Người về từ Trường Sa
Năm nay, sau khi hoàn thành nhiệm vụ chỉ huy trưởng đảo An Bang (quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa), thiếu tá Nam được về đất liền đoàn viên với gia đình, bên mâm cơm ngày Tết.
Chuyện tình Trường Sa
Tôi gặp Thiếu tá Nam ở đảo An Bang vào tháng 5 năm 2014 vừa rồi, giữa lúc biển Đông căng thẳng khi Trung Quốc kéo giàn khoan phi pháp Hải Dương - 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Do địa hình gồm những khối san hô thẳng đứng, việc tiếp cận đảo rất khó khăn. Đảo An Bang đã phải thành lập riêng một đội đặc nhiệm để hỗ trợ đón những người từ đất liền từ tàu lớn vào đảo.
Chân lội sâu dưới nước, thiếu tá Nam tận tình ra xa bờ cát dài của đảo để đón chào đoàn khách. Sau báo cáo về an ninh, đời sống tinh thần anh em trên đảo, thiếu tá Nam tâm sự câu chuyện cá nhân.
Sinh năm 1975, anh ra đảo năm 25 tuổi. Và suốt thời trai trẻ ấy, cuộc đời anh chỉ có sóng, gió và những cơn bão biển liên miên. “Cũng không hẳn thế, khoảng thời gian ấy là lúc tôi xây dựng tổ ấm. Chuyện tình tôi, dài và gập ghềnh như đường vào An Bang vậy”- anh vừa nói vừa cười vang.
Năm 1998, khi thiếu tá Nam vào Nghệ An trong đợt tuyển quân. Vợ anh khi ấy còn đang là nữ sinh lớp 12. Tình yêu đến tự nhiên như hơi thở. Sau đó ít lâu, anh ra Trường Sa canh giữ biển đảo, chị sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động. Sợi chỉ đỏ duy nhất kết nối tình yêu hai người là những lá thư tay, được chuyển từ Hàn Quốc tới đất liền, rồi từ đất liền ra đảo. Thư trả lời từ đảo cũng qua quy trình như vậy.
Mùa biển động, những lá thư từ Nam Yết, Song Tử xếp chồng trên bàn làm việc của người lính trẻ đợi tàu từ đất liền. Tàu tới, cả xấp thư dày được chuyển vào Nghệ An cho bố mẹ cô gái rồi nhờ họ chuyển qua Hàn Quốc.
Năm 2004, khi người lính biển đang làm nhiệm vụ vận tải chuyên cung cấp bảo đảm lương thực, thực phẩm cho Trường Sa, cô gái về nước lao động tại địa phương, hai người quyết định làm đám cưới. “Trong suốt thời gian yêu nhau, chúng tôi chẳng gặp nhau được mấy lần. Tôi cũng nói rõ những tháng ngày xa cách trước mặt của gia đình nhỏ. Nhưng vợ tôi vẫn sẵn sàng chấp nhận”- anh Nam chia sẻ.
Đám cưới giản dị diễn ra ở quê anh, Thái Bình và quê chị, Nghệ An cũng như đám cưới nhỏ trong thơ Hữu Loan. Anh “ở đơn vị về, cưới nhau xong là đi”. Trước đó, việc liên hệ giữa gia đình hai bên cũng đơn sơ qua những lá thư trao đổi. Năm 2005 và 2007, vợ chồng anh liên tiếp đón nhận những tin vui khi hai cô con gái chào đời. Song cũng từ niềm hạnh phúc này, trọng trách của anh chị nặng nề hơn bao giờ hết.
“Không được hỏi bao giờ bố về!”
Một vai hai gánh, những đứa trẻ lớn lên khi vợ anh Nam phải vừa là mẹ, vừa là cha. Chị cũng phải chăm lo cho gia đình hai họ. Ngoài quãng thời gian nghỉ phép ngắn ngủi, cha con chỉ gặp nhau qua những cuộc điện thoại. Đến thời điểm anh Nam làm chỉ huy đảo, những cuộc điện thoại lại càng khó khăn hơn.
Anh Nam kể: “Anh em lính đảo toàn người trẻ, nhiều anh em lần đầu ra đảo nên tôi phải động viên tinh thần thường xuyên. Tôi là người đứng đầu nên không được thể hiện những “phút chạnh lòng nhớ nhà” vì sợ ảnh hưởng tới tâm trạng anh em. Lắm lúc nhớ nhà, tôi phải đợi anh em ngủ mới lên trên gọi điện về để nghe giọng con. Nhưng gọi thì con cũng ngủ mất rồi”.
Trong 10 năm biền biệt, anh Nam chỉ được về ăn Tết hai lần, còn lại ăn Tết ngoài đảo. “Tết không về nhà tâm trạng ai không buồn?” – anh Nam nói tiếp - “Nhưng là người chỉ huy đảo, buồn cũng không được để ai biết. Nghĩ về nhà, nhìn ra bờ dài với sóng biển mênh mang mà thương vợ, thương con. Tôi chỉ biết gọi về nhà động viên con phải cố gắng giúp đỡ mẹ. Những ngày trước Tết, vợ tôi cũng tất bật: viết thư cho chồng, chăm sóc các con, thăm hỏi ông bà nội ngoại.... nên tôi cũng không muốn gọi về nhiều.”
Giao thừa ở đảo không phải lúc nào cũng gọi về cho nhà được. Những lúc gọi về được, cả nhà cùng đón Giao thừa qua điện thoại. Vợ nói chuyện với chồng, con nói chuyện với bố đều với những lời thân tình, vui tươi về năm mới. Những cảm xúc sâu thẳm đều được nén chặt và chỉ trực một bên khẽ nghẹn ngào là cả hai đầu dây chắc đều vỡ òa. Nhưng với bản lĩnh người lính đảo, trong gần chục giao thừa xa cách, anh Nam đã không để điều ấy xảy ra lần nào.
Gia đình đón Giao thừa qua điện thoại nhiều thành quen. Những năm trước, cứ đến Tết các con đều hỏi bao giờ bố về? Anh Nam lại ngậm ngùi bảo vợ động viên con. “Yêu cầu nhiệm vụ của tôi không nói trước được. Mà nhất là với trẻ con thì tuyệt đối không được nói dối. Tôi chỉ trả lời lấp lửng rồi gạt sang chuyện khác”- Thiếu tá Đặng Ngọc Nam kể.
Nhưng đấy là chuyện của nhiều năm về trước. Con cái nhớ mong hay đòi bố nhưng vợ anh sợ làm chồng suy nghĩ nên dặn con không được hỏi bao giờ bố về. Các cháu sau này chỉ kể chuyện học hành và hỏi thăm sức khỏe. Còn chuyện bao giờ bố về, đó là một niềm mong ngóng mà các cháu cũng phải nén chặt, cũng như mẹ, như ông bà nội ngoại…
Ngày về lại nhớ Tết đảo xa…
Nhưng năm nay hoàn toàn khác, khi nhận tin chính thức hoàn thành nhiệm vụ và sẽ được về nhà ăn Tết, thiếu tá Đặng Ngọc Nam lập tức gọi về cho vợ con báo tin sum họp.
Anh nói nửa đùa nửa thật: “Cả nhà ai cũng mừng vui. Giờ chỉ lo chuẩn bị quà cho các cháu. Ở đảo không biết mang gì về, có lần tôi còn mang thịt hộp của lính đảo về làm quà cho con. Năm ngoái tôi không về được, ngày đêm canh gác, tập luyện cùng anh em, tranh thủ lúc rảnh lên máy tính làm cho con tờ lịch. Tờ lịch in hình gia đình đông đủ, in hình lũ nhỏ cười đùa. Nói là động viên lũ nhỏ nhưng thực ra là động viên chính mình”.
Nhà mừng là thế, nhưng đến những ngày chuẩn bị về, tâm sự với tôi qua điện thoại từ An Bang, thiếu tá Nam không giấu nổi cảm xúc: “10 năm ăn Tết ở đảo, lúc này về nhà, tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Những ngày cuối ở An Bang, tôi đi lại, quan sát nhiều. Nhìn hòn đảo khang trang ngày nay mà nao nao nhớ về những ngày khốn khó năm nào. Tới đây gia đình đoàn tụ trong mâm cơm ngày Tết, hẳn sẽ là những nụ cười giòn vang. Nhưng có lẽ cái cảm giác ăn Tết với tiếng sóng rì rầm hòa cùng tiếng cười, tiếng nói của anh em lính đảo lại làm tôi nhớ da diết. Cũng không biết bao giờ tôi mới quay lại hòn đảo này. Khi tôi gắn bó với An Bang lâu nhất và coi nó như một phần máu thịt”.
Thiếu tá Nam nói tiếp: “Chắc chắn người thay vai trò của tôi sẽ làm tốt nhiệm vụ, lo cho anh em cái Tết vừa đề cao cảnh giác lại vừa vui vẻ. Nhưng không được tận tay cắt đặt Tết cùng anh em, nghe anh em giãi bày tâm tư trước Tết, tôi vẫn có cảm giác hẫng hụt”.
Khi bài báo này đến tay độc giả, Thiếu tá Đặng Ngọc Nam cùng những đứa con “không được hỏi bao giờ bố về”, và người vợ tần tảo của anh đã đoàn tụ trong “mùa Xuân đầu tiên” của gia đình. Nhưng cũng trong lúc này, còn hàng ngàn những người lính vẫn ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương mà phía sau họ là biết bao người cha, người mẹ, người vợ, người con đang lặng lẽ đợi chờ và chuẩn bị đón những phút giao thừa qua điện thoại cùng tiếng sóng Biển Đông...
“Ai cũng thế, ngày Tết không được ở bên gia đình, trực tiếp chăm sóc cha mẹ vợ con đều buồn, nhưng sở dĩ tôi có thể kìm nén được vì tôi biết có những giá trị còn cao hơn thế. Đó là yêu cầu nhiệm vụ, là đảo, là biển, là quê hương”- Thiếu tá Đặng Ngọc Nam. |
Thiếu tá Đặng Ngọc Nam gắn bó với Trường Sa gần 15 năm. Cụ thể, anh ra Nam Yết từ ngày 20/12/2000. Tháng 7/2001, anh ra đảo Song Tử. Năm 2003, anh về phòng hậu cần của lữ đoàn làm nhiệm vụ vận tải chuyên cung cấp bảo đảm lương thực, thực phẩm cho Trường Sa. Năm 2006, 2007 anh ở đảo Trường Sa Đông. Năm 2008 anh về chỉ huy đảo Thuyền Chài. Tháng 10/2010 anh về lữ đoàn bảo vệ căn cứ Cam Ranh. Đến tháng 7/2011 anh ra An Bang làm Chỉ huy trưởng cho đến giáp Tết này. |
Mỹ Mỹ
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015