Nhà thờ Đức Bà Paris - một biểu tượng không thể thay thế của Pháp
Được xây dựng trong gần 2 thế kỷ (từ năm 1163 đến 1345), Nhà thờ Đức Bà Paris (tên tiếng Pháp là Notre-Dame de Paris) được xem là công trình đẹp nhất của kiến trúc Gothic nhà thờ Pháp. Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây.
Biểu tượng lịch sử của nước Pháp
Nhà thờ Đức Bà Paris tọa lạc tại đảo Cité trên sông Seine ở thủ đô Paris. Vị trí địa lý đặc biệt này đã khiến Nhà thờ trở thành biểu tượng mang tính lịch sử, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Paris.
Ngược dòng lịch sử, thế kỷ XII, Paris là một thành phố quan trọng của Kito giáo. Đây cũng là giai đoạn thành phố có những phát triển mạnh mẽ về cả dân số và kinh tế.
Dưới thời Louis VII, sau khi trúng cử Giám mục Paris, Maurice de Sully đã cùng với các tu sĩ quyết định xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ. Nhà thờ thờ Đức Mẹ và theo phong cách kiến trúc mới, sau này gọi là kiến trúc Gothic. Cùng với việc xây dựng nhà thờ là cả một dự án quy hoạch đô thị.
Năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt với sự có mặt của Giáo hoàng Alexander III và Vua Louis VI. Quá trình xây dựng Nhà thờ Đức bà Paris kéo dài trong gần 2 thế kỷ với sự tham gia của nhiều kiến trúc sư danh tiếng lúc bấy giờ như Jean de Chelles, Pierre de Montreuil, Pierre de Chelles, Jean Ravy và Jean le Bouteiller.
Việc thi công đầu tiên gồm bốn giai đoạn chính. Từ năm 1163-1182: xây dựng điện và hai hành lang chính điện; từ 1182-1190: xây dựng hai gian cuối và các gian bên; từ 1190-1225: xây dựng mặt ngoài, hai gian đầu của nhà thờ; từ 1225-1250: xây dựng hành lang thượng, hai tháp cùng thay đổi, mở rộng các cửa sổ; năm 1345: chính thức xây dựng xong.
Nhà thờ Đức Bà có chiều dài 128m, chiều rộng 48m, cao tới 96m, có thể chứa được 6.500 người. Đây không phải là Nhà thờ lớn nhất nước Pháp nhưng có tầm ảnh hưởng và sức thu hút nhất.
Sau hơn 8 thế kỷ tồn tại, Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình tất cả những giá trị lịch sử, tôn giáo, kiến trúc, văn hoá… để trở thành một trong những biểu tượng lớn nhất của nền văn minh thiên chúa giáo phương Tây.
Nhà thờ này đã trở thành nguồn cảm ứng của rất nhiều tác phẩm văn học, trong đó có tiểu thuyết nổi tiếng "Thằng gù Nhà thờ Đức Bà Paris" (The Hunchback of Notre-Dame) của đại văn hào Victor Hugo, với nhân vật chính là thằng gù Quasimodo.
Công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Gothic
Hiếm có một công trình nào trên thế giới đậm chất Gothic hơn Nhà thờ Đức bà Paris. Là công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của phong cách kiến trúc Gothic, Nhà thờ Đức Bà Paris có các mái vòm cong hình xương cá đối xứng hai bên. Bên ngoài có các tháp nhọn, bên trong là mái trần cao vút với các tấm kính và ô cửa sổ vạn hoa.
Mặt phía Tây của nhà thờ quen thuộc nhất với du khách với lối kiến trúc tinh tế, hài hoà. Toà nhà có hai tháp, một tháp nhìn về hướng Bắc, một tháp nhìn về hướng Nam, chiều cao của tháp là 69m. Hai đỉnh tháp chuông nhìn như đang vươn tới trời xanh, thể hiện sự mạnh mẽ, trường tồn.
Ngay giữa trung tâm của tầng ngang là cửa sổ hoa hồng với tượng Đức mẹ ôm một đứa trẻ, bên cạnh là hai thiên thần. Cửa sổ hoa hồng tại nhà thờ Đức Bà Paris được đánh giá là những cửa sổ bằng tranh kính nổi tiếng nhất, hoàn hảo nhất. Ánh sáng chiếu qua cửa kính, khi vào nhà thờ sẽ được biến đổi thành các màu sắc khác nhau. Điều này làm cho không gian bên trong nhà thờ sáng một cách huyền ảo.
Bên dưới cửa sổ là 28 bức tượng các vị vua đại diện cho 28 triều đại các vua Juda trước Chúa.
Ba cửa lớn chạm trổ cầu kì, đẹp mắt với tỷ lệ không cân xứng. Cửa giữa cao nhất và rộng hơn hai cửa còn lại. Cửa giữa nổi bật lên bức tranh điêu khắc tái hiện khung cảnh buổi phán xét cuối cùng của Chúa.
Vừa mang dáng dấp đặc trưng của kiến trúc Gothic, Nhà thờ Đức bà Paris vừa là toà nhà xây dựng theo lối hiện đại nhất lúc bây giờ. Thời điểm xây dựng công trình này, các kiến trúc sư đã sử dụng các trụ đỡ quanh chỗ ngồi của dàn đồng ca và gian giữa của thánh đường, với mục đích ban đầu là để khắc phục các vết nứt do bức tường bị nghiêng trong quá trình mở rộng quy mô của tòa thánh đường. Về sau, những trụ đỡ được trạm chỗ tinh vi trở thành điểm nhấn bên trong tòa thánh đường.
Và nhắc tới Nhà thờ Đức bà Paris, không thể không nói tới hệ thống chuông nhà thờ. Nơi đây có 10 quả chuông. Quả lớn nhất là Emmanuel, nặng hơn 23 tấn và được lắp đặt tại tòa tháp phía nam năm 1685. Năm 2013 khi Nhà thờ Đức Bà Paris kỷ niệm 850 năm tồn tại, họ đã đúc lại những quả chuông khác nhỏ hơn ở tòa tháp phía bắc. Mỗi quả chuông đều được đặt tên theo tên của một vị thánh.
Nhà thờ Đức Bà Paris còn nổi tiếng bởi cây đàn organ ống lớn nhất ở Pháp, có tới 8.000 ống, 5 bàn phím và 109 phím. Nó được chế tạo lần đầu tiên vào năm 1403, được thay thế vào đầu những năm 1700 với một số bộ phận ban đầu nhỏ hơn. Trong những năm 1990, đàn ống được vi tính hoá bằng 3 mạng. Nó được khôi phục từ năm 2012 đến 2014 với một số sửa đổi và thay thế.
Trong lịch sử, Nhà thờ Đức Bà Paris từng bị huỷ hoại vào cuối thế kỷ XVIII, thời gian diễn ra cuộc Cách mạng Pháp (1789). Công cuộc trùng tu sau đó dưới sự chỉ đạo của kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc phải đến cuối thế kỷ XIX mới kết thúc. Tiếp đó, trong thế kỷ XXI này, Nhà thờ Đức Bà Paris bất ngờ bị một đám cháy lớn bùng phát vào ngày 15/4/2019 khiến 2/3 đỉnh mái của Nhà thờ hoàn toàn bị tàn phá. Đây là một thiệt hại lớn đối với biểu tượng văn hóa của Pháp.
Cho đến nay, công cuộc tái thiết Nhà thờ sau vụ hỏa hoạn vẫn đang được thực hiện và dự kiến sẽ mất khoảng 20 năm để hoàn thành. Để xây dựng lại ngọn tháp bị hỏa hoạn phá hủy, các kiến trúc sư và thợ xây dựng đã sử dụng 500 tấn gỗ sồi để hoàn thành cấu trúc phần tháp và 250 tấn chì cho phần bên ngoài và trang trí tháp. Sau khi hoàn thành, ngọn tháp sẽ cao tới 100m. Quá trình xây dựng lại ngọn tháp bị cháy của Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ hoàn thành vào cuối năm nay và nhà thờ sẽ mở cửa trở lại vào trước cuối năm 2024.