Người đoạt 'vương miện' khảo cổ trên Thung lũng các Vua
(Thethaovanhoa.vn) - Phát hiện khảo cổ của thế kỷ 20! Nhưng bởi ai? Một người nghiệp dư và một tay chơi đã trở nên ngán ngẩm khi về già? Trước đây 95 năm nhà nghiên cứu Ai Cập “không bằng cấp” Howard Carter và Huân tước Carnarvon đã phát hiện ra hầm mộ của pharaon Tutankhamun thuộc Vương triều thứ 18, từng trị vì từ 1333 đến 1324 trước Công nguyên.
- Sẽ phổ cập khảo cổ cho mọi tầng lớp
- Cảm động ‘tâm thư’ của vợ cố tiến sĩ khảo cổ Nishimura Masanari
- Đề nghị đào khảo cổ hàng trăm m2
Cả hai nhân vật nói trên đã trở thành huyền thoại, nhưng cũng có thể một trong hai người này được xem là kẻ cắp.
Khởi đầu gian khó
Thoạt tiên Howard Carter chẳng thấy gì, ngọn nến lay lắt dữ dội trong luồng gió thoát ra từ hầm mộ - vốn là không khí bị giam ở đó hơn 3.000 năm! Khi gió giảm xuống, Carter nâng cây nến lên và đẩy qua lỗ thủng trên vách. Một hồi lâu, lâu đến ngạt thở, không có động tĩnh gì. Rốt cuộc Huân tước Carnarvon không chịu nổi nữa và hỏi như hụt hơi: “Cậu thấy gì?” Và Carter nhẹ nhàng đáp: “Tôi thấy những điều tuyệt vời”.
Cảnh tượng ly kỳ trên kể lại cho hậu thế nghe về đỉnh điểm một tình bạn giữa hai con người sống vì đam mê, cả hai cùng tin vào kỹ thuật như tin Thượng Đế, và cả hai theo đuổi cùng một giấc mơ: lãng tử Howard Carter và kẻ phiêu lưu giàu có George Herbert, Huân tước thứ 5 của xứ Carnarvon. Tên của họ được ghi vào sử sách như những người tìm ra hầm mộ của Tutankhamun. Nhưng họ là ai, trước khi phát hiện ra ngôi mộ đó năm 1922? Tại sao số phận cột chặt họ vào nhau? Và cái gì thúc đẩy họ đào bới ở Thung lũng các Vua, vốn được coi là đã được khai thác cạn kiệt và chẳng còn mong đợi gì mới?
Howard Carter ra đời 1874 ở Norfolk, là em út của 10 anh chị. Cha ông là họa sĩ vẽ chân dung và truyền nghề kiếm ăn cho con út, do cậu quá ốm yếu không đến trường được. Cả đời Carter rồi sẽ đầy mặc cảm tự ti vì chỉ học ở nhà, luôn thấy mình thua kém bạn bè, ngay cả khi được coi là nhà nghiên cứu Ai Cập nổi tiếng nhất thế giới. Ông lẩn tránh mọi tranh luận hàn lâm với các nhà nghiên cứu có học hàm học vị.
Họ tìm thấy nhau
Ít nhất thì Carter cũng thừa hưởng được mười hoa tay từ ông bố họa sĩ. Ở tuổi thiếu niên, Carter được một nữ quý tộc chuyên sưu tập văn thư Ai Cập cổ đã giúp đỡ tài chính và sau này kiếm cho công việc đầu tiên: họa sĩ ở Bảo tàng Anh quốc. Ở đó, thầy của Carter là giáo sư Percy Newberry đem chàng trai 18 tuổi đi cùng đến Ai Cập để sao chép các tranh tường và phù điêu cho mục đích lưu trữ khảo cổ. Trong việc này, Carter chứng tỏ là có năng khiếu, hơn nữa lại còn là người rất kỹ tính, tuy khá chậm chạp.
Carter chậm chạp vì không chỉ sao chép, mà dần dần say mê những gì mình phải vẽ lại. Ai là các thần có đầu thú? Những chữ cái hình nêm bí ẩn có nghĩa gì? Vốn quen tự học ở nhà, Carter nghiền ngẫm và dịch các bản khắc chữ hình nêm, tìm hiểu văn hóa Ai Cập trong giai đoạn Tân vương quốc...
Chẳng mấy chốc các đội khảo cổ khác cũng muốn tuyển dụng Carter. Sir Flinders Petrie đưa Carter tới Amarna, thành phố mà vua Akhenaten xây để cúng thần Aten. Xong việc ở đó Carter lại về bảo tàng, lần này là Bảo tàng Ai Cập ở Cairo. Giám đốc Gaston Maspéro không ngần ngại phong Carter, một người nghiệp dư, làm chánh thanh tra. Cùng một luật sư về hưu giàu có là Theodore Davis, Carter tiến hành khai quật 12 vị trí và đột nhiên nổi tiếng là khắc tinh của lũ kẻ cắp chuyên đào mộ trộm.
Năm 1908, Maspéro giới thiệu Carter với một chủ thể mới tinh trong nghề khảo cổ Ai Cập là Edward Herbert, Huân tước thứ 5 của xứ Carnarvon. Nhà quý tộc này mê ô tô từ khi ở Anh chưa cho phép ô tô chạy. Sau một tai nạn lật xe, Huân tước Carnarvon bị thương nặng và khó phục hồi ở khí hậu ẩm lạnh của Anh. Các bác sĩ khuyên ông sống qua mùa Đông ở sa mạc Ai Cập. Xa khung cảnh chơi bời của giới đại gia, Huân tước Carnarvon buồn chán và bắt tay vào… khảo cổ, để giải khuây!
Bạn hay thù?
Giữa hai kẻ mê say kỹ thuật nhanh chóng nảy nở một tình bạn thân thiết. Họ không chỉ có mối quan tâm giống nhau, mà còn mơ có ngày tìm ra mộ pharaon Tutankhamun, vốn được coi như vương miện của ngành khảo cổ. Năm 1914, vì Thế chiến I nổ ra, Davis trả lại giấy phép khai thác Thung lũng các Vua. Carter và Huân tước Carnarvon mua lại ngay, dự cảm giấc mơ của mình đã gần thêm một bước.
Họ đào bới 5 mùa Đông liền, cho đến khi chính Huân tước Carnarvon muốn bỏ cuộc. Carter giận giữ quát vào mặt bạn mình: “Nếu cậu không đi cùng, tớ sẽ làm một mình!”, dù biết rằng không đủ tiền cho năm thứ 6. May thay, Huân tước Carnarvon ăn năn quay lại.
Ở chi tiết này các nhà biên sử không nhất trí, liệu Carter có diễn trò: có thật là chỉ ba hôm sau họ ngẫu nhiên đào trúng lối vào hầm mộ? Hay Carter đã biết từ nhiều tháng trước - như một người em cùng cha khác mẹ của Huân tước Carnarvon cả quyết?
Sau cửa vào đầu tiên, người ta vấp phải một đống rác rưởi kỳ lạ, và trên nền bụi có cả dấu giày - Carter đã vào đây và không dọn dẹp? Hay Carnarvon? Hay của một tên đào mộ trộm ngày xưa? Sau này một chuyên gia hình sự xác định đó là dấu giày đời mới, vì loại gót giày đó không có thời Ai Cập xa xưa.
Trong làng buôn nghệ thuật liên tục xuất hiện các cổ vật được đoán là từ mộ của pharaon Tutankhamun, nhưng không hề được ghi nhận ở đó. Riêng bảo tàng nghệ thuật Metropolitan Museum of Art ở New York sở hữu 20 cổ vật. Kansas City, Brooklyn, Cleveland - hầu như bảo tàng nào có máu mặt cũng được chào hàng, khiến nghi vấn ngày càng rõ rệt, rằng ai đó đã chăm chỉ khai thác trước khi Carter lập ra danh mục đồ quý trong hầm mộ. Hay… kẻ cắp đó chính là Carter?
Câu đố thế kỷ
Có một người tin tưởng Carter, dù mọi buộc tội hình như có căn cứ. Đó là Jaromir Malek. Không ai khác nghiên cứu cuộc đời Carter kỹ lưỡng như giám đốc Viện Griffith ở Oxford, và trong tay ông có toàn bộ các văn bản viết tay, các danh mục, các hình vẽ và nhật ký của Carter trong quá trình đào bới ở Ai Cập. Malek không tin là Carter đánh cắp cổ vật từ mộ vua Tutankhamun, đơn giản vì lời buộc tội ấy quá vô lý, khi biết Carter bỏ 10 năm cuộc đời mình để ghi chép từng động tác, vẽ lại từng chi tiết dù nhỏ nhặt nhất, với sự chỉn chu mà không trái tim đen tối nào có nổi.
Cho đến nay, đa số các cổ vật trong hầm mộ của Tutankhamun chưa được nghiên cứu và đánh giá một cách khoa học. Carter tìm thấy và ghi chép - đó là việc của ông, một người nghiệp dư thừa hành - chứ ông không phân tích và so sánh. Sau này Carter thổ lộ với một người bạn rằng ông đã mất hết hứng thú xuất bản các ấn phẩm khoa học. Thay vào đó ông đi khắp nơi thuyết trình với giá cao và trở thành nhà buôn đồ cổ có hạng.
Về cuối đời Carter không có nhiều bạn. Ông mất ngày 2/3/1939 ở London trong cô đơn, để lại một di chúc đã viết từ mấy năm trước. Tài sản cá nhân của ông được chuyển cho một cháu gái là Phyllis Walker. Sự thực là trong đó có một số đồ vật được đoán khá chắc chắn là từ mộ Tutankhamun. Carter đã… ? Hay các đồ vật đó do Huân tước Carnarvon để lại, và Carter giữ bí mật về chúng chừng ấy năm, để không tổn hại danh tiếng bạn mình?
Câu trả lời được Carter đem theo xuống mộ, nhưng chúng đè nặng lên vai cháu gái mình. Như Carter cả đời tránh tranh luận với giới hàn lâm, sau khi chết ông để lại cả đống việc cho hậu thế.
Trên tấm bia mộ ông không có ngày sinh lẫn ngày mất. Chỉ có số “1922”, thời điểm tìm ra mộ Tutankhamun. Có lẽ nhân loại chỉ cần nhớ đến ông như Howard Carter, người phát hiện hầm mộ Tutankhamun vào thời điểm đó.
Lê Quang
Thể thao & Văn hóa