Nhà báo Vũ Văn Tiến: Từ tư duy phản biện đến bản lĩnh dấn thân
(Thethaovanhoa.vn) - Xuất phát từ một anh “cộng tác viên đài huyện” chuyên rong ruổi trên chiếc xe đạp cũ kĩ đi khắp các nẻo đường của huyện nhà, Vũ Văn Tiến từng bước trưởng thành trong nghề báo và khẳng định mình bằng gia tài 3 Giải Báo chí Quốc gia vinh danh cá nhân và 4 cuốn sách được xuất bản.
Ai đã có dịp gặp gỡ Vũ Văn Tiến chắc hẳn đều cảm thấy bất ngờ, bởi ít ai nghĩ, người đàn ông tầm hơn 30 tuổi với khuôn mặt hiền lành, dáng vẻ thư sinh trông giống như một thầy giáo hay nhân viên công sở này lại là một cây bút điều tra sắc sảo, xông xáo và đầy bản lĩnh. Con người Vũ Văn Tiến luôn ẩn chứa những điều lạ, đáng để khám phá.
Chẳng thế mà khi được hỏi những yếu tố nào đã làm nên thành công của Vũ Văn Tiến ngày hôm nay, anh hóm hỉnh chia sẻ chẳng có bí quyết hay công thức chung nào cả, nhưng bạn đọc sẽ tìm ra được câu trả lời cho riêng mình sau khi nghe những câu chuyện anh kể. Thành quả mà anh đạt được ngày hôm nay không chỉ đơn thuần được tạo nên từ niềm đam mê và sự nỗ lực...
Từ tư duy phản biện...
Vũ Văn Tiến sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo ở một miền quê còn nhiều khó khăn của tỉnh Hải Dương. Tuổi thơ anh khốn khó khi ở nhà thì gia đình đã thiếu thốn vất vả, lại luôn gặp những điều không may; ở trường thì anh bị bạn bè bắt nạt, khinh thường vì nhà nghèo. Đến cả một số người còn luôn “bĩu môi khinh bỉ” xì xào rằng những người con trong gia đình anh sẽ chẳng được học hành tử tế, chẳng ai vào nổi đại học. Ấy thế mà thực tế lại chứng minh điều ngược lại.
Nghèo thì nghèo nhưng cha mẹ Vũ Văn Tiến luôn quyết tâm dành dụm để cả bốn người con trong gia đình đều được đi học. Đặc biệt hơn, không ai phụ lòng họ khi tất cả đều thi đỗ và bước chân vào cánh cửa đại học.
Vũ Văn Tiến kể, cha mẹ anh suy nghĩ tân tiến đổi mới lắm, các cụ đều muốn cho con mình được tiếp cận nhiều với cái chữ, với thông tin. Bước ngoặt cuộc đời đến với anh khi cuộc sống gia đình đỡ khó khăn vất vả hơn trước, mọi thứ dần cải thiện và sung túc hơn khi những người con lớn của các cụ học xong và dần đi làm.
Đó là thời điểm cậu con trai út của gia đình - Vũ Văn Tiến đang học cấp 3. Cha mẹ anh mua báo để cả nhà cùng đọc, những tờ báo Nông thôn ngày nay là hành trang đầu tiên và cũng là niềm cảm hứng giúp anh bén duyên với nghề báo.
Anh hào hứng chia sẻ: “Hồi đó tôi đang học tại trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Hải Dương thì tình cờ đọc được diễn đàn “Ông ăn chả, bà ăn nem” trên báo Nông thôn ngày nay. Bấy giờ, ngoại tình là một vấn đề xã hội khá nhức nhối, gây ra nhiều bi kịch cho các gia đình nông dân nơi tôi sinh sống.
Các bài viết trong chuyên mục này đều mang một vẻ bình luận trào phúng rất đặc biệt. Cũng lạ là khi đó tôi mới chỉ là một cậu thanh niên choai choai, nhưng cũng đã quan tâm và rất bất bình với những chuyện ngoại tình của người lớn, khi đọc báo thì thấy trong lòng bức xúc lắm, muốn viết ngay quan điểm của mình. Tôi mạnh dạn viết ra những lí lẽ tại sao không nên ngoại tình với giọng điệu lời lẽ đanh thép đứng trên quan điểm của một người đàn ông đã có vợ.
Ngày đó phương tiện gửi thư không nhanh nhạy và thuận tiện như bây giờ, làm gì đã có thư điện tử, cũng làm gì có máy tính. Tôi ngồi cặm cụi viết tay bài của mình và lên bưu điện huyện gửi thư về toà soạn ngay hôm sau. Thật bất ngờ là bài viết của tôi được chọn đăng. Những đồng nhuận bút đầu tiên cho bài báo đầu tay được gửi về, sung sướng mừng rỡ không tả, tôi chạy lại khoe ngay bố mẹ. Được đà phát huy, kể từ đó tôi thường xuyên viết bài cho diễn đàn nói lên tiếng nói của dân và gửi về cho báo”.
Biên tập viên của tòa soạn báo ngày ấy chỉ biết rằng họ nhận được bài của một độc giả tên Vũ Văn Tiến và cứ ngỡ đó phải là một người đàn ông trưởng thành hay một ông lão mới về hưu ưa viết lách bàn chuyện thế sự. Ấy thế mà người đằng sau bài báo với những lý lẽ giọng điệu chín chắn cương nghị ấy lại là một cậu học sinh cấp 3. Gặp Vũ Văn Tiến lần đầu tiên ngoài đời tại tòa soạn, biên tập viên được phen ngỡ ngàng. Đó mới chỉ là điều lạ, điều bất ngờ đầu tiên về cái tên Vũ Văn Tiến.
Sau lần ấy, anh mạnh dạn thường xuyên gửi bài cộng tác cho báo Nông thôn ngày nay. Nhưng có lẽ, cái tên Vũ Văn Tiến thực sự được mọi người chú ý đến là khi anh chăm chỉ gửi bài cộng tác và trở thành cây viết cứng của chuyên mục chuyên mục “Phía sau cổng làng” - nơi tập hợp những bài viết phản ánh với đề tài nông thôn.
Thấy mình phù hợp với chuyên mục này hơn cả, anh thường xuyên quan tâm, quan sát những sự việc hiện tượng, con người ngay tại quê hương mình. Anh tâm sự, viết cho “Phía sau cổng làng” hóa ra lại thấy thân thuộc, gần gũi và dễ viết hơn rất nhiều so với diễn đàn Ông ăn chả bà ăn nem. Đều đặn hàng tuần anh đều có bài gửi về, đến mức độc giả của báo đã quá quen thuộc khi dưới mỗi bài viết lại thấy đề tên tác giả Vũ Văn Tiến.
Anh nói thêm: “Như đã nói ở trên, tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê còn nhiều khó khăn vì thế nên chuyện tôi hiểu sâu sắc và đồng cảm với người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn cũng là lẽ đương nhiên. Vả lại tôi là người rất lắng nghe những bộn bề cuộc sống của xã hội, trăn trở với những điều mà tôi thấy ở nông thôn. Đó là lý do tôi viết về đề tài nông thôn mà không thấy khó lắm, có lẽ vì nó đã là máu thịt của tôi rồi”.
Chứng kiến cuộc sống xung quanh xuất hiện đầy rẫy những bất bình ngay từ khi còn nhỏ, Vũ Văn Tiến luôn mang trong mình suy nghĩa già dặn hơn bạn bè đồng trang lứa. Đặc biệt, anh luôn để tâm quan sát và nhận ra được những thói hư tật xấu, những mặt trái trong xã hội nhỏ ngay tại làng quê mình.
Anh nói: “Viết về những cái tốt, cái hay, gương người tốt việc tốt... thì dễ lắm, người ta hay nói khen thì dễ, chê mới khó mà, không hiểu sao khi quan sát nhìn nhận vấn đề để phản ánh, tôi thường không nhìn vào những điều tốt, vì điều đó ai cũng dễ thấy rồi. Sao ta không lật ngược vấn đề, nhìn từ nhiều phía, nhiều góc độ, phản biện lại cả những điều mắt thấy tai nghe khi cần để nhìn được mọi sự việc một cách thấu đáo, khi đó những thông tin ta đưa đến độc giả mới thực sự sâu, nhiều chiều và đầy đủ, không mang tính chủ quan”.
Anh quan sát, chứng kiến, thu nhận thu thập thông tin một cách tỉ mỉ. Không chỉ có vậy, tư duy phản biện luôn khiến anh đa nghi trước mọi thông tin, không hoàn toàn tin vào những thông tin “đập vào mắt” thông thường mà len lỏi vào mọi “ngõ ngách” của thông tin rồi lật lại vấn đề, luôn đặt ra câu hỏi tại sao lại thế này, tại sao lại thế kia.
Những vấn đề mà tác giả Vũ Văn Tiến phản ánh trong các trang viết của mình có thể không mới, nhưng dưới ngòi bút trào lộng nhẹ nhàng đôi khi gay gắt, nghiêm khắc với những thói hư tật xấu còn tồn tại trong một bộ phận người nông dân và cán bộ một số cơ quan công quyền ở địa phương... bỗng trở nên sinh động, sâu sắc và có sức sống lạ thường.
Anh chia sẻ: “Những bài viết của tôi xuất phát từ những câu chuyện có thật, thậm chí tôi đã từng lấy việc nhà ra để viết. Lúc đó dù đã trở thành người viết thường xuyên cho chuyên mục, tôi vẫn ham viết và luôn cố gắng đi đến thật nhiều các miền quê khác nhau để có những bài viết thật sự sinh động cho “Phía sau cổng làng”.
Các bài viết của anh về đề tài nông thôn phần lớn là phê phán. Khi được hỏi vui, như vậy có phải là anh là người hay chê và chỉ chuyên nhìn vào mặt trái của xã hội hay không, anh thẳng thắn bộc bạch: “Tôi không thích những bài viết nhẹ nhàng vì những đề tài ấy có rất nhiều người viết. Khi viết về những vấn đề tiêu cực thì phải đầu tư và hy sinh nhiều thứ như vậy sẽ dễ thành công hơn. Tôi muốn thành công không phải vì danh tiếng hay tiền bạc (mặc dù thời gian đó tiền nhuận bút tôi kiếm được đủ để các bạn sinh viên khác phải trầm trồ) nhưng trên tất thảy, tôi muốn vượt lên chính bản thân mình, vượt qua cả những khó khăn của gia đình để chứng minh với những người trước đây luôn khinh thường gia đình tôi nghèo khó và dè bỉu anh em chúng tôi không thể thành tài”.
... đến bản lĩnh dấn thân
Học hết cấp ba, Vũ Văn Tiến xác định thi trường Báo (Phân Viện Báo chí và Tuyên truyền, nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền) vì trước đó đã sớm bén duyên với nghề viết lách. Khi ấy, vốn lận lưng lên Hà Nội nhập học của chàng thanh niên trẻ 18 tuổi là chiếc hòm sắt đựng những bài báo của mình đã được đăng.
Gắn bó với “Phía sau cổng làng” cho đến hết đại học năm thứ 3, đến năm thứ 4, từ một cây bút chuyên viết phản ánh trào lộng, với suy nghĩ chín chắn già dặn, mang sẵn tư duy phản biện xã hội và luôn cảm thấy bất bình với những tiêu cực trong xã hội, Vũ Văn Tiến dần chuyển sang hướng viết điều tra tiêu cực. Anh trở thành cây viết điều tra thường xuyên cho tờ Nhà báo và Công luận, Công lý hay Lao động.
Anh luôn tâm niệm, đã là người làm báo, người đem thông tin sự thật đến cho độc giả thì luôn cần phải có bản lĩnh dấn thân, đặc biệt với mảng điều tra. Trót mang niềm đam mê với nghiệp điều tra báo chí, Vũ Văn Tiến tự đặt ra cho mình những thử thách nghề cần phải vượt qua.
Kể về kỉ niệm dấn thân khi đi thực tế viết bài, Vũ Văn Tiến nhớ lại: “Khi tôi là sinh viên năm thứ 2 (năm 2004), lúc đó báo chí nói rất nhiều về nạn cơm tù dọc tuyến quốc lộ Bắc – Nam. Tôi cũng chưa vào Sài Gòn bao giờ cả nên đã tiết kiệm cả năm trời từ các khoản dạy thêm, nhuận bút viết bài... được 1,5 triệu đồng. Một mình tôi đã bắt xe khách đi thực tế dọc tuyến Bắc – Nam này.
Suốt chặng đường dài, tôi chứng kiến cuộc sống của người dân khúc ruột miền Trung ra sao rồi xót xa cho những mảnh đời bắt gặp trên đường và cũng không khỏi bất bình với những nạn vờn bắt của xe khách hay nạn cơm tù... Đó là đợt dấn thân rất dài, sống kham khổ, khi về tôi cũng ra được những loạt bài cho riêng mình. Đó là chuyến đi giúp tôi biết rằng ra trường bản thân hợp với thể loại nào.
Sau lần ấy, tôi chắc chắn hơn với lựa chọn làm phóng viên điều tra tiêu cực của mình, dù khổ cực hay vất vả, dù nguy hiểm khi luôn phải dấn thân, nhưng đã trót yêu và nhuốm vào máu đam mê rồi, tốt hơn hết là cố gắng phát huy cái đam mê ấy”.
Làm báo mảng điều tra (phóng sự điều tra) sẽ dễ thành công nếu gây được ảnh hưởng hay sự tác động và sức lan toả để giải quyết vụ việc nhưng cũng khiến người viết gặp nhiều rào cản. Làm điều tra chống tiêu cực với một nhà báo chuyên nghiệp đã khó, với một sinh viên còn ngồi trên ghế nhà trường như Vũ Văn Tiến còn khó khăn gấp bội.
Anh chia sẻ về bí quyết của riêng mình: “Trong quá trình triển khai những bài viết ấy, điều quan trọng nhất là phải có mối quan hệ tốt với nhiều người, ở nhiều địa phương. Để xây dựng nên những mối quan hệ này cần một quá trình, như bản thân tôi phải mất hai năm. Khi gặp đối tượng khó tiếp cận, đặc biệt là cơ quan nhà nước, điều đầu tiên là bao giờ cũng phải “cương”, giữ thế của mình.
Nhưng lúc cần, tôi sẵn sàng xuống nước, thậm chí năn nỉ để được việc. Tôi luôn tâm niệm rằng, khi đã theo đuổi vụ việc gì thì phải theo đến cùng, dẫu có phải mất thời gian đến nhiều năm. Ví dụ khi tôi viết loạt bài bảo vệ tấm bia quý “Chí Linh bát cổ” dựng ở “Trạng nguyên cổ đường” (nhà dạy học của Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi – thế kỉ XIV) bị bỏ mưa nắng, thời gian hủy hoại với 9 bài viết đủ mọi mặt về một chủ đề, cuối cùng lãnh đạo ngành Văn hóa cũng phải xắn tay vào cuộc.
Tôi cho rằng không dễ để một sinh viên báo chí có thể có ngay được những tố chất ấy khi mới bắt đầu làm quen với nghề báo, điều này đòi hỏi sự rèn luyện và hơn hết là khát vọng dấn thân ở mỗi người”.
Rời trường báo, chàng thanh niên Vũ Văn Tiến viết ngày càng sung sức ở mảng điều tra. Sau ba năm làm phóng viên điều tra tại báo Nhà báo và Công luận, anh về công tác tại báo điện tử Dân trí trên cương vị Trưởng ban bạn đọc và Thư ký toà soạn nhưng lúc này, dù làm quản lý nhiều hơn, anh vẫn nỗ lực cao độ khi chắp bút đều đặn trên trang báo anh công tác. Anh tâm sự, khi đi làm phóng viên điều tra, khó nhất là việc phanh phui các vụ tiêu cực.
“Thể loại nào cũng cần sự hy sinh, nhưng với thể loại điều tra, tôi phải sẵn sàng đối diện với sự trả thù của các đơn vị, cá nhân bị phanh phui. Những nhà báo thường bị trả thù là những nhà báo “lật tẩy” các vi phạm của các cá nhân, tập thể. Đặc biệt là với những bài viết của tôi trên Dân trí thì bạn đọc thấy tôi thường kí tên thật. Tôi dám chịu trách nhiệm trước bài viết của mình, trước Ban Biên tập và trước pháp luật.
Vài năm trước đây, trong một vụ việc, tôi bị áp lực vì một số cơ quan tổ chức bắn tin: “Ông hãy dừng lại vụ này, ông còn vợ con đấy, theo tôi ông đừng nên viết nữa”. Nhưng làm báo mà không được viết những gì mình theo đuổi, làm báo chỉ viết những bài nhạt nhẽo, làm báo chỉ đơn thuần lấy nhuận bút thì mất hết ý nghĩa. Quan điểm của tôi là: Nghề báo cũng như mọi nghề, vấp ngã chỗ nào thì đứng dậy chỗ ấy. Không được vấp ngã hai lần cùng một chỗ. Vậy nên dù gặp khó khăn nhưng tôi quyết không từ bỏ nghề.
Nhiều lúc tôi cũng sợ nhưng cũng chỉ thoáng qua vì tôi tâm niệm: “Mình làm đúng thì mình không sợ! Tôi nhận được nhiều cuộc điện thoại đe dọa như thế rồi. Tôi biết nhiều bài báo đăng lên sẽ bị gọi như thế vì số điện thoại tôi cũng khá phổ biến. Gặp trường hợp như thế, tôi vẫn nghe máy bình thường và sẵn sàng tiếp đón người đó đến toà soạn làm việc. Những lúc như thế bản lĩnh của tôi được phát huy”.
Vũ Văn Tiến tâm sự: “Tôi luôn muốn mọi người nghĩ tôi là người viết thẳng thắn, dấn thân. Bởi vì nếu chỉ thẳng thắn một đoạn, đoạn sau cong hoặc dừng lại thì không đến đích được. So với những anh em theo dõi mảng vụ việc, tiêu cực ở các báo hiện nay thì tôi là người ký tên trực tiếp khá nhiều. Tôi nghĩ một nhà báo tử tế trong lòng bạn đọc là một nhà báo dám làm dám chịu. Một bài viết dở, bạn đọc bực mình có thể chửi nhà báo, một bài báo tốt, bạn đọc có thể vỗ tay ngay. Ngày xưa sinh viên, mình chưa định hình được thì lấy nhiều bút danh: Bảo Tường, Chuông xứ Đông... Từ khi ra trường, bước chân vào nghề báo chống tiêu cực, tôi không dùng bút danh, đúng tên tuổi của mình, người thật tên thật. Tôi viết cái gì ra, đó là sản phẩm của tôi, là đứa con tinh thần nên tôi phải chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra”.
Gia tài đáng giá trong nghề báo
Công tác tại báo điện tử Dân trí 05 năm, Vũ Văn Tiến trở thành cây bút điều tra chống tiêu cực nổi bật, đặc biệt là trong mảng điều tra đơn thư bạn đọc. Hàng trăm, hàng nghìn bài báo được anh dồn nhiều công sức và tâm huyết.
Nhiều vụ việc nổi cộm được anh triển khai sâu bằng loạt bài đầy đủ điều tra, phản ánh chi tiết mọi ngóc ngách vấn đề, như vụ Cưỡng chế thi hành án 194 phố Huế, vụ “Nỗi gian truân của người dân đi làm sổ đỏ, vụ Nhà vườn cổ Hà Nội trước nguy cơ bị “xẻ thịt” bán, vụ Công viên Cầu Giấy bị băm nát, vụ Xẻ thịt gầm đường cao tốc trên cao, vụ Lừa đảo Muaban24, vụ Cô gái bị xăm quái vật lên mặt và ngực...
Đáng chú ý, loạt bài đi sâu về vụ Vỡ trận bến xe Mỹ Đình của Vũ Văn Tiến có đến 27 bài viết. Nhiều loạt bài của anh gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng vì có sức ảnh hưởng và lan toả mạnh mẽ đến xã hội khiến các cơ quan chức năng phải vào cuộc, điều tra làm rõ.
Với sức chiến đấu dồi dào và sự tâm huyết với nghề, Vũ Văn Tiến dần khẳng định mình khi vinh dự nhận đến 03 Giải Báo chí Quốc gia vinh danh cá nhân (Giải B năm 2011, Giải C năm 2013 và Giải C năm 2014; đáng chú ý, năm 2011 và 2013 không có giải A).
Vậy là cũng đến ngày anh được hưởng trái ngọt từ những cố gắng của bản thân. Anh chia sẻ: “Những giải thưởng là nguồn động viên rất cụ thể, nó hun đúc tôi yêu nghề, cống hiến và lăn xả nhiều hơn. Bản thân tôi đã say nghề thì càng say nghề hơn”.
Không chỉ giỏi thực hành nghề, anh còn sung sức trong khoản viết sách. Đến nay, khi tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, anh đã có trong tay gia tài 04 cuốn sách được xuất bản. Dường như con người Vũ Văn Tiến là một tấm gương trong việc nỗ lực vươn lên không ngừng nghỉ. Bốn cuốn sách của anh đều thể hiện sự tâm huyết với nghề mà anh đã chọn.
Cuốn sách đầu tiên Phía sau cổng làng được xuất bản từ khi anh còn là một cậu sinh viên năm thứ 3. Cuốn sách là tập hợp, tuyển chọn những bài viết tiêu biểu của tác giả Vũ Văn Tiến về đề tài nông thôn đăng trên chuyên mục cùng tên của báo Nông thôn ngày nay từ đầu năm 2003 đến giữa năm 2005. Tập sách chủ yếu đề cập đến nếp sống, lối sống của người nông dân Việt Nam đang trong giai đoạn trăn trở lột xác thông qua phong tục, tập quán và các mối quan hệ làng xã.
Nội dung các bài viết vừa có yếu tố truyền thống sâu đậm, lại vừa có sự bức xúc về cách tân xã hội. Nhưng điều quan trọng và đáng khen nhất có lẽ lại nằm trong tác phong làm việc của chàng sinh viên này. Khi ấy, trong ba năm học, anh viết gần 800 bài báo (đã in), có nghĩa là mỗi ngày anh phải viết một bài, ngày ngày nỗ lực sản xuất ra những “đứa con tinh thần”.
Cuốn sách thứ hai mang tên Viết báo thời sinh viên là tập hợp những bài báo anh viết khi còn ngồi trên ghế giảng đường, với nhiều thể loại phong phú và đặc sắc được đăng tải trên nhiều tờ báo. Qua việc chia sẻ với bạn đọc những kinh nghiệm làm báo của mình, con đường bước vào nghề báo và những trăn trở, suy nghĩ với nghề... anh muốn gửi gắm tác phẩm tới các bạn sinh viên chuyên ngành báo chí, các bạn trẻ muốn tiếp cận với nghề báo và đông đảo bạn đọc quan tâm yêu mến nghề cầm bút.
Bước vào nghề báo là tên cuốn sách thứ ba được anh cho ra đời năm 2008. Với cuốn sách này, Vũ Văn Tiến đã đi xa hơn một bước. Bên cạnh các bài viết được đăng trên nhiều tờ báo thuộc các thể loại: tác phẩm báo chí, bài phản ánh, điều tra... tác giả đã dành một phần lớn dung lượng để chia sẻ về những kỉ niệm của anh trên con đường tác nghiệp và những bài viết anh được phỏng vấn để đưa ra quan điểm về nghề báo và nhà báo thời hiện đại.
Đến cuốn sách thứ tư Điều tra và dấn thân trong nghề báo, Vũ Văn Tiến thực sự đã có một bước tiến vượt bậc. Từ năm 2014, anh đã chuyển công tác với cương vị mới – Phó Tổng biên tập Báo Xây dựng (phụ trách Báo điện tử Xây dựng).
Tập hợp các bài viết chọn lọc ở mảng đề tài phóng sự điều tra, câu chuyện pháp luật và loạt bài viết phản ánh những sai phạm trong lĩnh vực nhà đất... trong khoảng thời gian từ khi còn làm việc tại báo điện tử Dân trí cho đến khi chuyển về báo điện tử Xây Dựng, anh cho ra mắt cuốn sách mới đầy tâm huyết nhân dịp kỉ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (năm 2015).
Với cuốn sách này, tác giả đã khéo léo vận dụng những kiến thức, phương pháp, bản lĩnh nghề nghiệp để đem lại hiệu quả bài báo trong quá trình điều tra theo đơn thư bạn đọc. Đặc biệt, anh chia sẻ với bạn đọc những nguyên tắc mà anh đã đúc kết mang tính định hướng cho việc thực hiện các tác phẩm điều tra, như: Tránh “sập bẫy” văn bản đóng dấu Mật; không sử dụng tài liệu điều tra trực tiếp là các văn bản bị cắt xén; không trở thành “nạn nhân” của các bài báo giả; không được khẳng định vụ việc “đúng, sai” khi chưa có kết luận của cơ quan chức năng; sẵn sàng đón nhận “đòn đánh” tâm lý...
Sự cần mẫn, siêng năng, nhạy bén, trung thực, tự chịu trách nhiệm và sự nhạy cảm với những vấn đề thời sự, đặc biệt là tinh thần kiên trì, đeo bám đến cùng những sự kiện có ý nghĩa xã hội... là những gì miêu tả đúng con người Vũ Văn Tiến trong công việc.
Dù hiện tại thời gian dành cho công tác quản lý rất bận rộn nhưng anh vẫn cho ra đời các tác phẩm điều tra phản ánh cả ở tầm vĩ mô lẫn vi mô, đề cập mọi mặt khiếm khuyết của xã hội.
Vũ Văn Tiến còn thường xuyên đến với các cơ sở đào tạo báo chí để trao đổi kinh nghiệm của mình cho các đồng nghiệp trẻ, các sinh viên - thế hệ nhà báo nối tiếp với lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của một người cầm bút trung thực.
Đinh Hồng Anh (Tạp chí Người làm báo, số 89, tháng 10/2015)
(Tác phẩm đạt giải Nhì (không có giải Nhất), cuộc thi viết “Nhà báo – Phẩm chất, bản lĩnh và trách nhiệm” do Tạp chí Người làm báo tổ chức năm 2015).
Nhà báo Vũ Văn Tiến - Sinh năm 1982 - Nơi sinh: Nam Sách, Hải Dương - Tốt nghiệp: Cử nhân Báo chí, Cử nhân Kinh tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Hiện đang là Nghiên cứu sinh Báo chí học K19, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - Trình độ Lý luận chính trị: Cao cấp - Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam - Từ năm 2006 đến năm 2008: làm phóng viên điều tra tại báo Nhà báo & Công luận - Từ năm 2009 đến năm 2013: làm Trưởng Ban bạn đọc, Thư ký tòa soạn Báo điện tử Dân trí - Từ năm 2014 đến nay: làm Phó Tổng biên tập Báo Xây Dựng – Bộ Xây Dựng Giải thưởng: - Được trao giải B (không có giải A) Giải Báo chí Quốc gia năm 2011 - Được trao giải C (không có giải A) Giải Báo chí Quốc gia năm 2013 - Được trao giải C Giải Báo chí Quốc gia năm 2014 Các tác phẩm đã xuất bản: - Phía sau cổng làng (xuất bản năm 2005, tái bản năm 2011 và 2014) - Viết báo thời sinh viên (xuất bản năm 2006, tái bản năm 2014) - Bước vào nghề báo (xuất bản năm 2008, tái bản năm 2014) - Điều tra và dấn thân trong nghề báo (xuất bản năm 2015) |
P.V