rùa mà Aesop đã kể từ ngày xửa ngày xưa. Huỳnh Mai Liên kể theo cách của một người làm văn học thiếu nhi ở thế kỷ 21, với rất nhiều thay đổi cho phù hợp với khán giả nhí thời @. Cánh rừng xưa thay bằng một trường đua lòng chảo dành cho các tay đua mô-tô phân khối lớn. Có cả ngàn khán giả trong đấu trường mà nổi bất là các nhân vật Vịt Cồ, Mái Mơ, Voi Cận...
500 năm trôi qua, thỏ Tai Dài và rùa Mắt Trố quyết định trở lại cuộc đua tài! Nhưng lần này 2 tay đua cưỡi… xe mô-tô. Diễn biến thật nhiều kịch tính. Thỏ Tai Dài phóng nhanh vượt ẩu té ngã trong một khúc cua, nhưng vẫn kiên nhẫn dắt cái xe hỏng, cà nhắc tiến về vạch đính và nó vẫn tới đích trước… Quay đầu nhìn lại, nó thấy rùa Mắt Trố ngã trên đường đua vì xe cán đinh. Thỏ Tai Dài bỏ hoa chiến thắng chạy ngược lại, đưa tay đỡ rùa Mắt Trố đứng dậy, cả hai cùng bước tới đài vinh quang.
Ngụ ngôn Aesop châm biếm sâu cay, còn truyện phim Huỳnh Mai Liên hài hước trong giọng điệu, hình ảnh để tiến tới một kết thúc nhân hậu.
Với cảm hứng đổi mới để hội nhập, trong thơ viết cho thiếu nhi của Huỳnh Mai Liên, thể đồng dao có từ thời văn học dân gian đã biến thể thú vị. Có khi nhịp thơ vẫn giữ cái nhí nhảnh bất cân đối như bước chạy tinh nghịch của một đưa trẻ, nhưng ý thơ đúc lại, súc tích như một bài tứ tuyệt. “Ai là mẹ/ Mặt trời// Ai là bố/Mặt trăng// Để hai bạn/tung tăng// Chơi một mình/ Lâu thế?”. Có khi tứ thơ rất hiện đại, vút cao nhưng lung linh sao ước, xanh thẳm rừng mơ, nhưng kết cấu lại vòng tròn, đầu cuối tương ứng như xưa, khiến bài thơ như cái đĩa hát quay mãi không hết: “Chỉ cần nhắm mắt lại/ Tớ sẽ tưởng tượng ra/ Một thế giới bao la/ Lung linh như điều ước/ Con sông dài tha thướt/ Nâng nhẹ áng mây qua/ Cánh đồng xanh hiền hòa/ Ngân lời ru êm ái// Rạng ngời những bé gái/ Hóa công chúa kiêu sa/ Tụi con trai la cà/ Gọi nhau là hoàng tử// Trong rừng bầy sư tử/ Ngủ khò trên lá khô/ Trên sóng biếc nhấp nhô/ Cá mập vui nhảy nhót// Ốc sên có thể hót/ Lợn xề cũng biết bay/ Rùa tung tăng cả ngày/ Cá lên bờ đi bộ// Tớ vẽ thêm cho phố/ Những cánh rừng biếc xanh/ Thêm hồ nước trong lành/ Cho sao khuya soi bóng// Thế giới này thật rộng/ May mắn trộn ngọt ngào/ Bạn muốn tới mời vào/ Chỉ cần nhắm mắt lại”…
Trong ngôi nhà nhiều niềm vui
Trong các bản thảo đang chờ thành sách của Huỳnh Mai Liên, có tập thơ Nhà mình vui nhất: “Bố múa bài võ/ Mẹ gõ phím đàn/ Bà đang ngồi đan/ Ông xem tờ báo// Bé làm cô giáo/ Dạy bạn thú bông/ Tay ôm vào lòng/ Nhà mình vui nhất!”
Có nhiều chuyện vui trong ngôi nhà này. Vui khi còn bé tí Huỳnh Mai Liên đã được theo mẹ vào “thâm cung” của ngành điện ảnh. Chị kể lại: “Ngày đó mẹ tôi là người thuyết minh phim ở rạp chiếu bóng thị xã. Tôi thường được theo mẹ vào phòng thuyết minh phía cuối rạp. Bao nhiêu năm qua rồi, khi tôi về quê mọi người vẫn nhắc giọng thuyết minh truyền cảm mẹ tôi, còn tôi vẫn nhớ giọng mẹ trong khuôn mặt các nhân vật của bộ phim Thầy lang, lúc xem ké từ phòng thuyết minh”.
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Vì mến thương cuộc sống nên được cuộc sống mến thương
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Võ Diệu Thanh - Hiền hòa và dữ dội
- Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa: Nguyễn Liên Châu vừa làm sách vừa 'chơi thơ'
Tới khi Huỳnh Mai Liên là mẹ thì chuyện vui của nhà ấy vui hơn. Mẹ Mai Liên và con Mai Khuê (11 tuổi) thành đồng tác giả tập thơ Biển là trẻ con, mẹ làm thơ, con vẽ minh họa. Huỳnh Mai Liên bộc bạch: “Ở nhà, tôi là mẹ nhưng cũng là học trò của con gái trong môn vẽ. Phần lớn những bức tranh được thực hiện trong thời gian nghỉ học do dịch Covid-19. Con gái và mẹ có lẽ dễ hiểu nhau nên nhiều bài thơ của tôi được Mai Khuê sáng tạo bằng màu sắc rất hồn nhiên và ý vị”.
Ở nhà ấy, con vẽ đẹp thơ mẹ, cũng ở nhà ấy em trai là đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn, dựng phim Thỏ và rùa sau 500 năm, có chất lượng Bông sen Vàng, như đã nói ở trên.
Huỳnh Mai Liên đang thuận tay bút vì chị có đề tài ngay trong nhà mình. Dưới đây là thơ kể chuyện những người thợ trong nhà nhiều nghệ sĩ ấy, trích từ bản thảo Thư gửi ngày xưa, cũng đang chờ thành sách mới: “Con nhớ ngày xưa/ Mẹ gò lưng kéo xe cải tiến/ Chở xỉ than xin từ bếp ăn bệnh viện…/ Con nhớ những ngày oi ả nắng trưa/ Ba còng lưng đóng gạch…// Từng viên gạch thấm mồ hôi ba và nước mắt của mẹ/ Ngôi nhà một tầng che chở tuổi thơ con”.
Huỳnh Mai Liên sinh năm 1974 ở Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Là tác giả các tập thơ Biển là trẻ con, Ngày xưa của con…; tập truyện tranh Mẹ yêu ai nhất; các kịch bản phim hoạt hình Thỏ và rùa sau 500 năm, Khu đầm có cánh, Khúc nhạc diệu kỳ... Hiện sống ở Hà Nội, là biên tập viên của Đài Truyền hình Việt Nam. |
Trần Quốc Toàn