Nhà báo Vũ Văn Tiến: Mạng xã hội là nơi kiểm chứng chữ 'tâm' trong nghề báo
(Thethaovanhoa.vn) - Hiện nay, không thể phủ nhận mạng xã hội bùng nổ và trở thành một kênh thông tin song hành cùng báo chí. Nhà báo Vũ Văn Tiến, tác giả một số cuốn sách về báo chí đã có những chia sẻ thẳng thắn với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về vấn đề này.
- Báo chí văn nghệ trước làn sóng mạng xã hội
- Mạng xã hội: Thách thức đạo đức của người làm báo
- Nhà báo Vũ Văn Tiến: Từ tư duy phản biện đến bản lĩnh dấn thân
* Một câu chuyện đang được nhắc tới nhiều: chữ tâm của người làm báo, không chỉ với các ấn bản báo chí truyền thống mà còn trên mạng xã hội…
- Chúng ta đều biết, tác phẩm của một nhà báo có tâm thì sẽ có ích cho người đọc, cho xã hội và ngược lại. Bởi thế, đây cũng là thời điểm nhà báo cần tỉnh táo và có trách nhiệm hơn trong những bài viết lẫn những chia sẻ quan điểm của mình trên mạng xã hội. Đặc biệt, cần giữ được sự tỉnh táo và cái đầu lạnh, tỉnh táo để phán đoán, nắm được bản chất sự việc mà không bị chi phối bởi các cảm xúc cá nhân.
*Anh có thể đưa ra một ví dụ cụ thể?
- Gần đây, một nhà báo của một tờ báo lớn đã bày tỏ quan điểm về vụ mất tích của máy bay SU-30 và CASA trên mạng xã hội. Theo đánh giá từ nhiều người, nhà báo này đã đăng một thăm dò trên diễn đàn về các nguyên nhân có thể xảy đến với 2 máy bay mất tích và dùng từ “tan xác” với thái độ vô cảm.
Tôi nghĩ mạng xã hội là nơi tự do để mỗi người, trong đó có các nhà báo, bày tỏ quan điểm. Nhưng trong tâm trạng đau thương và lo lắng chung của chúng ta, khi các chiến sĩ còn đang ở đâu đó ngoài biển khơi thì việc ưu tiên hàng đầu là tập trung cứu hộ cứu nạn, là mau chóng tìm thấy các anh để đưa về đất liền, về với gia đình.
Còn việc điều tra xem nguyên nhân vì sao xảy ra tai nạn đã có các cơ quan chức năng. Nhà báo không nên vội vàng đưa quan điểm khi chưa được kiểm chứng, chưa có một câu trả lời chính thức từ phía các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, tôi cũng muốn đặt câu hỏi về mục đích của việc nhà báo ấy đưa ra một số thăm dò về nguyên nhân xảy ra tai nạn. Bởi những thăm dò đó, dù muốn hay không, đã gieo vào đầu người đọc những hồ nghi không đáng có.
* Là nhà báo có thâm niên trong lĩnh vực điều tra, anh ứng xử thế nào với mạng xã hội, cũng như các thông tin từ nó, trong quá trình tác nghiệp?
- Khi mạng xã hội bùng nổ từ cách đây 5-6 năm, không thể phủ nhận những ảnh hưởng của nó tới báo chí và cách tác nghiệp của phóng viên, tôi cũng không là ngoại lệ. Nhờ mạng xã hội tôi nắm bắt được thông tin nhanh hơn, nhiều hơn, thông qua kinh nghiệm mà xử lý, phân tích lựa chọn những thông tin tốt để tham khảo hoặc chỉ đạo anh em phóng viên của tòa soạn xác minh, làm rõ, đặc biệt là những thông tin ảnh hưởng lớn đến xã hội.
Mạng xã hội cũng được sử dụng triệt để để đưa thông tin, bài viết tới nhiều bạn đọc hơn và thực tế nó đã minh chứng mang lại nhiều hiệu quả.
Có những câu chuyện nhỏ thôi, ví dụ như trên đường đi làm, tôi chụp tấm ảnh về tình trạng tận dụng trái phép gầm cầu vượt đường trên cao Phạm Hùng làm bãi giữ xe ôtô, đăng lên Facebook, gần như ngay lập tức lãnh đạo Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội đã liên hệ xác minh và nhanh chóng có biện pháp khắc phục.
Tất nhiên, do trải qua quá trình hoạt động hơn 10 năm, tôi đã xây dựng được mạng lưới cung cấp thông tin, nói một cách khác là thông tin nguồn khá phong phú và ổn định, do đó không bị quá lệ thuộc vào mạng xã hội.
* Xin cảm ơn anh!
Vũ Văn Tiến với “Điều tra và dấn thân trong nghề báo” |
Anh Bảo
Thể thao & Văn hóa