Nhà thiết kế Minh Hạnh: Thời trang phải bắt kịp tinh thần của thời đại
(Thethaovanhoa.vn) - Tuần lễ thời trang Quốc tế tại TP.HCM (1 đến 6/12) kết thúc thì tiếp vào là Tuần lễ thời trang Việt Nam Fashion week 2015 tại Hà Nội (7 đến 10/12). Trong năm 2014 còn có nhiều chương trình thời trang khác như: Đẹp Fashion Runway, Aquafina Pure Fashion… làm cho lĩnh vực này thêm phần sôi động…
Bên cạnh những nhà thiết kế (NTK) quen thuộc như còn xuất hiện những nhà thiết kế trẻ (17 tuổi) như Tiến Đạt, Quốc Khải, Hải Siêu khi họ vừa bước ra từ cuộc thi Mực tím Style 2014. Có thể thấy đội ngũ các NTK Việt Nam đang ngày một nhiều hơn, cơ hội làm nghề của họ cũng được mở rộng hơn với các chương trình thời trang diễn ra liên tục trong thời gian qua. Tuy nhiên, sáng tạo thế nào để không bị gọi là “nhái’, “đạo” hay “sến súa” sẽ là một thử thách “khắc nghiệt” dành cho các nhà thiết kế trên thị trường hiện nay.
NTK Minh Hạnh đã có cuộc trò chuyện với TT&VH:
* Chị nhận định thế nào về thời trang Việt trong năm 2014, khi các chương trình thời trang được tổ chức khá “tưng bừng?
- Với tôi, đó là một tín hiệu đáng mừng vì điều đó sẽ giúp mọi người nhận ra phong cách thời trang Việt Nam nhanh hơn. Có nhiều bộ sưu tập đã tạo được sự phong phú trên tất cả các phương diện cho ngành thời trang và cũng là cơ hội chọn lựa đa dạng dành cho người tiêu dùng. Đặc biệt, việc xuất hiện các chương trình thời trang vào cuối năm cho thấy mọi người đang rất quan tâm đến lĩnh vực này. Còn đây cũng là cơ hội để ngành thời trang chứng minh “tiếng nói riêng” của mình trên thị trường tiêu dùng.
Riêng Việt Nam Fashion week 2015 năm nay sẽ không chỉ tạo ra một thị trường dành cho những nhà thiết kế mà còn là cơ hội hình thành và khẳng định ngôn ngữ bản sắc Việt mang tính thời đại khi các bộ sưu tập của các NTK Việt Nam có dịp đứng chung “sân khấu” với các NTK quốc tế là Michele Gaudiomonte (Italia) và Eric Choong (Malaysia).
Mẫu thiết kế của NTK Phương Bùi trong Việt Nam Fashion Week 2015
* Khẳng định bản sắc Việt trong các thiết kế như chị nói chắc chắn là điều không thể thiếu trong những bộ trang phục được các người đẹp mặc đi “đánh chuông xứ người”. Tuy nhiên, sẽ lấy làm tiếc khi những bộ trang phục “thuần Việt” đó lại bị chê là “sến súa” như trang phục mà hoa hậu Nguyễn Thị Loan mặc đi Miss World vừa qua...
- Tôi có thể nói thời trang chính là sự biểu hiện của văn minh xã hội. Nếu dùng từ “sến súa” có nghĩa là lạc hậu. Mà như thế không gọi là thời trang vì thời trang luôn đòi hỏi nhà thiết kế phải bắt kịp tinh thần của thời đại. Không có yếu tố này, không thỏa mãn được điều mà mọi người mong chờ.
Một kiểu dáng hôm nay thịnh hành, ngày mai đã lỗi thời chính là sự khắc nghiệt dành cho các nhà thiết kế. Điều đó buộc những nhà thiết kế phải cảm nhận bằng sự học hỏi rèn luyện cũng như bằng sự cảm nhận của tâm hồn.
* Vậy “bắt kịp thời đại” đến mức tạo thành “nghi án đạo, nhái” các mẫu thiết kế quốc tế ở các NTK đã có tên tuổi của Việt Nam như hiện nay thì chị nghĩ sao?
- Đó là một sự thật, điều có thật. Tuy nhiên, tôi cũng nói rằng rất đáng tiếc đây là điều nằm trong đạo đức nghề nghiệp của mỗi người. Thực sự, nếu một nhà thiết kế làm việc đó thì không còn là người làm nghề chuyên nghiệp nữa. Điều đó cũng giống như một cái “bong bóng”: người ta cần có công nghệ lăng xê để nổi tiếng nhưng không thực chất.
Thời trang không phải như vậy, thời trang là người làm nghề sáng tạo trên cơ sở dây chuyền khoa học. Vì vậy, phải rất bình tĩnh trước những đặc thù, đặc tính của thời trang là sự nổi tiếng và nhiều tiền - những thứ rất dễ huyễn hoặc những người trẻ tuổi hoặc làm mất bình tĩnh những người mới bước vào nghề. Cho nên để sáng tạo thực sự, thông thường dựa trên cảm nhận về cuộc sống, đó chính là tâm hồn. Nếu “đạo” hay copy thì đó chính là sự bất lực của NTK.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này.
Lam Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa