Nguyễn Đình Thanh Tâm giã từ disco, hóa thành… ông già tiền chiến
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu live show 4 tuần trước của Tuyệt đỉnh tranh tài, ca sĩ Nguyễn Đình Thanh Tâm hóa thân thành ngôi sao disco với One way ticket sôi nổi thì tuần tới đây, anh sẽ hóa thân thành “ông già tiền chiến”.
Trong live show thứ 5 diễn ra vào lúc 21h ngày 16/5 tới đây, Nguyễn Đình Thanh Tâm sẽ trình bày ca khúc Tôi đi giữa hoàng hôn của nhạc sĩ Văn Phụng trong đêm thi có chủ đề: Bolero, tiền chiến và dân gian. Anh sẽ hóa thân thành một ông già lọm khọm với trang phục của thời tiền chiến đứng trên những triển hoa dã quỳ hồi tưởng lại quá khứ vàng son của mình và nhớ đến người tình trong mộng một thuở. Thanh Tâm sẽ thể hiện sự day dứt, hoài niệm của mình trong màu sắc vàng rực của hoa quỳ và cũng là màu áo của người tình xưa.
Trong khi các thí sinh khác đều chọn dân gian, bolero thì duy nhất Thanh Tâm chọn nhạc tiền chiến. Tâm chia sẻ: “Dân gian thì quá quen thuộc với tôi rồi nên tôi không muốn đi theo con đường an toàn là chọn sở trường của mình. Lúc đầu tôi tính chọn bolero nhưng bạn bè đều khuyên hát nhạc xưa. Tôi đã ra một mini album nhạc xưa nhưng hầu như chưa trình diễn thể loại này trên sân khấu bao giờ, vậy nên đây là một cơ hội để tôi trình bày một tình khúc vượt thời gian trước công chúng của mình”.
Trước Tết nguyên đán vừa rồi, Thanh Tâm đã ra mắt mini album online mang tên Còn mãi tình đầu với các sáng tác của Anh Bằng, Phạm Duy, Từ Công Phụng… Tuy không nằm trong chuỗi dự án chính của anh nhưng Còn mãi tình đầu rất được ưa thích, nhiều khán giả khó tính đã dành cho Thanh Tâm lời khen tặng. Vậy nên khi trình diễn ca khúc Tôi đi giữa hoàng hôn trên sân khấu Tuyệt đỉnh tranh tài, Thanh Tâm vừa mừng vừa lo và hồi hộp.
Tôi đi giữa hoàng hôn là một tuyệt phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Văn Phụng (1930-1999), từng được rất nhiều thế hệ ca sĩ như: Thái Thanh, Elvis Phương, Họa Mi, Tuyết Loan… trình bày thành công. Vậy nên lần này hát lại theo cách “ma quái” của Nguyễn Đình Thanh Tâm cũng là một thử thách không nhỏ.
Bài hát trên được sáng tác trong khoảng thời gian 1960, cùng với những Yêu, Trăng sơn cước, Mưa, Tiếng dương cầm… của Văn Phụng. Có thể nói rằng sự nghiệp âm nhạc của ông không quá ngắn cũng không quá dài, bắt đầu vào 1948 và kết thúc năm 1972. Khối lượng tác phẩm ông để lại cho đời ở mức vừa phải và đều là tuyệt phẩm, khi nhắc đến khiến công chúng, giới làm nghề không khỏi xuýt xoa, ca ngợi.
Khánh Nguyễn
Thể thao & Văn hóa