Người Hà Nội sẽ phải ứng xử theo chuẩn ở nơi công cộng
(Thethaovanhoa.vn) - Xây dựng những chuẩn mực ứng xử làm nền tảng cho chương trình phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh được thành phố Hà Nội đặt ra từ lâu.
- Nhiều bước chuyển trong văn hóa và con người Hà Nội
- Chuyện Hà Nội: Vài nét phác thảo tính cách người Hà Nội
Định hướng phong cách ứng xử của người Hà Nội
Dù là Thủ đô nghìn năm văn hiến, phong cách ứng xử của người dân mang đậm dấu ấn riêng, song những nét đẹp trong lối sống, giao tiếp của người dân Hà Nội có phần bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi của cuộc sống hiện nay.
Việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cộng đồng của thành phố Hà Nội được đông đảo các cơ quan, đoàn thể cũng như chính người dân thành phố ủng hộ. Bởi trước hết, bộ quy tắc góp phần hình thành những chuẩn mực, giá trị đạo đức, làm cơ sở định hướng, lời nói, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức, hướng đến một thành phố thanh lịch, văn minh.
Thanh lịch, văn minh, hào hoa là văn hóa người Hà Nội. Ảnh: Vea.gov.vn
Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: Bộ quy tắc mang tính chất thông điệp chung, làm căn cứ tuyên truyền, hướng dẫn, động viên, giáo dục mọi người sinh hoạt, ứng xử theo chuẩn mực của xã hội. Chuẩn mực đó được lấy từ thực tế cuộc sống, chắt lọc lại và sắp xếp theo trình tự nhất định.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội (đơn vị thường trực) đã hướng đến những nơi tập trung đông người như khu dân cư, bệnh viện, cơ quan, đơn vị, nơi tổ chức sản xuất kinh doanh, nơi vui chơi giải trí, các hoạt động lễ hội… để xây dựng bộ quy tắc ứng xử. Đây là những nơi mà người dân có nhiều thời gian để sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng.
Hiện tại, bộ quy tắc ứng xử tại các địa điểm công cộng đã xây dựng xong, UBND thành phố Hà Nội sẽ ban hành trong thời gian tới. Bộ quy tắc này có những quy tắc ứng xử chung và quy tắc ứng xử cụ thể cho từng địa điểm như: Tại vỉa hè, lòng đường; tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; khu vực tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; nhà ga, bến tàu, thuyền, bến ô tô; khu vui chơi, giải trí.
Khu vực thứ hai được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tập trung xây dựng bộ quy tắc ứng xử là các cơ quan, đơn vị. Mặc dù rất nhiều nơi đã có những nội quy, quy tắc làm việc, lao động và học tập song chưa quan tâm nhiều đến quy tắc ứng xử.
Ví dụ, tại các đơn vị sản xuất cũng chỉ có các quy định để đảm bảo quy trình sản xuất, nội quy lao động, còn việc ứng xử giữa người lao động với nhau, người lao động với người quản lý chưa được đề cập tới. Một khu vực quan trọng khác là khu dân cư.
Tuy nhiên, khu vực này có thuận lợi là từ trước đến nay đã có những hương ước, quy ước, những chỉ tiêu phấn đấu xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, do vậy có những nếp sống văn minh nhất định. Nhưng việc chuẩn hóa theo bộ quy tắc ứng xử vẫn được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu, xây dựng.
Linh hoạt trong triển khai
Bộ quy tắc ứng xử không có chế tài xử lý nên cách triển khai được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng. Phương thức triển khai của bộ quy tắc là tuyên truyền, giáo dục một cách có hệ thống và áp dụng trên tất cả các lĩnh vực để mọi người cùng hiểu, cùng thực hiện.
Trước mắt, cơ quan văn hóa sẽ triển khai thí điểm tại 1 - 2 địa điểm ở mỗi khu vực, đảm bảo các nơi thí điểm phải có tính điển hình và sẽ tổ chức rút kinh nghiệm. Trên cơ sở đó, các địa phương nhân rộng để bộ quy tắc có thể “ngấm” được vào cuộc sống.
Dựa trên bộ khung mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội xây dựng, các khu vực, cơ quan, đơn vị sẽ tự xây dựng cho mình những tiêu chuẩn riêng để phù hợp với đặc thù của từng nơi. Các đơn vị quản lý phải thực hiện đăng ký, sau đó tuyên truyền, hướng dẫn cán bộ, nhân viên (đối với cơ quan, đơn vị) hoặc hướng dẫn người dân (đối với các điểm công cộng) cùng thực hiện. Chính người quản lý đơn vị phải chịu trách nhiệm về những nội dung đã đăng ký với cơ quan chức năng.
Ông Đỗ Xuân Thủy - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đồng Xuân khẳng định: “Trong một xã hội hiện đại cần phải có quy tắc ứng xử làm chuẩn mực để mọi người hướng tới. Đối với chợ Đồng Xuân, nơi có số lượng người kinh doanh lớn nên rất cần có những quy tắc ứng xử cho phù hợp với văn minh thương mại. Chúng tôi mong muốn sớm có bộ quy tắc ứng xử, khi đó chúng tôi sẽ tiếp nhận, tích cực tuyên truyền đến người kinh doanh”.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, bộ quy tắc ứng xử không thể thay thế cho quy chế, quy tắc, nội quy của những nơi công cộng, của các cơ quan, đơn vị mà là định hướng cho mọi người thực hiện theo đúng quy chế, nội quy. Hay nói cách khác, bộ quy chế chính là lời khuyên dành cho mọi người về cách ứng xử văn minh.
Dự kiến cuối năm 2016, bộ quy tắc ứng xử tại địa điểm công cộng sẽ được thành phố ban hành và đến năm 2017, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội sẽ hoàn thành bộ quy tắc ứng xử tại các cơ quan, đơn vị..
Đinh Thị Thuận/TTXVN