Nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu: Phải khơi gợi hứng thú học văn...
(TT&VH) - “Hiện tượng học sinh và cả phụ huynh không dành nhiều quan tâm tới các môn khoa học xã hội nói chung và môn văn nói riêng là thực trạng đáng buồn. Việc học sinh chán học môn văn có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính cách dạy, cách học thiếu chủ động sáng tạo hiện nay” - nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu chia sẻ.
Tập thơ Thức một miền xanh của nhà thơ Huệ Triệu vào chung khảo giải Hội Nhà văn TP.HCM năm 2011. Tuy không đoạt giải hay tặng thưởng, nhưng đồng nghiệp đánh giá đây là một nỗ lực sáng tạo của tác giả. Triệu Thị Huệ (tức Huệ Triệu) từng đoạt giải cao nhất học sinh giỏi văn toàn quốc năm 1982, rồi làm cô giáo dạy văn hơn 20 năm nay, nhà thơ Huệ Triệu có nhiều chuyện để chia sẻ với bạn đọc TT&VH về nghề dạy văn nhân dịp 20/11.
Dạy và học văn: “thực trạng đáng buồn”
* Theo chị, từ một học sinh giỏi văn toàn quốc đến một nhà giáo dạy văn, một người sáng tác văn chương, hành trình này với chị là dễ hay khó?
- Là một học sinh có niềm say mê văn chương từ nhỏ, rồi lại có cái may mắn trở thành cô giáo dạy văn... đối với tôi, đó là những thuận lợi cơ bản để được sống, được trải lòng cùng với văn chương. Làm thế nào để giữa những bề bộn của cuộc sống, vẫn giữ được nguyên vẹn niềm đam mê ấy? Tôi mừng là cho đến giờ phút này vẫn vững vàng trên bục giảng và vẫn tiếp tục sáng tác.
Nghề giáo gắn liền với những chuẩn mực, nhưng sáng tác văn chương, nhìn ở một góc độ nào đó, lại luôn có một nhu cầu tự thân là vượt thoát ra khỏi những quy tắc để đổi mới và sáng tạo. Nhiều người sẽ cho đó là khó khăn, tôi đồng ý với họ, nhưng muốn nói thêm, đó đồng thời cũng là điều thú vị, nếu dung hòa được, bởi sự chuẩn mực không hề triệt tiêu sự sáng tạo hay ngược lại.
Nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu và tác phẩm vào chung khảo giải Hội Nhà văn TP.HCM 2011 của bà.
* Những tác phẩm văn học giảng dạy trong nhà trường có ảnh hưởng gì đến sáng tác của chị không? Và làm cách nào để thoát ra khỏi sự ảnh hưởng của văn học trong nhà trường với một nhà thơ, nhà giáo như chị?
- Đối với người sáng tác, sự tiếp xúc với những tác phẩm văn học được giảng dạy trong nhà trường - vốn là những tác phẩm ưu tú, được tuyển chọn kỹ càng, sẽ là cơ hội tốt để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm sáng tác. Những tác phẩm ấy, lại chỉ gắn với một thời, mang dấu ấn tư tưởng, thi pháp của thời đại mà nó sinh ra. Trong khi đó, văn chương là dòng chảy không ngừng, mà một giáo viên dạy văn, đặc biệt đối với người sáng tác không thể không hòa mình vào. Những điều mới mẻ và cả phức tạp - đa chiều của đời sống văn học hôm nay chính là điều thú vị, khơi gợi những trăn trở sáng tạo và cả trách nhiệm của người cầm bút.
* Hiện nay, các môn khoa học xã hội nói chung và môn văn nói riêng, học sinh “rất ngại” học. Điều này có tác động đến tình yêu văn chương của chị hay tình yêu ấy vẫn vẹn nguyên như thuở nào?
- Hiện tượng học sinh và cả phụ huynh không dành nhiều quan tâm tới các môn khoa học xã hội nói chung và môn văn nói riêng là thực trạng đáng buồn. Việc học sinh chán học môn văn có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ chính cách dạy, cách học thiếu chủ động sáng tạo hiện nay. Thành thật mà nói, có đôi lúc chính tôi cũng cảm thấy nản lòng, có cảm giác mình như một người đang bơi giữa biển cả vậy. Nhưng chính tình yêu với văn chương và cao hơn là trách nhiệm của người thầy đã khiến tôi xác định đây là thử thách cần phải vượt qua.
Từng xin thêm đề văn để làm
* Theo chị, những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa có phải vì “quá cũ” so với đời sống hiện nay, nên học sinh thấy xa lạ khi học văn và đâm ra “ngán văn chương” hay không?
- So với trước kia, hệ thống tác phẩm được đưa vào giảng dạy ở nhà trường đã có thay đổi tích cực, tức là có bổ sung thêm một số tác phẩm văn học sau 1975. Tuy nhiên, vẫn còn một số tác phẩm “quá cũ” khiến học sinh cảm thấy ngại vì xa lạ. Điều này cũng có phần đúng, bởi lẽ muốn hiểu được tác phẩm, học sinh phải vượt qua được những “rào chắn” liên quan từ hệ thống thi pháp tới tâm lý tiếp nhận...
Thực tế cho thấy, cả người dạy và người học đều hứng thú với mảng văn học sau 1975, vì những vấn đề đặt ra ở những tác phẩm này gần gũi với cuộc sống, tâm lí con người đương đại. Việc đưa thêm vào các tác phẩm văn học mang hơi thở thời đại ở các cấp học thay thế một số tác phẩm mang tính minh họa sẽ được coi là một giải pháp khả thi góp phần để cải thiện tình hình.
* Thời chị đi học, môn văn được học sinh quan tâm như thế nào, có khác hiện nay không?
- Tôi hay kể với học sinh lớp chuyên văn về một kỷ niệm đẹp thời phổ thông. Lúc đó, tôi thường xin thêm đề văn để được làm bài, cô giáo Nguyễn Thị Đức dạy tôi lúc đó ở trường THPT Long Châu Sa, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, mặc dù bận rộn nhưng luôn dành thời gian sửa bài cho tôi và động viên khuyến khích. Bây giờ, hiếm có học sinh nào xin thêm đề văn để làm, vì các em có quá nhiều mối quan tâm khác. Thời phổ thông, tôi không đi học thêm, có cuốn sách nào là quý như vàng và đọc đi đọc lại... có lẽ cũng một phần vì sách tham khảo hồi đó rất ít và rất hay, không tràn lan như bây giờ.
* Người thầy đóng vai trò rất quan trọng để học sinh thích học hay lười biếng. Riêng môn văn, chị có những sáng kiến gì khi đứng lớp để học sinh yêu tiết học?
- Theo tôi, mỗi giờ dạy văn, là một lần người giáo viên phải nỗ lực, vì không đơn giản chỉ là sự truyền thụ kiến thức mà phải làm sao để thấy mắt học trò mình sáng lên niềm thích thú say mê. Điều quan trọng đầu tiên, theo tôi, là người thầy phải khơi gợi được hứng thú học văn ở học trò. Hãy tạo điều kiện nhiều nhất để học sinh cùng tham gia vào quá trình chiếm lĩnh tác phẩm; chú ý đúng mức tới các hoạt động ngoại khóa, kể cả khuyến khích học sinh sáng tác...
* Xin cảm ơn nhà giáo, nhà thơ Huệ Triệu!
Thanh Kiều (thực hiện)