Nguyễn Quang Thạch - 'Hiệp sĩ giáo dục'
Nỗi đau và niềm hy vọng
“Bây giờ tôi chỉ hy vọng vào bọn trẻ” - Thạch chia sẻ, khoảng hơn 2 tháng sau khi bắt đầu hành trình xuyên Việt kêu gọi lập 300.000 tủ sách, khi anh đang ở Đông Hà, Quảng Trị. Vào đến miền Trung khi mùa hè bắt đầu đổ lửa cùng căn bệnh nặng ở mắt thường tái phát đau nhức, khiến hành trình của anh chậm lại khá nhiều.
Thường xuyên, anh chia sẻ hình ảnh người dân lao động ngoài trời dưới cái nắng 40 - 45 độ C, chẳng hạn ở Ninh Thuận, mảnh đất khô cằn nhất miền Trung. Khi các công nhân rải nhựa đường làm việc trên lớp nhựa mới rải ở Khánh Hòa, nhiệt độ táp vào mặt họ lên đến 55 độ C vì mặt đường hấp nhiệt. Trong khi đó, nhiều người dân thành phố ngồi trong những tòa nhà cao tầng dưới làn gió điều hòa và than phiền về biến đổi khí hậu.
Nhưng điều anh Thạch quan tâm nhất ở mọi vùng đất luôn là: người dân có đọc sách không, hay quan trọng hơn, con cái họ có được đọc sách không.
“Tôi thương lũ trẻ trên đường” – anh nói – “Những đứa trẻ ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình..., tôi chẳng thấy em nào tự tin cả”. Trong khi đó, những đứa trẻ ở nông thôn Thái Bình – nơi anh đã lập và tư vấn lập ra không ít tủ sách phụ huynh, tủ sách dòng họ…, lại tỏ rõ sự tự tin, mạnh dạn.
Những tấm lòng cao cả không đơn độc
Nói chuyện với người viết, đã có một vị CEO của Nhà xuất bản từng gọi Nguyễn Quang Thạch là “hiệp sĩ giáo dục”. Từ “hiệp sĩ” hóa ra lại rất đúng, không phải là về danh xưng, mà là ở tinh thần. Nhiều người nói Nguyễn Quang Thạch điên, nhiều người thắc mắc không hiểu anh lấy đâu ra tinh thần xả thân cho trẻ em nông thôn có sách đọc (một mình đi bộ 1.800km dọc đất nước chính là một hành động xả thân). Còn với Thạch, đơn giản đó là tinh thần hiệp sĩ.
Anh kể: “Thời học lớp 2, tôi thích đọc Lực sĩ Ba Đang, một truyện ngắn nước ngoài kể về một con người bị cá kiếm tấn công. Ông nghĩ ra cách chặt chuối vứt xuống bờ biển. Cá kiếm đâm vào chuối và bị mắc kẹt. Từ đó, người dân làng ông có cách bắt cá kiếm để ăn và không còn bị tấn công nữa”.
Một câu chuyện ngắn ngủi và đơn giản nhưng đã in sâu vào tâm trí Thạch và ảnh hưởng đến cuộc đời anh sau này. “Lúc nào tôi cũng nghĩ: Mình phải làm gì cho ngôi làng của mình? Mảnh đất của mình? Và sau này là đất nước của mình? Hình ảnh bà nội tôi chia sẻ cho người khác bát cơm đang ăn là hình ảnh vĩ đại nhất tôi từng chứng kiến trong cuộc đời mình”.
Người bà cũng truyền cho Thạch ý nghĩa của sự bao dung. Bà từng che chở cho một kẻ trộm vặt trong làng để cứu người này thoát khỏi bị đánh đòn đau. Những nghĩa cử như vậy có thể cứu vớt tâm hồn đang sa vào tội lỗi của một con người.
Giờ đây, khi anh đã 40 tuổi, một trong nhiều đầu sách cơ bản luôn có mặt đầu tiên trong các tủ sách anh lập ra ở nông thôn là Những tấm lòng cao cả của nhà văn Edmondo De Amicis (Italy). Cuốn sách viết về sự nghèo đói, lòng yêu nước và tinh thần nhân ái.
Về mặt văn chương, Những tấm lòng cao cả tạo ra những nhân vật không đa chiều. Mỗi nhân vật hầu như chỉ có một nét tính cách: thông minh, hào hiệp, đố kị, đầy nghị lực, lầm lì, hỗn xược, nghiêm nghị, vui tính, bạo lực, đầy tình thương… Nhưng với Thạch, đây lại là cuốn sách đúng đắn để xây dựng nền tảng nhân cách trong người đọc nhỏ tuổi. Toàn bộ cuốn sách lại là tập hợp những câu chuyện nhân sinh thấm thía.
“Trong Những tấm lòng cao cả có tinh thần quý tộc và tinh thần hiệp sĩ. Tôi dùng tác phẩm đó để đo sự thiếu sách của nông thôn, khi một cuốn sách đáng đọc và phổ cập nhưng ở nông thôn lại không hề có” – Thạch nói. Những tấm lòng cao cả có vô số bản in ở Việt Nam và không mấy khi vắng bóng trên kệ sách ở thành thị.
Khuyến học – cuốn sách như ngọn đuốc dẫn đường
Từ lâu rồi, khi đang vận động các phóng viên ủng hộ chương trình “Sách hóa nông thôn”, anh Thạch mang tặng họ bản điện tử của cuốn Khuyến học của tác giả Nhật Fukizawa Yukichi. Một tác phẩm quan trọng về giáo dục, nhưng ít trẻ em đủ trình độ để đọc và thấu hiểu.
Với sự nghiệp “khuyến đọc” của Nguyễn Quang Thạch, Khuyến học chính là ngọn đuốc dẫn đường. Anh từng viết: “Tôi đi công tác Nhật Bản vào tháng 11/2003, đọc cuốn sách từ năm 2004, nhờ đó tôi có thêm niềm tin vững chắc vào khát vọng đời mình”.
Từ bài học của người Nhật, anh khẳng định Việt Nam có thể tạo dựng được đẳng cấp trên trường quốc tế nếu “học tập tinh thần tự cường của người Nhật Bản để mỗi cá nhân tự viết tên mình vào lịch sử phát triển của đất nước”.
Sau người Nhật, anh tiếp xúc với tinh thần của người Hàn Quốc qua cuốn tự truyện Không bao giờ thất bại. Tất cả là thử thách của Chung Ju Yung - nhà sáng lập, cố chủ tịch của Tập đoàn Hyundai. “Người Hàn đã thay đổi nền kinh tế đất nước bằng sự sáng tạo, trung thực và ý thức về lợi ích quốc gia” – anh nói – “Nhờ đó, họ đã làm ra những sản phẩm có giá trị toàn cầu, như ô tô, tàu thủy, công trình xây dựng”.
Đến nay, chương trình “100 triệu cuốn sách đổi đời” của Trung Nguyên đã ủng hộ 5.000 bản sách cho chương trình “Sách hóa nông thôn” của anh Nguyễn Quang Thạch.
Khi mang tặng các cuốn sách ở miền Nam, anh từng nhận được phản hồi: “Sách rất giá trị, nhưng tại sao còn thiếu sách viết về người Việt Nam?”. Với Thạch, đó là một nỗi xấu hổ. Bởi vậy, anh ấp ủ dự định trong thời gian tới sẽ xuất bản sách về “con người Việt Nam mới”.
Vẫn biết cuộc đời không vận hành đơn giản vậy, nhưng lòng tốt và trí tuệ sáng suốt luôn cần nền tảng. Vài thế hệ đã lớn lên mà thiệt thòi thiếu hụt nền tảng đó, điều này không thể tiếp diễn, ít nhất là trong ý chí và hành động của một con người.
Và anh không đơn độc.
Nguyễn Quang Thạch sinh năm 1975 tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Anh tốt nghiệp Đại học Vinh của Nghệ An. Ra trường, ở lại Vinh làm việc, nhưng anh luôn tâm niệm: “Muốn làm được việc lớn/ Ắt phải rời khỏi Vinh”. Không chỉ rời khỏi Vinh, giờ đây anh đi khắp đất nước. |
VÀI Ý KIẾN GỬI CÁC DOANH NHÂN |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa