Nhà báo Nguyễn Lưu: Viettel, đâu rồi chất lính Thể Công?
(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 10 năm trôi qua, từ năm 2009, bóng đá Việt Nam vắng bóng cái tên Thể Công ở sân chơi cao nhất nước nhà. Thế nhưng, sức sống của đội bóng áo lính vẫn nhen nhóm đâu đó trong những con người mang trọng trách tìm lại ánh hào quang xưa. Vậy nên, khi Viettel (phiên bản Thể Công) trở lại ngôi nhà V-League, đã có những kỳ vọng rất lớn về sự hồi sinh của cái tên một thời lẫy lừng.
“Có thể ở môi trường mới, cơ chế hoạt động mới cùng những quy định mới, đội bóng đã từng bước chuyển đổi mô hình theo yêu cầu phát triển với sự quản lý và đầu tư của Viettel. Dẫu vậy, cái tên Thể Công lại là thương hiệu và đội bóng vẫn trực thuộc ngành Quân đội”. Nhà báo Nguyễn Lưu đã mở đầu câu chuyện về Viettel như thế.
Trong vài mùa bóng đã qua, cả giải hạng Nhất hay V-League năm nay, khi Viettel thi đấu. Đã thấy cảnh người xem đến sân cổ vũ cho đội bóng với cái tên Thể Công. Từ băng rôn, cờ đèn, kèn trống cũng mang màu sắc của Thể Công ngày nào. Nói thế để thấy rằng, sự kỳ vọng mà khán giả dành cho những hậu duệ của Thể Công vẫn rất lớn. Tất cả luôn mong mỏi một ngày nào đó, ở sân chơi V-League sẽ có bản sắc lẫy lừng của đội bóng Quân đội.
VIDEO: Nhận định Viettel vs Hải Phòng (19h00, 24/05), vòng 11 V-League 2019. Trực tiếp VTV6, FPT Play, BĐTV
Và trong bối cảnh mà bản thân Viettel cũng cần cú hích ở V-League, những người quản lý thừa hiểu sức hút của thương hiệu này. Thế nhưng, để khoác lên mình chiếc áo có bề dày lịch sử và truyền thống, bản thân đội bóng cũng phải xứng đáng. Rõ ràng lúc này, để có được chất lửa của người lính Thể Công trong màu áo Viettel cũng khó. Bởi môi trường lúc này, bóng đá lúc này đã khác xưa nhiều quá.
Nhà báo Nguyễn Lưu trải lòng rằng cái tên Thể Công không chỉ mang tính thể thao thông thường, ông có cảm giác với những người yêu mến thể thao ở đất nước này, hai từ Thể Công nó còn là lý tưởng thể thao, lý tưởng của dân tộc bởi nó gắn liền với những bước chân người lính. Một khi đội bóng mang tên của những người lính thì đó là cuộc hành trình lớn chứ không mang nghĩa thể thao đơn thuần như là một quả bóng hay trận đấu trên sân.
"Viettel trở lại, tôi vừa vui vừa lo. Vui vì sau quãng thời gian dài lại được chứng kiến cái tên hào hùng đó trở lại đấu trường V-League. Điều này sẽ mang đến những hiệu ứng tích cực cho bóng đá Việt Nam, với những người yêu mến Thể Công. Tuy nhiên, tôi cũng lo lắng việc các cầu thủ trẻ Viettel cũng gặp những áp lực lớn. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự trở lại này, thành tích đội bóng không tốt cũng sẽ khiến cho sự trở lại của thương hiệu Thể Công phần nào nhạt nhoà. Đó sẽ là điều mà những người quản lý đội bóng cần có những tính toán.
Sự thay đổi về thế hệ, môi trường cũng là tác nhân ảnh hưởng. Mỗi giai đoạn mỗi khác, mỗi thế hệ mỗi khác. Tôi vẫn luôn trân quý tinh thần và phẩm chất của các bạn trẻ bây giờ ở đội bóng. Họ vẫn luôn miệt mài và tâm huyết. Nhưng thật sự cái gọi là hồn cốt của bóng đá Thể Công, theo tôi đã quá vãng lâu rồi.
Bây giờ khi cơ chế nó tác động thì khác nhiều. Mà cũng phải chấp nhận thôi, bóng đá luôn vận động và phát triển thì phải chấp nhận vậy thôi, khó khác đi được. Các bạn trẻ lúc này có thể được trang bị đầy đủ những yếu tố cần thiết, chế độ cũng tốt hơn ngày trước. Tất nhiên, nếu không biết cách điều chỉnh, kiềm chế bản thân thì những thỏa mãn hay này nọ cũng từ đó mà ra. Khát vọng để phấn đấu của các em cũng bị giảm đi đôi chút, cùng ảnh hưởng đến khả năng chơi bóng nhiều.
Thực tế, bao nhiêu năm qua, cái tên và bản sắc Thể Công đã là thương hiệu. Điều này đã để lại dấu ấn lớn trong lòng người hâm mộ. Bằng mọi cách có thể, phải quyết tâm lấy lại tinh thần, hào khí Thể Công cho đội bóng hôm nay.
Hay cứ để Thể Công như một tượng đài đánh dấu những giai đoạn lịch sử đã qua. Và xây dựng Viettel theo phương thức mới, mô hình mới. Đó là những ý kiến trái chiều về việc này như thế. Nói thế, để thấy rằng quy luật phát triển và giai đoạn lịch sử khác nhau đã tác động đến điều này rất nhiều. Đâu rồi chất lính Thể Công? Đó cũng là câu hỏi đau đáu".
Trần Tuấn (thực hiện)