Nghi vấn lừa đảo trong vụ ép giá bèo bút tích của Beethoven
(Thethaovanhoa.vn) – Chuyên gia từng tố cáo tổng phổ “do chính Beethoven sáng tác và viết tay” là hàng giả, nay lại muốn mua lại nó với giá bèo.
- Bản giao hưởng bất hủ mọi thời đại: 'Beethoven thì chỉ có một'
- Beethoven đã vượt Mozart để trở thành nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất
- “Beethoven rởm” của Nhật Bản lên phim tài liệu
Tổng phổ nhịp hơi nhanh viết ở gam Si thứ, được nhà đấu giá Sotheby tuyên bố là bút tích của chính Beethoven, đã không thể mang ra buổi đấu giá hồi đầu tuần này sau khi hai chuyên gia cho rằng sự khác biệt trong các ký hiệu âm nhạc là bằng chứng cho thấy tổng phổ này không thể là tác phẩm của nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức.
Sự việc gần đây càng thêm ồn ào khi một trong hai chuyên gia nói trên, tiến sĩ Michael Ladenburger, người đứng đầu tại bảo tàng Beethoven-Haus ở Bonn, sau đó đã cố gắng thuyết phục chủ sở hữu tổng phổ bán lại với giá 900 euro (khoảng 757 bảng). Trong khi đó, giá mà Sotheby định rao lên tới 200.000 bảng.
Trước đó, phát biểu tại một buổi họp giữa các chuyên gia về Beethoven, chuyên gia âm nhạc này đã tố cáo tổng phổ 200 năm tuổi chỉ là bản sao lại.
Tổng phổ được cho là do Beethoven sáng tác năm 1817
Một học giả hàng đầu khác, Otto Biba, giám đốc Gesellschaft der Musikfreunde – một trong những thư viện nghiên cứu âm nhạc hàng đầu châu Âu, nói rằng đây là động thái xung đột lợi ích và vi phạm đạo đức học.
Khi được tờ Telegraph đề nghị giải thích hành động của mình, tiến sĩ Ladenburger nói: “Tôi bác bỏ cáo buộc của chủ sở hữu, bởi tôi được biết tới là một chuyên gia nghiêm túc và độc lập. Những cáo buộc này đơn giản là không công bằng và không thích hợp”.
Tổng phổ gây tranh cãi được cho là viết vào năm 1817, trong đó có một dòng chữ tuyên bố nó được “sáng tác và viết bởi chính Beethoven”.
Nó trông giống như bản nhạc được tìm thấy ở một lâu đài tại Cornwall năm 1999, do Beethoveen đưa cho Richard Ford. Một bản viết tay từ thế kỷ 19 và Sotheby đã bán nó với giá 166.500 bảng.
Các chuyên gia được ủy quyền từ nhà đấu giá, trong đó có giáo sư Biba, tin rằng đây là bản thảo được trao cho một trong những người bạn đồng hành của Ford, Đức cha John Abbiss, trong cùng chuyến đi.
Tiến sĩ Michael Ladenburger, người đứng đầu bảo tàng Beethoven-Haus ở Bonn
Người thứ hai không đồng ý với kiểm định trên là giáo sư âm nhạc từ Đại học Manchester Barry Cooper, nói rằng có sự khác biệt trong các ký hiệu âm nhạc, và cho đây là bản mà Đức cha Abbiss sao lại từ tổng phổ gốc của Ford.
Giáo sư, người “hoàn toàn chắc chắn bản thảo không phải do Beethoven viết”, tuyên bố rằng các dấu hoàn trong bản nhạc trông không giống như Beethoven thường viết. Ngay cả vạch nhịp kép ở cuối tổng phổ cũng không theo kiểu Beethoven.
Giáo sư Biba khẳng định các ý kiến bất đồng là sai, và nói rằng ông sẽ cố gắng thuyết phục các nhà tài trợ tài trợ 150.000 bảng để mua lại tổng phổ này.
“Nếu tôi gây quỹ được 150.000 bảng, tôi sẽ mua nó ngay lập tức”, ông nói. “Mọi thứ đều đúng. Theo ý tôi, tất cả đều phù hợp. Đều là những điển hình của Beethoven”.
Giám đốc Gesellschaft der Musikfreunde, giáo sư Otto Biba
Ông cho biết đã kiểm tra lại các dấu hoàn bị coi là không khớp với các bản thảo của Beethoven trong kho lưu trữ khổng lồ của mình.
“Tôi đã tới phòng lưu trữ và lấy bản thảo tốt nhất của Beethoven viết cùng thời kỳ”, ông nói. “Tôi thấy những dấu hoàn giống nhau”.
Ông cũng tuyên bố ký hiệu cuối tổng phổ không phải là vạch nhịp kép mà là viết tắt của “etcetera” mà Beethoven dùng dể ám chỉ bản nhạc chưa hoàn thành.
Giáo sư Biba khẳng định: “Nếu anh nắm rõ các bản viết tay thời kỳ đó, tất nhiên đây là ‘etcetera’. Nhưng nếu không nắm rõ, anh có thể nghĩ đó là vạch nhịp kép”.
Thư Vĩ