Nghĩ về cuộc chia tay với 'giáo sư quần đùi' Trương Nguyện Thành
(Thethaovanhoa.vn) - GS Trương Nguyện Thành, Phó Hiệu trưởng điều hành, Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), vừa chia tay với cơ sở đào tạo này để trở về Mỹ, nơi ông có nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy ở một trường ĐH công khá uy tín.
- GS ĐH Hoa Sen mặc quần đùi: Phải là người yêu bài giảng mới làm như vậy
- Chuyện thầy Phó Hiệu trưởng trường ĐH Hoa Sen: Quần soóc, áo vest và sự sáng tạo
Cuộc chia tay ấy đang khiến báo giới tốn khá nhiều giấy mực. Liên tục, những thành tích của GS Thành về nghiên cứu và giảng dạy, cũng như các giải thưởng khoa học tại Mỹ được liệt kê. Thậm chí, nghị lực của ông cũng được kể lại, khi mà GS Thành đã vươn lên từ một cậu bé đi làm thuê và bán thuốc lá dạo tại Sài Gòn từ 40 năm trước để có vị trí như bây giờ.
Cách mà dư luận nói về GS Thành bây giờ không giống với một năm trước.
Tháng 4/2017, ở thời điểm vừa về ĐH Hoa Sen được vài tháng, GS Thành xuất hiện với... chiếc quần đùi kẻ ca rô và một đôi dép đã mòn vẹt, trong giờ giảng dạy trước sinh viên. Không có gì lạ, khi trong bộ trang phục ấy, GS Thành nhận được khá nhiều “gạch đá” từ cộng đồng mạng vì lý do thiếu tôn trọng sinh viên. Bức xúc, có ý kiến nặng lời còn khẳng định: ông Thành có thể là GS về chuyên môn nào đó, nhưng chắc chắn không phải là GS về... văn hóa.
Để rồi, khi nhiều sinh viên từng trực tiếp nghe giảng (và... chiêm ngưỡng GS Thành) trong chiếc quần đùi lại có những đánh giá vô cùng tích cực về bài dạy của ông và lên tiếng đề nghị dư luận cùng đọc kỹ các thông tin, thay vì dừng ở các tít báo và hình ảnh một vị GS trong chiếc quần cộc.
Như những gì được chia sẻ, GS Thành mặc trang phục ấy với lý do: ông muốn có những ví dụ sinh động khi giảng về sự sáng tạo của tư duy. Cụ thể, theo GS, sự sáng tạo trước hết nằm ở việc thoát khỏi những rào cản cố hữu về cách nghĩ. Điển hình, không sinh viên nào ngờ, ông có thể “sáng tạo” ra cách mặc quần cộc với áo vest.
Dư luận nguôi ngoai dần, dù vẫn có những ý kiến tỏ ra nhất mực không đồng tình với cách “lấy ví dụ” này.
***
Bây giờ, cuộc chia tay của GS Thành với ĐH Hoa Sen hẳn cũng diễn ra trong yên lặng, nếu vài ngày trước, báo giới không đưa tin về một câu chuyện khác: GS Thành không thể trở thành Hiệu trưởng của ĐH Hoa Sen, dù đã được trường đề cử. Lý do: theo Luật giáo dục ĐH, ông chưa đạt đủ tiêu chuẩn 5 năm kinh nghiệm quản lý cấp khoa/phòng của một cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. (Như giải thích từ ngành giáo dục, quãng thời gian ông Thành làm quản lý tại ĐH ở Mỹ không được công nhận vì thiếu cơ sở pháp lý).
Trong thư gửi trường ĐH Hoa Sen, GS Thành thẳng thắn công nhận rằng đó là điều đáng tiếc, ngoài mong đợi của mình. Và ông quyết định “tạm gác giấc mơ đóng góp cho phát triển giáo dục đại học Việt Nam tại đây, để trở lại giảng dạy và nghiên cứu ở Mỹ”.
Trong sự tiếc nuối từ độc giả, đã có rất nhiều ý kiến băn khoăn về sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt của những quy định, chính sách liên quan tới giáo dục hiện thời. Ngắn gọn, những người như GS Thành xứng đáng được đặc cách riêng, để làm tiền đề tạo điều kiện cho những đóng góp của họ với quê hương mình.
Những ý kiến ấy chẳng có gì sai. Nhưng người viết cũng không muốn “trút giận” lên ngành giáo dục trong câu chuyện này, như cách mà nhiều người đang làm.
Thẳng thắn, với những gì mà dư luận đang nhắc tới, nếu ở lại Việt Nam, có lẽ GS Thành sớm muộn cũng sẽ nhận được sự đặc cách – mà ông xứng đáng được hưởng – để trở thành hiệu trưởng và toàn tâm toàn ý để phát triển cơ sở này theo nguyện vọng của mình. Nhưng ông chọn cách ra đi.
Trong bài giảng cùng chiếc quần đùi vào năm trước, GS Thành có nói rằng phải vượt qua những định kiến xã hội, những gò bó trong ý tưởng, những gì chúng ta cho là được và không được... thì sáng tạo mới nảy sinh.
Chuyện về chiếc ghế hiệu trưởng chỉ là bề nổi. Có lẽ, ông, và cả chúng ta, đều tiếc nuối nhận ra: thông điệp từ chiếc quần đùi ấy chưa đủ sức để vượt qua những rào cản cố hữu chỉ trong một sớm một chiều.
Cúc Đường