Nghĩ về truyện cổ tích: Chỉ khi soi gương ta mới nhận ra vẻ mặt của mình
(Thethaovanhoa.vn) - … và chỉ khi đã đi vòng quanh thế giới ta mới nhận ra quê hương mình là nơi đẹp nhất.
1. Thu Đông năm 1982 tôi được học tập ở ngôi trường tại một lâu đài cổ, nằm sâu trong vùng rừng núi phía nam nước Cộng hoà dân chủ Đức (cũ). Trong thời gian học tập thường vào những dịp cuối tuần nhà trường tổ chức những cuộc giao lưu với các đoàn quốc tế như Đoàn thanh niên Ba Lan, Đoàn thanh niên Áo... Tuần đó chúng tôi đã được gặp gỡ với các bạn thanh niên Đan Mạch. Đó là một buổi tối có tuyết rơi, gió rất lạnh, rừng núi âm u bí ẩn.Chúng tôi cùng ngồi uống trà nóng, tôi nói bằng tiếng Anh với các bạn:
- Tôi đã đọc và rất thích truyện cổ tích Andersen.
Các bạn Đan Mạch lắng nghe giọng nói tiếng Anh không chuẩn của tôivà ngay lập tức cùng reo lên: “Andersen! Andersen!”.
Khuôn mặt của những người bạn Đan Mạch trắng hồng rực rỡ lên, ánh mắt xanh biếc như mầu nước biển và thật là bất ngờ… Buổi tối đó chúng tôi được xem một vở kịch câm diễn truyện Nàng công chúa và hạt đậu. Dường như có một ngôn ngữ kỳ lạ truyền cảm từ ánh mắt, từ những ngón tay, từ một dáng nghiêng nghiêng khiến cho mình vừa bật lên tiếng cười vừa trào nước mắt …một nỗi cảm thông thiêng liêng tràn ngập hồn người khi bước vào thế giới TRUYỆN CỔ TÍCH.
Ngay lúc ấy khi nhìn ra ngoài vườn cây đang rung rinh trong mầu trắng xóa của tuyết tôi cảm thấy như có bóng dáng của một người cao gày mặc tấm áo đen vừa lướt qua cửa sổ…Hans Christian Andersen…
2. Tôi biết đến truyện cổ tích Andersen lần đầu tiên ở một góc nhà trên sàn gỗ ọp ẹp nơi phố cổ Hà Nội. Vào một buổi tối mùa Đông mưa rơi mờ mịt đường phố, tiếng gió thổi âm u rào rạt trên cành lá của cây đa cổ thụ bên đền Bà Kiệu như đang thủ thỉ trò chuyện về một tổ chim yểng già đã từng trú ngụ ở đó mấy trăm năm...
Trong căn gác nhỏ được thắp sáng bởi ngọn đèn điện sợi đốt, ánh sáng tỏa ra từ dây tóc mảnh dẻ một màu vàng khè sáng yếu ớt.Trong tiếng mưa rơi đập vào cánh cửa sổ gỗ ọp ẹp, tiếng bà ngoại tôi tụng kinh niệm Phật lúc to lúc nhỏ hòa nhịp với tiếng mõ cốc, cốc, cốc... Rồi thỉnh thoảng hết một đoạn, bà tôi lại thỉnh một tiếng chuông nhỏ ngân nga.
Trong không khí trầm mặc đậm chất Á Đông ấy tôi ngồi đọc truyện Chú lính chì dũng cảm trên những trang báo còn vương cả dấu vết những vết sợi tre nứa của loại giấy mộc thô ráp. Thế mà những chữ ở đó đều tăm tắp chữ nào ra chữ nấy sắc nét gọn gàng, đó là trang báo Văn của Hội Văn nghệ Việt Nam hình như khoảng năm 1958, 1959…
Ngày ấy tôi là một cô bé gầy còm áo quần chưa đủ ấm, trời lạnh khiến nước mũi chảy ròng ròng. Thế mà đôi mắt tôi đã bị con chữ cuốn hút với hình ảnh chú lính chì cuối cùng của một đội lính chì trong một hộp đồ chơi, do thiếu chì nên chú chỉ có một chân.
Mặc dù khuyết tật nhưng chú vẫn luôn đứng thẳng bồng súng hiên ngang. Rồi, chú nhìn thấy một ngôi nhà đồ chơi bằng giấy, một tòa lâu đài tuyệt đẹp trong đó có một cô vũ nữ ba lê đang đứng trên mũi 1 bàn chân còn một chân thì giơ lên cao. Điều ấy khiến chú lính chì tưởng rằng nàng cũng một chân như chú. Thế là chú sung sướng nhìn nàng vì chú đã tìm được một người giống mình.
Bỗng một con quỷ xồ ra từ một hộp đồ chơi khác. Thế là chú lính chì trải qua một cuộc phiêu lưu: Rơi xuống cống đen ngòm, chui vào bụng cá, con cá có chú lính trong bụng lại bị bắt về chợ, và rồi chú lính chì trở về với căn nhà cũ. Về với những đồ chơi của các em bé trong căn nhà ấy, chú sung sướng được nhìncô vũ nữ ba lê vẫn đang đứng ở giữa cửa tòa lâu đài bằng giấy. Nàng vẫn đứng trên 1 chân và chân kia vẫn giơ lên...
Chú lính chì cảm động lắm nhưng chú không thể tuôn trào những giọt nước mắt bằng chì... Rồi, chú lính chì bị 1 cậu bé ném vào lò sưởi đang cháy rực...chú cảm thấy nóng ghê gớm, không hiểu là nóng do lửa đốt hay do tình yêu, chú không biết nữa...Và, trong khi chú đang tan chảy thì một cơn gió lùa đã cuốn cô vũ nữ bằng giấy bay thẳng vào lò sưởi tới chỗ chú lính chì, nàng bắt lửa và tiêu tan...
Ngày ấy khi đọc truyện, tôi còn bé dại nên chưa thực sự hiểu những điều gì lấp lánh trong câu chữ. Nhưng, trái tim tôi rung rinh những nhịp đập vừa vui, vừa buồn vừa hồi hộp vừa xót xa nuối tiếc... lòng dạ nao nao khi đọc đến những dòng cuối cùng đại ý là: Trong đống tro tàn vào sáng hôm saungười tathấy chú đã thành một trái tim nhỏ bằng chì...Có một cái gì thật ấm nóng tỏa ra từ con chữ khiến tôi ôm lấy tờ báo ấy, có lẽ sức nóng từ câu chuyện cổ tích đó đã sưởi ấm tâm hồn non nớt của tôi trong buổi tối mùa Đông Hà Nội giá buốt...
Chưa bao giờ tôi băn khoăn thắc mắc rằng tại sao tôi lại có thể thấm thía vui buồn với một câu chuyện ở một nước xa lạ với tôi, xa lắm, ở tận Bắc Âu một vùng biển lạnh giá đầy băng tuyết, một nơi mọi trẻ con đều đi lễ nhà thờ chứ không theo bà lên chùa như tôi?
VIDEO "Tấm Cám" Phần 1 (Nguồn: Truyền hình Vĩnh Long):
Kho tàng Cổ tích Việt Nam: Thạch Sanh, Tấm Cám... được chuyển thể thành hoạt hình 3D
3. Tôi đã từng sống với thế giới tưởng tượng của bà tôi, với ông Bụt hiền của truyện Tấm Cám. Mỗi khi gặp phải chuyện buồn khiến tôi khóc thút thít, tôi tưởng như có ông Bụt đến bên mình và hỏi: "Làm sao con khóc?", chỉ nghĩ thế thôi cũng đủ thấy mình được an ủi rồi.
Sống trong sự giáo dưỡng của bà tôi thì thế giới xung quanh mình vạn vật đều có linh hồn. Cái cửa gỗ cũ kĩ kêu cọt kẹt, những viên ngói trên mái nhà rêu phong, cả con nhện đang giăng tơ ở một góc tường... tất cả đều có thể trò chuyện và chia sẻ buồn vui với một đứa trẻ có những lúc nhảy nhót chơi đùa nhưng cũng có nhiều khi chỉ ngồi một mình trầm lặng nhìn mọi vật và nghĩ ngợi về những điều không thể nhìn thấy được.
Một thế giới không nhìn thấy mà lại cảm thấy được, những người phi thường có thể xuất hiện giữa đời thường, nghĩa là có tiên, có bụt, có quỷ có ma, người chết đi có thể biến thành chim vàng anh, có thể chui vào quả thị như cô Tấm,và dù có chết đi chết lại rồi vẫn có thể bước từ quả thị ra và xinh đẹp hơn xưa.
Tôi đã được biết về sự chết, một con chim sẻ chết, những con cá chết nổi lên mặt nước Hồ Gươm và những người thân yêu nằm trong quan tài ra đi trong tiếng kèn đám ma rầu rĩ và tiếng khóc thê lương...Chết là chết, không thể sống lại được. Thế nhưng tôi vẫn tin có truyện cổ tích, tôi vẫn nhìn vào những đóa hoa quất trắng muốt nở trong mưa lạnh và tin rằng ở trong đó có những cô tiên...
Có lẽ tôi cũng như nhiều trẻ em khác đã tự tạo ra "một thế giới tưởng tượng trong tâm hồn" và như bao đứa trẻ, tôi đã tiếp nhận truyện cổ tích của Andersen dễ dàng với một niềm vui hân hoan như được đi chơi vào một xứ sở diệu kỳ hấp dẫn có những cô bé tí hon nằm ngủ trong cánh hoa hồng, có nữ thần băng giá, có nàng tiên cá...
4. Tôi đến với truyện cổ tích Nàng tiên cá khi đã là một thiếu nữ. Đó là những ngày chiến tranh, không lực Hoa Kỳ ném bom khắp miền Bắc Việt Nam, tôi đã giã từ phố cổ Hà Nội đi đến một miền quê Kinh Bắc,vùng Thuận Thành. Đó chính là nơi đất cổ Luy Lâu (vào thế kỷ 1, Luy Lâu là trung tâm văn hóa chính trị của Giao Châu - nước Việt cổ). Nơi ấy có chùa Dâu (xã Thanh Khương - huyện Thuận Thành) và có Hội Dâu là sự kết hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa của người Việt. Nơi ấy cũng là nơi có trường học chữ Nho đầu tiên, ghi công đức của vị Nam Giao học tổ Sĩ Nhiếp (137-226). Ngày nay Đền và Lăng Sĩ Nhiếp còn ở thôn Tam Á, xã Gia Đông, huyện Thuận Thành.
Vâng, ở cái nôi của Phật giáo và Nho giáo Việt Nam ấy, trong một làng nhỏ được bao bọc bởi lũy tre xanh, dưới mái nhà lợp rạ đầy lá tre khô rơi, tôi đã đọc Nàng tiên cá của Andersen bằng ánh sáng ngọn đèn dầu, bên tai rì rào tiếng lá tre reo lên trong gió Thu hiu hắt. Và, tôi đã hòa cả tâm hồn mình vào tâm hồn Nàngtiên cá, cùng thốt lên nỗi khát khao từ đáy biển sâu thẳm muốn vươn lên thế giới con người: "Ôi, ước gì mình 15 tuổi. Chắc chắn mình yêu thế giới trên kia biết bao, và cả những con người sống trên đó".
Thế rồi tình yêu đã khiến Nàng tiên cá có một cuộc dấn thân tuyệt đẹp, dấn thân đến tận cùng...Nàng đã không biến thành bọt biển, nàng đã trở thành cô gái của không trung không có cánh, nhưng do nhẹ như lông hồng, nên bay bổng lên trời...Những cô gái không trung nói với nàng tiên cá rằng: “... Tiên cá không có linh hồn bất tử - mà chỉ có thể có được - nếu được một con người yêu thương. Cuộc sống vĩnh viễn của tiên cá phụ thuộc vào một quyền lực bên ngoài. Những người con gái của không trung vốn cũng không có linh hồn bất tử, nhưng có thể tự tạo ra linh hồn bất tử do làm điều thiện...".
Từng câu chữ từng chữ từ Nàng tiên cá của Andersen đã thực sự hút hồn tôi, khiến tôi say mê một vẻ đẹp lãng mạn, một khát vọng dấn thân làm điều thiện để thoát cái nỗi khổ của đời. Nếu đọc ra những thông điệp từ nhà văn Đan Mạch thì ta như bắt gặp lại những câu thơ Kiều của Nguyễn Du: "Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao" cũng giống như"Cuộc sống vĩnh viễn của tiên cá phụ thuộc vào quyền lực bên ngoài"!Và rồi "Thiện căn ở tại lòng ta"...cũng giống như các những cô gái không trung đi làmviệc thiện để mong có linh hồn bất tử. Phải chăng vì những điểm tương đồng như từ nguyên thủy con người chưa hề phân biệt Đông- Tây mà hàng triệu thanh thiếu niên Việt Nam đã có thể trở thành người bạn thân thiết với truyện cổ Andersen.
- Nhớ về điện ảnh Việt Nam nửa cuối thập niên 1980 (Kỳ 1): Không khóc ở 'Truyện cổ tích cho tuổi 17'
- HTV3 Dreams TV làm mới loạt phim truyện cổ tích Việt Nam 'Rồng rắn lên mây'
- Triển lãm tranh cắt giấy của nhà văn Andersen: Hấp dẫn không kém… truyện cổ tích
5. Tôi thuộc về một lớp người đã lớn lên và trưởng thành trong những năm tháng khốc liệt và gian khổ của lịch sử Việt Nam 1954-1975. Đã có không ít giấy mực viết về nhân cách con người Việt Nam trong những năm tháng đó, trong bài viết này nếu tôi nêu ra một ý kiến rằng chính những tác phẩm văn học như Truyện Kiều, như Truyện cổ tích Andersen đã làm nên nền tảng nhân văn cho một lớp người trẻ tuổi ngày ấy thì chắc cũng không phải là một ý kiến vu vơ? Vâng, "lớp người trẻ tuổi ngày ấy" là cả những sinh viên Phật tử tranh đấu ở Huế, ở Sài Gòn. Là cả những thanh niên hát khúc quân hành vượt Trường Sơn và cả những thanh niên hát những ca khúc phản chiến của nhạc sĩ họ Trịnh. Họ đều mang khát vọng dấn thân xã hội với những tình cảm nhân văn dào dạt. Chắc chúng ta đều biết Nhật ký Đặng Thùy Trâm và câu nói của người sĩ quan Việt làm phiên dịch cho người Mỹ: "Đừng đốt, trong ấy có lửa". Câu chuyện đó chính là một minh chứng hùng hồn cho sự đồng cảm nhân văn của "lớp người trẻ tuổi ngày ấy".
Trong bài viết nhỏ này tôi không có tham vọng nói về những vấn đề lớn lao mà chỉ muốn đi sâu vào thế giới tưởng tượng của thi ca và truyện cổ tích và tuổi thơ. Phải chăng ngày nay con người sống trong một thế giới được lý giải bằng tư duy lý trí, bằng phép suy luận logic và người ta nhìn mặt trăng là một hành tinh đầy đá sỏi lạnh lẽo...con người là một thể xác trần trụi, mọi sinh vật chỉ là những món thực phẩm, và toàn thế giới chỉ tuân theo một bàn tay vô hình điều khiển đó là sức mạnh đồng tiền...vì vậy thế giới truyện cổ tích thần tiên sẽ sụp đổ?
Con người hôm nay (trong đó có trẻ em) dù được sống trong một thế giới hiện đại với những tiện nghi trang bị máy móc tối tân với những tài khoản ngân hàng tiền tỷ... vẫn phải hàng ngày hàng giờ đối mặt với những tai nạn, nỗi đau khổ và cái chết...Người ta vẫn đi đến những bế tắc tột cùng trước những sự kiện ngẫu nhiên ngoài tư duy lý trí, ngoài sự tính toán chính xác nhất của con người...
Con người và đời sống tự nhiên còn rất nhiều bí ẩn, chính vì vậy trí tượng tưởng và thế giới truyện cổ tích vẫn tồn tại trong nền tảng văn hóa nhân loại, làm chỗ dựa tinh thần cho người ta có thể là suốt cuộc đời.Thông qua việc tiếp nhận truyện cổ tích không chỉ của dân tộc cội nguồn của mình, không chỉ của riêng nền văn hóa bản địa mình đang sống,trẻ em đã tự mình thực hiện một cuộc hội nhập văn hóa. Các em tự mình bước qua ngưỡng cửa ngôi nhà quê hương để ra một sân chơi liên văn hóa, để sống trong một thế giới giao lưu rộng mở hiện đại.Và, chỉ trong giao lưu, trong cọ xát, văn hóa của chính bản thân mình mới có thể trưởng thành. Bởi vì chỉ khi soi gương ta mới nhận ra vẻ mặt của mình, và chỉ khi đã đi vòng quanh thế giới ta mới nhận ra quê hương mình là nơi đẹp nhất.
Lê Phương Liên