Nhà báo Hà Quang Minh: 'Đội tuyển Việt Nam sẽ thành công nếu thả lỏng mà đá'
(Thethaovanhoa.vn) - Bên cạnh nhiều ca khúc nổi tiếng, Hà Quang Minh còn là cây viết sắc sảo của báo Công an nhân dân. Riêng lĩnh vực thể thao lại là sở trường của anh. Mời độc giả theo dõi cuộc trao đổi giữa chúng tôi.
Đừng tạo áp lực lên đội tuyển Việt Nam
* Thể thao & Văn hóa: Đội tuyển Việt Nam sắp bước vào hành trình vòng loại cuối cùng World Cup 2022. Anh nhìn nhận như thế nào về chiến dịch sắp đến của bóng đá nước nhà?
- Nhà báo Hà Quang Minh: Về cơ bản, môi trường cũng như bối cảnh của thể thao thời điểm này có thay đổi đột ngột với nhiều khó khăn phát sinh như thế, đội tuyển Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn không thể tránh khỏi. Không có thi đấu cọ xát khi các giải đấu trong nước “đóng băng”. Bây giờ, ĐTQG tập trung cũng chủ yếu tập chay, cùng lắm chia đôi đá đội hình chiến thuật hoặc may mắn có được “quân xanh” đi nữa thì nó cũng không phải là va chạm thực chiến để anh em có được 100% cảm giác đỉnh cao. Cái đấy là khó khăn lớn nhất.
Như thế, câu chuyện đặt ra ở đây sẽ là vượt khó bằng cách nào? Nó chính là một dạng thử thách bản lĩnh. Câu chuyện vượt khó thời buổi dịch dã để có điều kiện tốt nhất cho ĐTQG tập luyện hẳn nhiên sẽ có giải pháp. Tuy nhiên, quan trọng nhất ở đây: Mục tiêu gì cho những trận đấu sắp đến? Ví như mục tiêu đi vòng loại thứ 3 để tích lũy kinh nghiệm cho một ĐTQG, một thời đoạn của một nền bóng đá thì chắc chắn áp lực về thành tích sẽ không quá lớn. Các tuyển thủ có thể tiếp cận các trận với tâm thế thoải mái nhất.
Ngược lại, khi không đánh giá đúng thực lực của mình, còn muốn đạt mục tiêu cao xa hơn nữa thì chắc chắn mệt mỏi. Thể lực vốn đã ảnh hưởng lại không có điều kiện để chuẩn bị tốt do mất nhịp sinh học thi đấu thường xuyên. Vì thế, nên giải tỏa áp lực tâm lý cho các tuyển thủ, cho chính ông Park là hay nhất. Nhẹ đầu sẽ dễ đá.
Theo tôi, cứ xác định luôn từ đầu chúng ta không có “cửa” gì hết. Coi đây chỉ như cuộc sát hạch trình độ cầu thủ Việt Nam so với châu lục. Cứ đá trận nào biết trận đó, đặt kế hoạch cụ thể cho từng trận, mục tiêu cụ thể cho từng trận…, có khi lại đạt kết quả khả quan. Tinh thần tiếp cận chiến dịch sắp tới là như thế. Không hẳn theo kiểu mỗi 90 phút là 1 trận chung kết, mà đưa ra mục tiêu kiểu trận này quan trọng nhất là cần tận dụng tối đa cơ hội ghi bàn nếu có. Đối thủ quá mạnh thì nên đặt mục tiêu để thua ít thôi. Dù thế, vẫn mạnh dạn cái đích 3 điểm nếu đối thủ không quá chênh lệch đẳng cấp.
Tôi cho rằng, vòng loại cuối cùng không khác gì kỳ thi giữa các tuyển thủ với đề thi và giám khảo là ông Park.
Ai thay Hùng Dũng, ai thế Công Phượng và những giải pháp mới?
* Ông Park đang xoay khối Rubik trong tay để tìm lời giải cho bài toán thiếu vắng Hùng Dũng. Công Phượng không lên tuyển lần này cũng để lại tranh luận đa chiều. Góc nhìn của anh thế nào?
- Đúng là lúc này, ông Park đang tìm giải pháp khi Hùng Dũng chưa thể quay trở lại. Tuy nhiên, từ chi tiết này cũng phải nhìn nhận vấn đề thẳng thắn và nhiều chiều kích. Thực tế, từ khi nắm giữ cương vị HLV trưởng đến nay, ông Park trong mỗi lần tập trung ĐTQG đều lựa chọn những con người tốt nhất BĐVN đang có. Ông là người hết sức linh hoạt và hợp lý trong cách dùng người, tùy trận đấu cụ thể, thậm chí những thời điểm cụ thể. Không cầu thủ nào dám tin rằng vị trí mình an toàn. Ngược lại nếu cố gắng hết mình, tân binh cũng có thể được trọng dụng.
Một trong những điểm hạn chế của đội tuyển Việt Nam chính là thiếu sức mạnh khi tranh chấp bóng ở khu trung tuyến. Thế nên, nhân lúc cầu thủ đảm đương tốt nhất việc này là Hùng Dũng chấn thương, thời gian chuẩn bị lại có, ông Park không nên bỏ phí cơ hội thử nghiệm nhiều gương mặt. Thực tế, những buổi tập vừa rồi, cả Duy Mạnh cùng Đình Trọng đã được ông Park “ướm” vào vị trí tiền vệ trụ, tôi chưa rõ sự khả thi ở mức độ nào. Cần phải thêm thời gian.
Cái khó của ông Park là những thử nghiệm mấy ngày qua vẫn chưa được chứng minh kết quả qua thực tiễn thi đấu. Tôi hy vọng những sự lắp ghép thể nghiệm sẽ cho ra kết quả tốt đẹp, có lợi không chỉ cho đội tuyển Việt Nam mà còn cho chính cầu thủ, và cả CLB nữa.
Công Phượng không lên đội tuyển lần này, tôi khá tiếc. Anh ấy là cầu thủ để lại khá nhiều tranh luận. Nhưng không ai có thể phủ nhận được đó là một cầu thủ giỏi, chất lượng. Hơn thế, Công Phượng lại là người có khả năng tạo đột biến. Cơ bản là đặt cầu thủ này ở vị trí nào, đồng thời cần cả nội lực của bản thân cậu ta, chứ không đơn giản do HLV sử dụng.
Theo tôi, Công Phượng có thể đá tiền đạo hoặc tiền vệ tấn công. Nhưng chính bản thân Phượng cũng cần xác định thời điểm này, mình nên chơi ở vị trí nào là hợp nhất, phát huy hết năng lực. Từ đó, vẫn có thể đề đạt với HLV về việc thử sức ở chuyên biệt vị trí nào đó. Qua để ý tôi thấy, từ lúc Kiatisuk về làm việc, Công Phương chơi ở HAGL tốt hơn hẳn trước đây. Đấy là điều mà ông Park cùng trợ lý phải để ý.
* Đã hơn một lần ông Park nói rằng sẽ làm mới ĐTQG. Theo anh, làm mới sẽ bắt đầu từ đâu và những trận đấu sắp đến đội tuyển Việt Nam sẽ chọn lối đá thế nào?
- Theo tôi, bất kỳ HLV nào cũng luôn đưa ra các đề bài cho mình nếu vắng các nhân tố A, B, C, D. Ai cầm quân cũng có phương án cả, ông Park cũng vậy. Việc gọi Tuấn Hải, Tuấn Tài chính là như thế. Đội bóng phải luôn có gì đó mới, tiếp năng lượng cho cả đội. Tôi tin ông Park vẫn có thể tìm được một đội hình khả dĩ nhất. Cơ bản chất lượng lứa cầu thủ hiện nay ở ĐTVN đồng đều, gắn bó với nhau đã lâu.
Gọi một người mới lên tập trung ĐTQG sẽ tạo động lực và cạnh tranh tích cực. Điểm trội nhất của đội tuyển Việt Nam bây giờ là sự đoàn kết. Không có ganh ghét hơn thua, đố kỵ, tị hiềm như trước đây. Môi trường đội tuyển bây giờ trong lành, cạnh tranh lành mạnh.
Phân tích kỹ hơn, chúng ta cũng cần lạc quan bởi đối thủ dù mạnh đến mấy, hệ thống chiến thuật ưu việt kiểu nào cũng có tử huyệt. Hãy thử hình dung những đối thủ sắp đến chơi pressing (thậm chí pressing cực đoan) trước chúng ta thì sao? Sẽ rất nguy hiểm, dĩ nhiên, nhưng mặt trái là sự hao sức, cùng tâm lý nôn nóng chủ quan hở sườn để chúng ta sử dụng bài phản công nhanh sở trường. Lúc đó, chúng ta lại chờ đợi ông Park yêu cầu học trò xoay chuyển vị trí bất đối xứng (asymmetric rotations) để phá vỡ thế pressing của họ như ông đã từng thi triển trong rất nhiều trận đấu đối thủ trên cơ. Cầu thủ cũng chỉ là con người chứ không phải cái máy, chạy quá kiểu gì chẳng để lộ sơ hở.
Chúng ta nên tin tưởng ĐTVN sẽ tạo ra được những chiến tích mới. Thành công ở mức độ nào phụ thuộc vào vai trò của ông Park trong lựa chọn đấu pháp, kế hoạch trận đấu (60%), lựa chọn cầu thủ phù hợp đấu pháp (20%), 20% còn lại là nỗ lực của cầu thủ cũng như khả năng tuân thủ ý đồ của HLV.
* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Việt Nam cảm ơn ông Park, và ngược lại… “Ông Park sau khi danh với BĐVN có thể không khó tìm bến đỗ mới với mức lương hậu hĩnh. Nhưng, để thành công như từng dẫn dắt bóng đá Việt Nam thì e rằng không dễ. Chưa hẳn ông đã là sự lựa chọn hợp lý đối với các đội bóng hàng đầu châu lục. Nếu vậy, chắc gì ông ấy chia tay khi ở Việt Nam ông có quá nhiều điều kiện để phát triển, kể cả ngoài lĩnh vực bóng đá. Tôi chia sẻ với ông Park ở khía canh, nhiều khi lặp lại mãi một thói quen với công việc nó thành ra nhàm chán và buồn. Ai cũng muốn vượt giới hạn, thoát ra khỏi sự đơn điệu. Nhưng hi vọng ông Park vẫn còn vui, còn nhiều động lực với BĐVN kể cả không thành công ở Vòng loại cuối cùng. Ông ấy gia hạn hợp đồng là hay nhất. Cơ bản bóng đá nước nhà đang có đang ổn định, thay đổi đột ngột không tốt. Chúng ta cùng cảm ơn HLV người Hàn Quốc, nhưng ngược lại ông cũng phải tri ân Việt Nam”. |
Trần Tuấn (thực hiện)