Người hùng chăn dê trong thảm kịch marathon Trung Quốc
21 vận động viên marathon đã thiệt mạng trong một cuộc đua được tổ chức tại tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Con số thương vong có lẽ sẽ không dừng lại ở đó nếu như không có sự nhanh nhạy, dũng cảm và lòng tốt của một người chăn dê.
Thảm kịch
Ngày 22/5/2021, cuộc đua marathon đường mòn 100km được tổ chức ở khu vực miền núi thuộc tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Trong thông báo một ngày trước đó, Cục Khí tượng Cam Túc đã cảnh báo “mưa dông bất thường, mưa đá, sấm chớp, gió giật mạnh” và các điều kiện thời tiết khắc nghiệt khác sẽ xảy ra trên phạm vi toàn tỉnh.
Nhưng ban tổ chức vẫn quyết định để cuộc đua diễn ra theo kế hoạch. Buổi sáng 22/5, 172 vận động viên đã tập trung tại Công viên địa chất rừng đá sông Hoàng Hà - một điểm du lịch nổi tiếng thuộc quản lý của thành phố Bạch Ngân, để bắt đầu cuộc đua.
Đến khoảng 13h chiều, thời tiết đột ngột biến chuyển bất thường. Rất nhanh sau khi các vận động viên lên núi ở độ cao 1.500-2.300m (so với mực nước biển), thời tiết xấu bắt đầu trở nên rõ rệt. Mưa đá rồi những cơn gió lớn ập về khu vực đồi núi khiến nhiệt độ giảm còn khoảng 3-4 độ C. Đa số các VĐV tham gia cuộc đua marathon chỉ mặc quần đùi và áo chạy. Chiếc chăn cách nhiệt được phát đầu cuộc đua bị gió mạnh xé toạc.
“Gió giật rất mạnh làm các biển báo bị thổi bay, đường xuống núi trở nên mờ mịt. Nhiều người bị ngã do đường trơn, bị lạc đường và hạ thân nhiệt. Chân tay tôi tê cứng. Tôi cố gọi điện cầu cứu nhưng không có sóng. Khi pin điện thoại chỉ còn 2%, tôi bắt đầu muốn gục xuống. Tôi dùng tới tuýp thuốc gây tê cuối cùng còn lại trong túi, đồng thời uống thuốc giảm đau để cố gắng đứng lên. Tôi biết chỉ cần bất tỉnh trên núi, cơ thể tôi có thể đã đông cứng và trở thành một trong các thi thể”- Li Tao, một VĐV tham gia cuộc đua kể lại.
21 người đã thiệt mạng trong thảm kịch này. Ngay cả 2 vận động viên marathon nhà nghề của Trung Quốc cũng trở thành nạn nhân. 151 người sống sót, 6 người trong đó được cứu bởi một người chăn dê 49 tuổi, Zhu Keming.
Người hùng chăn dê
Zhu cho biết khi thảm kịch xảy ra, ông đang trú ẩn trong một cái hang - nơi ông thường dùng để cất quần áo và thực phẩm. Vào khoảng 14h chiều, ông bị đánh thức bởi tiếng kêu cứu.
Đó là một VĐV marathon ướt sũng người vì mưa bão và bị thương ở chân. Zhu đã lấy một chiếc chăn bông quấn cho người này, dìu anh vào hang và đưa anh lại gần đống lửa để sưởi ấm. Ngay sau đó, 4 VĐV khác chạy tới hang, được Zhu dìu vào. “Họ không ngừng run vì lạnh. Dù ngồi cạnh đống lửa, cơ thể họ phải mất một lúc mới có thể đỡ run”, Zhu kể lại.
Biết rằng vẫn còn những người khác bên ngoài, có người đã bất tỉnh, Zhu bất chấp thời tiết đang mưa đá và nhiệt độ bên ngoài dường như đang đóng băng, chạy ra cách hang khoảng 10 mét, cố gắng dò sóng điện thoại để gọi cho đội cứu hộ. Trong lúc đó, Zhu nhìn thấy một VĐV đã gục xuống đất. Người này bị hạ thân nhiệt và đã bất tỉnh. Zhu đã gọi những người trong hang tới dìu người này vào trong. May mắn, người đàn ông đã được cứu sống.
Người đó là VĐV Zhang Xiaotao. “Ông ấy cởi quần áo ướt cho tôi, quấn cho tôi một chiếc chăn bông. Khoảng một giờ sau đó, tôi tỉnh lại. Tôi cảm tạ người chú đã cứu tôi. Nếu không có ông ấy, tôi có thể đã ở đó mãi mãi. Lòng tốt của ông ấy đã khiến tôi được tái sinh và tôi sẽ không bao giờ quên ơn”, Zhang viết trên Weibo sau khi an toàn trở về nhà.
Zhu cứu được 3 vận động viên nam và 3 vận động viên nữ. Họ cùng ngồi sưởi ấm bên đống lửa và dần hồi phục. Khoảng 19h tối, đội cứu hộ đã tìm được đến hang. Zhu tiếc vì đã không thể cứu được nhiều người hơn.
“Tôi không làm bất cứ điều gì đặc biệt”, ông nói. “Bất kỳ ai khác cũng sẽ làm như vậy trong hoàn cảnh đó. Vẫn có một số người không được cứu. Hai người không còn thở nữa và tôi không thể làm gì cho họ. Tôi rất tiếc”.
Hình ảnh của Zhu bên các VĐV được ông cứu sống nhanh chóng được lan truyền trên Weibo - mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc. Người dùng mạng không ngớt ca ngợi hành động dũng cảm, lòng tốt của người chăn dê. “Chú ấy đã giúp 6 người thoát chết. Chú ấy là một người hùng”, một tài khoản chia sẻ.
Bài học
Ngoài việc ca ngợi hành động của người chăn dê, người dùng mạng xã hội Trung Quốc cũng bày tỏ sự phẫn nộ với ban tổ chức cuộc đua.
Nhiều người đổ lỗi cho nhà tổ chức vì lập kế hoạch dự phòng kém. Hơn 84 triệu người đã xem hashtag “Tai nạn marathon ở Cam Túc là tự nhiên hay do con người”, trong khi 130 triệu người tìm kiếm chủ đề xung quanh những lo ngại về an toàn cho các cuộc đua. “Đây hoàn toàn là thảm họa do con người gây ra”, một người viết.
Tổng cục Thể thao Trung Quốc đã tổ chức họp phẩn về vấn đề quản lý an ninh tại các sự kiện thể thao. Cơ quan này tuyên bố sẽ siết chặt quy định an toàn, yêu cầu tất cả các tổ chức phải thiết lập kế hoạch dự phòng chi tiết và tạo ra cơ chế để tạm dừng sự kiện ngay lập tức khi cần thiết.
Trong buổi họp báo hôm 23/5, các quan chức thành phố Bạch Ngân đã gửi lời chia buồn tới những vận động viên thiệt mạng, tự nhận mình “đáng trách” và cúi đầu xin lỗi.
Khánh Đan