Người quan sát: Thân làm tướng…
(Thethaovanhoa.vn) - … Phải thông thiên văn, tường địa lý và hiểu được lòng quân; phải đọc được tình huống, đoán được thế sự; phải biết khi nào tiến, khi nào lùi; lúc hưng binh chắc thắng mới đánh, đánh là chiếm được. Tướng đánh trận cũng không khác gì tướng trong bóng đá. Thậm chí huấn luyện hay quản lý một đội bóng thời nay, còn phức tạp hơn nhiều dụng binh thời chiến.
Lê Huỳnh Đức đã từng là một vị tướng như thế, bách chiến bách thắng. Nhưng, ít ai ngờ lần quay lại Đà Nẵng với công thần Lê Huỳnh Đức lại lành ít dữ nhiều và trận đấu với Quảng Nam lại là trận đấu “chốt sổ”.
Huỳnh Đức là một trong những tiền đạo hàng đầu trong lịch sử nền bóng đá khoảng 3 thập niên đổ lại. Ông cũng là người có công đầu trong vực dậy bóng đá Đà Nẵng như một thế lực thực sự từ 15 năm qua. Huỳnh Đức là HLV vô địch V-League trẻ nhất trong lịch sử, khi mới 37 tuổi (năm 2009) và ông hoàn thành cú đúp chỉ 3 năm sau đó, khi 40 tuổi.
Người hâm mộ Đà thành lẽ ra phải ghi công Huỳnh Đức, thì ngược lại, có vẻ như vẫn hơi gượng gạo và cầm chừng. Phần lớn họ cho rằng, người có công lớn nhất và duy nhất với bóng đá Đà Nẵng nói riêng và Quảng - Đà nói chung là ông bầu Đỗ Quang Hiển, chứ không phải các vị HLV. Bóng đá bất công ở chỗ ấy, từ trong suy nghĩ!
Lê Huỳnh Đức, về lý, là một người khó gần. Ông cũng không thích tiếp xúc với cánh phóng viên và có lẽ cũng vì lý do này mà cựu chân sút số 1 Việt Nam không được yêu mến trên mặt báo, như thời ông còn là cầu thủ. Một vài hình ảnh của Lê Huỳnh Đức, vô tình hay cố ý, bị méo mó đi và đó là lý do khiến ông cáu bẳn. Cần phải sòng phẳng với nhau như thế.
Lẽ thường thành công của người khác dễ dẫn đến đố kỵ của những kẻ còn lại. Lê Huỳnh Đức kiêu hùng, bởi ông xứng đáng ở vị trí kiêu hùng, ông làm được những điều ít ai làm được. Bóng đá là một thứ ngôn ngữ, và bằng với sự nổi tiếng của mình, Lê Huỳnh Đức đã dùng bóng đá để thực hiện rất nhiều các chuyến đi thiện nguyện, về tận vùng sâu, vùng xa của Thừa Thiên Huế quê ông.
Sự nghiệp thi đấu lẫn khi huấn luyện, Lê Huỳnh Đức từng đưa tay ra với rất nhiều các đồng nghiệp, đồng đội và cả các đàn em, song cũng không ít lần họ phụ lại ông. Và như đã nói, ngay cả khi đã hơn một lần giúp bóng đá Đà Nẵng đạt đỉnh vinh quang, thì Huỳnh Đức vẫn không được ý thức như một công thần thật sự, thậm chí không được đoái công.
Bóng đá không nói trước được điều gì. Chỉ sau khi tiếng còi mãn cuộc vang lên tại Hòa Xuân, bằng chiến thắng đậm tới 6-1 của Đà Nẵng trước Quảng Nam, thì cũng chẳng thể nói chắc tương lai của Huỳnh Đức. Đơn giản, Quảng Nam và Đà Nẵng là những đội bóng được cho là một nhà. Trong quá khứ, đã không thiếu những cuộc chạy tiếp sức, với ngay cả mùa 2017, khi Quảng Nam lên ngôi, thì Đà Nẵng cũng góp phần.
Thế nên, không cần một trận đấu để định đoạt số phận của ai cả. Mà nói thẳng ra, Quảng Nam chưa từng được ngồi “cùng mâm” với Đà Nẵng, khi Lê Huỳnh Đức còn cầm quân, cầm chương. Vì nhiều lý do, Lê Huỳnh Đức sẽ vẫn ở lại Đà thành, bởi ông thuộc về nơi này. Gia đình Lê Huỳnh Đức cũng chuyển ra Đà Nẵng sống từ gần 20 năm qua và họ không có ý định chuyển đi đâu cả.
Đà Nẵng đáng sống đến đâu, ai cũng biết. Và chỉ ở Đà Nẵng, Lê Huỳnh Đức mới được trao đầy đủ “thượng phương bảo kiếm”. Cho đến nay, Lê Huỳnh Đức là HLV Việt Nam duy nhất làm việc liên tục trong hơn 10 năm không ngơi nghỉ, chỉ ở một đội bóng. Đó chính là SHB Đà Nẵng.
Tại sao Huỳnh Đức không thể kéo dài, bằng với 10 năm nữa, mà lại bàn thoái lui? Còn nếu Huỳnh Đức muốn thoái lui, muốn rời khỏi thành phố biển miền Trung, thì khó ai có thể giữ được đôi chân từng ghi nhiều bàn thắng nhất quốc gia này.
CCKM