Nguyễn Vi Hữu Cảnh và hành trình đưa thời trang Việt ra thế giới
Tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS+ Fashion Summit vừa diễn ra ở Nga, anh Nguyễn Vi Hữu Cảnh được mời làm diễn giả quốc tế và đại biểu ký kết Hiệp ước thành lập Liên đoàn Thời trang Quốc tế BRICS+.
Liên đoàn này quy tụ thành viên thuộc khối BRICS và các đối tác, tạo nên một liên minh thời trang đa văn hóa, cùng nhau định hướng xu hướng toàn cầu, đồng thời tôn vinh những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc.
Là trường ngành thời trang thuộc Hiệp hội Thiết kế Việt Nam VDAS đồng thời là nhà sáng lập kiêm CEO của Cooper & Co., một thương hiệu thời trang cao cấp hơn 11 năm tuổi tại Việt Nam, ông Nguyễn Vi Hữu Cảnh đã xây dựng và phát triển thương hiệu thành một cái tên nổi bật trong lĩnh vực thời trang bespoke. Cooper & Co. hiện đã mở rộng với hai dòng sản phẩm độc đáo: Cooper Daily – thời trang ready-to-wear cao cấp dành cho giới trẻ, và Ther – dòng áo dài truyền thống với thiết kế tinh tế, kế thừa giá trị văn hóa Việt Nam.
Anh Nguyễn Vi Hữu Cảnh đã có cuộc trò chuyện với PV quanh sự kiện:
* Anh có thể chia sẻ về thông điệp chính của bài phát biểu tại BRICS+ Fashion Summit?
Thông điệp chính trong bài phát biểu của tôi tại BRICS+ Fashion Summit là tầm nhìn về một nền thời trang tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, không chỉ bền vững mà còn ứng dụng công nghệ cao, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Thông qua việc kết hợp chất liệu thân thiện với môi trường, AI và các yếu tố văn hóa truyền thống, chúng tôi mong muốn tạo ra một tiếng nói độc đáo, đưa thời trang Việt ra thế giới. Việc kết hợp công nghệ không chỉ giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất mà còn mở ra cơ hội sáng tạo mới, từ đó Việt Nam có thể khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng thời trang toàn cầu của các nước Nam bán cầu.
* Điều gì trong bài phát biểu của anh đã gây ấn tượng mạnh nhất với cộng đồng quốc tế?
- Bài phát biểu của tôi nhấn mạnh vào tầm quan trọng của công nghệ, cập nhật xu hướng và thời trang bền vững gây ấn tượng mạnh với các đại diện quốc tế. Tôi chia sẻ ví dụ thành phố Hồ Chí Minh trở thành nơi dẫn đầu trong khu vực về tốc độ sản xuất, mẫu mã mới cũng như giá thành. Thu hút hàng loạt khách hàng từ các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia… thông qua du lịch mua sắm. Các thương hiệu Việt Nam đang áp dụng công nghệ AI để đón đầu xu hướng, tạo mẫu, để tối ưu hóa sản xuất. Ngoài ra việc nghiên cứu và sản xuất thành công số lượng lớn các sợi vải bền vững như sợi dứa, sợi tre, bã cà phê… tạo ra sản phẩm thân thiện môi trường, có tính ứng dụng cao. Sự kết hợp này cho thấy tiềm năng của Việt Nam trong xu hướng thời trang xanh và thông minh toàn cầu.
Tôi nhấn mạnh rằng bền vững là định hướng thiết yếu để phát triển lâu dài, và công nghệ sẽ là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong hành trình này. Với sự hỗ trợ của BRICS+, chúng tôi mong muốn đưa ra các giải pháp như vật liệu tái tạo, AI, và blockchain để giám sát toàn diện chuỗi cung ứng, từ đó giảm thiểu lãng phí và bảo vệ môi trường.
* Là trưởng ngành thời trang của Hiệp Hội Thiết kế Việt Nam - VDAS, ký hiệp ước BRICS+, anh có kế hoạch gì để đưa thời trang Việt Nam ra bản đồ quốc tế?
- Việc ký kết với BRICS+ là một bước tiến quan trọng. Tôi đã đề xuất với BRICS+ kế hoạch bao gồm thành lập các chương trình đào tạo và hội thảo hợp tác giữa các quốc gia thành viên, kêu gọi sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư của BRICS+ nhằm tài trợ cho các nhà thiết kế trẻ, các dự án thiết kế bền vững tại Việt Nam cũng như cho các thương hiệu địa phương tham gia vào thị trường quốc tế. Qua đó, tôi mong muốn xây dựng một hình ảnh Việt Nam không chỉ là nơi sản xuất mà còn là nơi phát triển những thiết kế có giá trị thẩm mỹ và bền vững cao, từ đó nâng cao vị thế của thời trang Việt trên bản đồ thế giới. Ngoài ra,hiệp hội VDAS có kế hoạch thành lập chuỗi sự kiện DESIGN VOICE cho ngành thời trang, với sự góp mặt của các chuyên gia trong và ngoài nước. Chúng tôi cũng đang xúc tác các hoạt động tổ chức Tuần lễ thời trang quốc tế VDAS Việt Nam vào năm sau.
* Tầm nhìn của anh về ngành thời trang Việt Nam trong 10 năm tới là gì?
Trong 10 năm tới, tôi kỳ vọng Việt Nam trở thành một trung tâm thời trang châu Á, nổi bật nhờ sự hài hòa giữa yếu tố bền vững, di sản văn hóa, và công nghệ hiện đại như AI, blockchain, hay vật liệu thông minh. Khi có sự so sánh chi tiết thực tế về kỹ thuật các nước tại triển lãm thời trang quốc tế, tôi khẳng định chúng ta có những đội ngũ sản xuất cực kỳ xuất sắc. Với những nỗ lực phát triển kỹ thuật cao cấp, năng lực sáng tạo và tận dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, theo dõi vòng đời sản phẩm, giảm thiểu lãng phí, ngành thời trang Việt sẽ có khả năng cạnh tranh với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ trên thị trường quốc tế.
* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện!