Tái thiết Nhà thờ Đức Bà Paris: Đổ bê tông hay đốn 2.000 cây sồi?
(Thethaovanhoa.vn) - Hai năm sau vụ hỏa hoạn kinh hoàng tại Nhà thờ Đức Bà Paris, kế hoạch tái thiết đang gây xôn xao dư luận, vì những cây sồi hàng thế kỷ đang bị đốn hạ.
Dù vậy, bất chấp các phản đối, gần đây một buổi “lễ chặt cây” để tái xây dựng nhà thờ đã diễn ra rất long trọng.
Sự kiện này có cả sự hiện diện của Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Julien Denormandie và Bộ trưởng Văn hóa Roselyne Bachelot. Họ đã đi vào rừng Berce, cách thủ đô Paris 200 km về phía Tây Nam. Trước sự chứng kiến của nhiều nhóm phóng viên truyền hình, họ đóng thẻ vào những cây sồi sắp bị đốn hạ.
Xây dựng lại theo đúng thiết kế gốc
Cần nhắc lại, cấu trúc mái của Nhà thờ cũ được đặt biệt danh là “La forêt” (khu rừng). Nhà thờ được xây dựng vào thế kỷ 13 với khoảng 1.300 dầm gỗ sồi. Đối với cấu trúc mái nhà mới, 2.000 cây sồi sẽ bị đốn hạ để tái tạo lại khung và chóp mái của nhà thờ.
Bộ trưởng Nông nghiệp Denormandie tuyên bố: “Tôi nghĩ rằng Nhà thờ Đức Bà, như một biểu tượng của quá khứ, cho thấy những khu rừng của chúng ta đang chuẩn bị để viết nên lịch sử”.
Trong khi đó, Bộ trưởng Văn hóa Bachelot nói: “Chúng ta cần loại gỗ này vì chúng ta đã quyết định tái thiết lại nhà thờ giống như trước khi xảy ra hỏa hoạn - nghĩa là theo đúng ý tưởng của kiến trúc sư Eugene Viollet-Le Duc từ năm 1843”.
Trước đó, sau vụ cháy, các ý tưởng thiết kế thay thế kiến trúc cũ đã được xem xét, bao gồm cả việc xây một mái vòm bằng kính không cửa ngăn. Nhưng quốc hội Pháp quyết định rằng việc trùng tu phải giữ nguyên bản gốc. Hồi tháng 7/2020, Tổng thống Pháp Macron thông báo Nhà thờ Đức Bà sẽ được xây dựng lại theo thiết kế lịch sử bằng gỗ sồi và mái lợp tấm chì. Các cấu trúc khác của nhà thờ được khôi phục bằng bê tông.
Tuy nhiên, lời hứa sẽ tái tạo hoàn toàn di tích trong vòng 5 năm dường như ngày càng viển vông.
“Hủy diệt hệ sinh thái”
Cách đây 2 năm, vụ hỏa hoạn khiến tháp nhà thờ Đức Bà bị sập và phá hủy mái nhà thờ đã gây chấn động nước Pháp và thế giới. Trong nhiều ngày liên tục, các nhóm truyền hình từ khắp nơi trên thế giới đã truyền hình trực tiếp đám cháy tại di sản thế giới được UNESCO công nhận.
Sau đó, Tổng thống Emmanuel Macron đã nhanh chóng hứa sẽ xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà trong vòng 5 năm. Ban đầu, ông cân nhắc việc thiết kế lại ngọn tháp theo cách hiện đại nhưng cuối cùng đã nhượng bộ các chuyên gia yêu cầu tái tạo lại nó theo thiết kế ban đầu của Viollet-Le Duc.
Ngay sau vụ cháy, các nhà tài trợ từ khắp nơi trên thế giới đã cam kết tài trợ gần 1 tỷ euro để tái thiết. Cho đến nay đã có 340.000 người ở 150 quốc gia ủng hộ được 833 triệu euro (991 triệu USD).
Được biết, một nửa số cây sồi cần thiết cho việc tái thiết tòa nhà sẽ đến từ các khu rừng công cộng, nửa còn lại từ các khu rừng tư nhân, tất cả đều nằm ở Pháp. Gỗ sẽ được bảo quản từ 12 đến 18 tháng để giảm độ ẩm.
Theo Guillaume Larriere, phát ngôn viên ONF - cơ quan quản lý rừng của Pháp - những cây cổ thụ có niên đại hàng thế kỷ sẽ bị chặt hạ trong mọi trường hợp. Ông còn cho biết: “Chúng tôi thường xuyên đốn hạ những cây cổ thụ khổng lồ để cung cấp gỗ cho thị trường và cũng để tạo không gian cho những cây non, vốn cần nhiều ánh sáng”.
Nhằm xua đi những lo lắng về việc đốn gỗ trong rừng của số đông công chúng, ông Larriere cho biết, Pháp có một số quy định về rừng nghiêm ngặt nhất trên thế giới. “Chúng tôi có đầy đủ số liệu minh bạch về điều này”.
Tuy nhiên, việc đốn các cây sồi hàng trăm năm tuổi này đã bị chỉ trích là “hủy diệt hệ sinh thái” và 40.000 người đã ký tên vào bản kiến nghị phản đối việc đốn hạ những cây sồi cổ thụ. Ngược lại, các chủ rừng chỉ ra rằng 2.000 cây sồi chỉ chiếm 0,1% tổng sản lượng khai thác hàng năm.
Ông Jacky Bonnemains, phụ trách nhóm bảo vệ môi trường Robin des Bois, bày tỏ sự bất bình với báo giới: “Chúng ta đang phá hủy các khu rừng. Thực tế, những cây sồi này rất quan trọng cho việc tái tạo rừng, vì chúng là môi trường sống của nhiều loài côn trùng và chim”.
- Một năm cháy Nhà thờ Đức bà Paris: Liệu có kịp khôi phục trong 5 năm tới?
- Lần đầu tiên trong 200 năm Nhà thờ Đức Bà Paris không cử hành Thánh lễ Giáng sinh
- Nhà thờ Đức Bà Paris: Chưa nhất trí được phục chế theo lối kiến trúc cổ hay pha trộn hiện đại
Đi tìm “lựa chọn lý tưởng”
Ông Bonnemains cho rằng quyết định xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà theo thiết kế của Viollet-Le Duc là “lạc hậu” và nói thêm: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng người ta lại lựa chọn gỗ và mái lợp tấm chì cho kế hoạch tái xây dựng nhà thờ bởi 2 chất này rất dễ cháy và gây ô nhiễm đáng kể”.
Thực tế, Ineris - Viện nghiên cứu ô nhiễm và môi trường công nghiệp của Pháp – cũng nói rằng khu vực Nhà thờ Đức Bà và một số khu vực xung quanh bị ô nhiễm chì cao sau vụ cháy.
Hồi năm 2019, nhóm bảo vệ môi trường Robin des Bois đã kiện nhà chức trách về việc không thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm hạn chế sự phơi nhiễm của người dân với chất chì phát ra trong vụ cháy Nhà thờ Đức Bà. Có điều, cách đây vài tháng, vụ kiện đã bị bác bỏ.
Bonnemains khẳng định các vật liệu xây dựng khác sẽ hiện đại và an toàn hơn: “Chẳng hạn, Nhà thờ Saint-Pierre-et-Saint-Paul ở Nantes có khung mái làm bằng bê tông và trận hỏa hoạn ở đó năm ngoái chỉ gây ra thiệt hại rất hạn chế”.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Nhà thờ Đức bà Paris tuyên bố với báo giới rằng, bê tông không phải là lựa chọn lần này. “Cấu trúc mái của Nhà thờ cần có trọng lượng phù hợp để công trình được ổn định. Do đó sự kết hợp giữa gỗ và chì là lý tưởng” - ông nói – “Và kết cấu bằng gỗ và chì không phải là vấn đề. Cháy xảy ra do lỗi của con người. Chúng tôi cần thêm nhân viên an ninh tại một số địa điểm quan trọng và có các cửa chống cháy được thiết kế trong tương lai”.
Hiện tại, các công việc để đảm bảo cho kế hoạch tái xây dựng Nhà thờ sẽ tiếp tục cho đến tháng 7, với các cuộc đấu thầu công khai sẽ được đưa ra vào mùa Hè. Dự án tái xây dựng thực tế sẽ bắt đầu vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau và đặt mục tiêu hoàn thành vào 2024.
Dù vậy, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về các cột mốc thời gian này. Ông Yann de Carne, người đứng đầu một hiệp hội các công ty trùng tu di tích ở Pháp, cho biết: “Sẽ có rất nhiều hạng mục phải trùng tu, ví dụ như ở các trụ cổng bên ngoài, sau năm 2024 này”.
Hiện nhóm Robin des Bois đang khởi động lại vụ kiện ô nhiễm chì, vì các lập luận xuất hiện sau vụ kiện năm 2019 của họ cho thấy các vấn đề sức khỏe vẫn tái diễn.
Việt Lâm (tổng hợp)