Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020
(Thethaovanhoa.vn) - Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 85/2019/QH14 Về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Theo đó, mục tiêu tổng quát là: "Tập trung ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng điểm; phát huy vai trò của các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn.
Phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chủ động thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội. Củng cố quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo quốc gia và môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; nâng cao uy tín và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế. Triển khai và tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên; thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á năm 2020, Chủ tịch Đại hội đồng lần thứ 41 Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021."
Nghị quyết đề ra 12 chỉ tiêu chủ yếu, bao gồm tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Bên cạnh đó, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị dưới 4%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 25%. Ngoài ra, chỉ tiêu về số giường bệnh trên 10.000 dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 28 giường bệnh, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,7%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 90% và tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%.
Để đạt được các chỉ tiêu trên, Quốc hội cơ bản tán thành nhiệm vụ, giải pháp do Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình và các cơ quan của Quốc hội kiến nghị trong các báo cáo thẩm tra, giám sát chuyên đề. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu tại Kết luận số 63-KL/TW ngày 18/10/2019 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019; phương hướng, nhiệm vụ năm 2020.
Đồng thời, Chính phủ và các cơ quan liên quan có trách nhiệm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập; thu hút mạnh mẽ nguồn lực trong nước, phát triển mạnh kinh tế tư nhân; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phấn đấu kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước; bảo đảm công khai, minh bạch và tăng cường tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; bảo đảm tỷ lệ chi ngân sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt Nam.
Bên cạnh đó, Quốc hội đề nghị cơ cấu lại nền kinh tế thực chất hơn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ; khẩn trương triển khai Luật Đầu tư công năm 2019; tiếp tục triển khai cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, quyết liệt xử lý các ngân hàng yếu kém; thực hiện theo lộ trình việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung tháo gỡ vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao hiệu quả hoạt động các doanh nghiệp sau cổ phần hóa, tối đa hóa lợi ích nhà nước; thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa theo hướng hiện đại, hiệu quả cao với quy mô phù hợp theo từng ngành hàng, sản phẩm và thị trường; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phấn đấu tối thiểu 58% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Ngoài ra, Chính phủ và các cơ quan liên quan cần huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, giải phóng mặt bằng cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và thực hiện các dự án giao thông quan trọng, cấp bách, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền. Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo và phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường với số lượng, cơ cấu ngành, nghề hợp lý; triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới; triển khai Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đẩy mạnh tự chủ đại học tại các cơ sở giáo dục đại học.
Liên quan đến công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc, Quốc hội đề nghị nâng cao chất lượng đời sống nhân dân thông qua các hoạt động văn hóa xã hội, xử lý tốt mối quan hệ giữa kinh tế và văn hoá; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn ngân sách nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Chính phủ và các cơ quan liên quan cần ưu tiên bố trí nguồn lực, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí; triển khai thực hiện các chính sách về đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế; bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cải cách tiền lương… Đồng thời, Quốc hội yêu cầu tập trung củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ biên giới; giữ vững ổn định chính trị, xã hội; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh mạnh công tác thông tin, báo chí, truyền thông; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, đổi mới sáng tạo ở tất cả các ngành, các cấp; tổ chức thành công Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, tận dụng thời cơ thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.
TTXVN