Nguyễn Thị Oanh từng bị chê vì ngoại hình nhỏ bé, vượt bạo bệnh để theo con đường thể thao
Ít ai biết Nguyễn Thị Oanh là cô gái nghị lực phi thường, từng vượt lên số phận éo le để theo đuổi đam mê.
Đam mê điền kinh từ sớm, từng suýt từ bỏ đường đua vì bệnh tật
Nguyễn Thị Oanh (SN 1995), sinh ra và lớn lên tại Bắc Giang – mảnh đất nổi tiếng có nhiều VĐV trụ cột của các môn điền kinh, cầu lông, đá cầu. Thời thơ ấu, như bao bẹn bè cùng trang lứa, cô dành phần lớn thời gian học tập và phụ giúp bố mẹ việc nhà.
Đến khi lên 9 tuổi, cô cảm thấy có hứng thú với bộ môn. Thấy cô bộc lộ năng khiếu, thầy cô giáo ở trường đã tạo điều kiện cho cô tham dự các giải điền kinh cấp huyện, cấp tỉnh. Đây chính là bước ngoặt đưa cuộc đời Oanh đến với điền kinh và cũng là những tấm huy chương đầu tiên cô dành được trong đời.
Ngay lần đầu tiên chứng kiến một cuộc thi điền kinh đúng nghĩa, Oanh khi ấy là cô học sinh tiểu học đã ngay lập tức chăm chú quan sát những bước chạy của người chị ruột trên đường đua.
"Tôi vốn không có sở thích gì đặc biệt. Nhưng tiếng hò reo, ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người dành cho chị khiến tôi ao ước, Tôi nghĩ một ngày nào đó mình cũng có thể làm được như vậy", Oanh từng chia sẻ,
Nối tiếp đó, Oanh nhanh chóng thể hiện năng lực của một vận động viên triển vọng. Cô nhanh và mạnh hơn đối thủ khác rất nhiều dù thua kém về ngoại hình. Oanh từng lọt vào mắt xanh của những tuyển trạch viên đoàn thể thao Bắc Giang. Tuy vậy, chiều cao khá khiêm tốn, chỉ khoảng 1m50 và nặng chưa đến 40kg khiến cô suýt nữa không được chọn. Tuy sở hữu thân hình nhỏ bé nhưng cô lại khá dẻo dai, có thể lực tốt.
Năm 15 tuổi, Oanh xuống Trường Năng khiếu thể dục thể thao Bắc Ninh để theo đuổi con đường trở thành vận động viên chuyên nghiệp.
Cuối năm 2014, cô gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ. Oanh bị chẩn đoán mắc viêm cầu thận. Điều này khiến cô từng nghĩ đến giải nghệ, từ bỏ ước mơ.
"Đó là một ngày cuối tháng 12/2014, tôi thấy mặt mình bỗng nhiên có nhiều chỗ sưng tấy. Mọi người nói chỉ bị dị ứng, nhưng tôi cảm thấy bất an, tôi biết rõ cơ thể mình nên đi khám bác sĩ và được chuẩn đoán mắc viêm cầu thận.
"Ý nghĩ đầu tiên của tôi là giải nghệ. Thật khó chấp nhận. Nhưng rồi sau một thời gian theo dõi, tôi được biết bệnh của mình chỉ mới chớm, còn có cơ hội chữa được", Oanh kể.
Lập cú đúp vàng trong 30 phút khiến điền kinh thế giới phải ngỡ ngàng
Tối 9-5, VĐV Nguyễn Thị Oanh giành cú đúp huy chương vàng ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật. Điều đặc biệt là thời gian xuất phát giữa 2 nội dung chỉ cách nhau 30 phút. Trên thực tế thời gian nghỉ giữa hai lần xuất phát của Oanh cũng chỉ có 10 phút.
1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật là hai nội dung có nhiều sự khác biệt. Một chỉ thiên về sức bền và một cần thêm nhiều yếu tố kỹ thuật.
"Bản thân tôi cảm thấy áp lực và khó khăn khi bước vào nội dung thi thứ 2 ngày hôm nay. Do vậy tôi tạm thời không chia sẻ hay ăn mừng khi hoàn tất nội dung 1.500m. Và khi về đích ở nội dung 3000m vượt chướng ngại vật, tôi nhìn lên khán đài và nhận được sự cổ vũ của tất cả mọi người.
Tôi thực sự xúc động. Tôi cảm ơn tất cả luôn đồng hành khích lệ và cổ vũ. Đó sẽ là động lực rất lớn cho tôi cố gắng hơn nữa", Nguyễn Thị Oanh chia sẻ sau khi làm nên lịch sử.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia điền kinh Việt Nam nhận định: Điền kinh thế giới sẽ phải thán phục VĐV Nguyễn Thị Oanh với cú đúp huy chương vàng này.
Câu chuyện của Oanh phải xuất phát 2 nội dung cách nhau 30 phút là điều có lẽ chỉ diễn ra ở SEA Games. Theo quy định xếp lịch thi đấu của nhiều giải điền kinh thế giới, châu lục, các vòng thi cự ly ngắn diễn ra cách nhau ít nhất 45 phút, các cự ly dài phải qua ngày thi đấu hôm sau - cách nhau ít nhất 12 giờ.
Phần thưởng cho Nguyễn Thị Oanh sau 2 tấm HCV là sự nể phục của các đối thủ, sự yêu mến của người hâm mộ. Cô cũng nhận được phần thưởng nóng 50 triệu đồng ngay sau cuộc thi có 1-0-2 ở SEA Games.
Nhận lương 7 triệu đồng/tháng trong nhiều năm
Ít ai biết trong suốt nhiều năm qua, VĐV Nguyễn Thị Oanh chỉ được nhận mức lương vài triệu đồng.
Gần nhất, mức lương của Nguyễn Thị Oanh ở địa phương cao nhất là 7 triệu đồng/tháng. Ngoài một số chế độ khi lên đội tuyển cùng thành tích đạt được ở sân chơi quốc tế, cô không có thêm khoản nào.
Có một thời gian khá dài, Oanh đã phải bán hàng online để có thêm tiền để mua giày, thực phẩm chức năng, thuốc bổ,… để phục vụ cho việc tập luyện. Còn mỗi khi có thưởng thành tích huy chương, Oanh đều dành dụm để biếu bố mẹ, chị em…
Là người con áp út trong gia đình có 8 người con, nhưng Oanh thấy mình phải có trách nhiệm giúp đỡ bố mẹ. Cô gái "vàng" của thể thao Việt Nam vừa phải vật lộn mưu sinh, vừa nỗ lực tập luyện để duy trì phong độ.
Tuy khó khăn nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn vươn lên bằng ý chí tuyệt vời. Cô hiện đang theo học cao học và sắp lấy bằng thạc sĩ. Ước mơ trong tương lai của Oanh là tiếp tục được gắn bó với điền kinh, được làm công tác huấn luyện sau khi giải nghệ.