Người Nhật không còn hào hứng với Olympic Tokyo
(Thethaovanhoa.vn) - Mệt mỏi vì đại dịch Covid-19, mệt mỏi vì Olympic Tokyo 2020 phải dời sang năm 2021, không có gì khó hiểu khi 1/3 người dân Nhật Bản muốn hủy bỏ Olympic Tokyo…
Lí do mà 1/3 người dân Nhật Bản muốn Thế vận hội Tokyo bị hủy bỏ là vì đất nước đang trải qua một đợt gia tăng mới các trường hợp nhiễm virus corona ở các khu vực thành thị và người dân địa phương lo ngại rằng, dòng người nước ngoài đến đây có thể gây ra sự gia tăng đột biến hơn nữa. Đây là kết quả của một cuộc thăm dò do đài truyền hình quốc gia Nhật Bản (NHK) công bố mới đây.
Tâm lí chán nản
Cụ thể hơn, cuộc thăm dò của NHK cho thấy, chỉ 27% số người được hỏi ủng hộ việc tổ chức Thế vận hội vào năm tới, với 32% tán thành việc hủy bỏ và 31% ủng hộ việc hoãn thêm. Những người được hỏi còn lại cho biết họ không chắc chắn hoặc không trả lời.
Bất chấp sự xuất hiện của vaccine mới, tình cảm quốc gia đã thay đổi ít nhiều kể từ mùa hè, khi các cuộc khảo sát ở Nhật Bản chỉ tìm thấy một số ít người ủng hộ kế hoạch tổ chức Thế vận hội vào năm 2021.
Trái ngược với tâm lý tiêu cực của đa số người dân Nhật Bản, các nhà tổ chức Olympic và các quan chức Nhật Bản vẫn loại bỏ khả năng hoãn Thế vận hội thêm nữa, đồng thời cam kết tổ chức Thế vận hội "an toàn và bảo đảm".
"Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng nghỉ để Olympic diễn ra an toàn và bảo đảm", Thủ tướng Yoshihide Suga cho biết trong một phiên họp đặc biệt về virus corona đầu tháng 12 này. Thậm chí, ông Suga nhắc lại quyết tâm của mình trước đây rằng, Olympic Tokyo sẽ là “bằng chứng cho thấy nhân loại đã đánh bại đại dịch".
Cùng chung quan điểm, các nhà tổ chức Tokyo 2020 khẳng định Thế vận hội có thể được tổ chức ngay cả trong bối cảnh đại dịch và họ đưa ra các hướng dẫn như xét nghiệm virus thường xuyên đối với các vận động viên trong trường hợp Thế vận hội có thể được tổ chức ngay cả khi không có vaccine phòng bệnh hiệu quả.
Thế nhưng, công chúng Nhật Bản không bị thuyết phục bởi những điều lạc quan ít ỏi trên.
Một cuộc thăm dò do cơ quan báo chí Jiji công bố hôm thứ Hai cho thấy, 21% số người ủng hộ việc hủy bỏ và gần 30% kêu gọi trì hoãn thêm.
Hơn nữa, một cuộc thăm dò của hãng thông tấn Kyodo được công bố ngày 6/12 cũng cho thấy có tổng cộng 61,2% số người phản đối việc tổ chức Thế vận hội vào năm sau.
Các con số này được đưa ra khi chỉ còn hơn 7 tháng nữa là Thế vận hội bị hoãn dự kiến khai mạc vào ngày mới là 23/7/2021. Tuy nhiên, tâm lý của người dân địa phương cũng có thể được hiểu là do chi phí tăng vọt liên quan đến việc hoãn và các biện pháp y tế.
Ít nhất 2,8 tỷ USD bổ sung đã được thêm vào ngân sách 13 tỷ USD hiện có cho Thế vận hội.
Các nhà tổ chức dự kiến sẽ công bố ngân sách cập nhật vào cuối tháng này, nhưng số liệu của họ về chi phí đầu tư đã bị tranh cãi gay gắt, khi một báo cáo kiểm toán năm ngoái ước tính chính phủ Nhật Bản đã chi gần 10 lần ngân sách ban đầu trong giai đoạn 2013-2018.
Tokyo có sự chuẩn bị tốt nhất
Bất chấp việc tỉ lệ nhiễm Covid-19 cao kỉ lục ở Nhật Bản và các nơi khác trên thế giới, quốc gia Đông Á này vẫn đang tiếp tục với kế hoạch tổ chức Thế vận hội Tokyo 2020 vào mùa hè năm sau. Giữa tháng 11 vừa qua, trước khi làn sóng virus corona bùng phát nữa ở Nhật Bản, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach đã đến Tokyo để kiểm tra các cơ sở vật chất, đồng thời khẳng định Thế vận hội “sẽ là ánh sáng cuối đường hầm tăm tối này”.
Chẳng gì thì chi phí hủy bỏ Olympic Tokyo là quá lớn: Nhật Bản đã chi hơn 13 tỉ USD để chuẩn bị cho Thế vận hội, mặc dù một số ước tính chi phí thực vào khoảng 26 tỷ USD khi đầu tư cơ sở hạ tầng và thêm 1 tỉ USD cho việc hoãn trong năm nay.
Tuy nhiên, theo ông Bach, Tokyo là thành phố chuẩn bị tốt nhất cho Olympic. Nếu mọi người nhìn vào các địa điểm, chúng rất ấn tượng và đầy cảm hứng. Người Nhật đã suy nghĩ về từng chi tiết. Và tôi rất ấn tượng với kiến trúc của Làng Olympic bởi ở đây được thiết kế để thích nghi với những đòi hỏi trong phòng chống virus corona khi không gian đủ rộng cho thực hiện giãn cách xã hội.
Về các biện pháp cụ thể trong phòng chống Covid-19, IOC đang đánh giá tình hình. Theo Chủ tịch IOC, họ có thể bổ sung các công cụ đối phó vào thời điểm diễn ra Thế vận hội, trong đó có những phát triển mới nhất về xét nghiệm nhanh và công cụ tiêm chủng. Hiện tại, một số biện pháp trong báo cáo tạm thời là đeo khẩu trang, hướng dẫn về thời gian ở lại Làng Olympic, không để làng hoạt động hết công suất mọi lúc để tạo điều kiện cho giãn cách xã hội tốt hơn, một trung tâm xét nghiệm trong làng, và nhiều thứ khác.
Nhật Bản thực sự đã lên kế hoạch rất chi tiết và về phía IOC, họ sẽ làm việc rất chặt chẽ với các Ủy ban Olympic quốc gia, với các vận động viên và quan chức. Vì vậy, họ đã có gói biện pháp đối phó từ cả hai phía.
Mặc dù IOC không đưa ra khả năng Nhật Bản tổ chức Thế vận hội là bao nhiêu phần trăm, IOC rất tự tin và cho rằng không có lí do gì để Olympic không diễn ra.
Olympic Tokyo 2021 dự kiến diễn ra từ ngày 23/07 đến ngày 8/8/2021, với 339 bộ huy chương cho 33 môn thể thao. Thế vận hội dự kiến thu hút 11.091 VĐV từ 206 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước đó, Rio 2016 có 28 môn thể thao với 306 bộ huy chương, và Mỹ là đoàn dẫn đầu bảng tổng sắp với 46 HCV, 37 HCB và 38 HCĐ. Tiếp theo lần lượt là Anh, Trung Quốc, Nga, và Đức. Nhật là đoàn thể thao châu Á thành công nhất, khi xếp ở vị trí thứ 6, với 12 HCV, 8 HCB, và 21 HCĐ. *** Thế vận hội Tokyo được bảo vệ thông qua thị trường bảo hiểm thương mại Lloyd's of London, bởi các nhà tái bảo hiểm toàn cầu Munich Re và Swiss Re. IOC bỏ ra khoảng 800 triệu USD bảo hiểm cho mỗi Thế vận hội mùa hè, riêng tổng số tiền bảo hiểm tổn thất cho Thế vận hội 2020 có thể là hơn 2 tỷ USD. Sự gián đoạn gây ra do hoãn Olympic được chi trả bởi chính sách bảo hiểm; những người có khả năng yêu cầu bồi thường thiệt hại tài chính của họ bao gồm các nhà tổ chức địa phương, nhà tài trợ, công ty lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ du lịch. Tổng số tiền tổn thất sẽ không rõ ràng cho đến khi Olympic thực sự diễn ra. |
Mạnh Hào