Nghẹn ngào thông điệp 'thà cô chết chứ không để trò chết!'
(Thethaovanhoa.vn) - “Thà cô chết chứ không để trò chết!”. Đó thông điệp của 4 cô giáo tại Trường Mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) khiến dư luận nghẹn ngào.
Tôi đọc đi đọc lại lời kể của các cô. Hình ảnh 4 người phụ nữ, 13 đứa trẻ, "tử thủ" trong ngôi trường nước vây tứ bề. Nước dâng liên tục 1,5 mét, rồi 2 mét. Các cô đưa các em lên các bệ cửa sổ, nóc tủ đựng hồ sơ.
Nước vẫn tiếp tục dâng. Các cô dầm mình ướt lạnh để tìm bàn ghế kê cao chỗ mình đứng, để học trò đứng trên vai. Một em học sinh sảy chân ngã, cô lao mình giữa dòng lũ cứu trò lên. Cứ vậy, cô trò trường An Hiệp đã bám trụ an toàn nhiều giờ đồng hồ, cho tới khi lực lượng cứu hộ tới.
Người nhà các học trò Trường Mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An (Phú Yên) vui mừng đón con em mình sau khi được các cô giáo cứu thoát. Ảnh: Ngọc Thắng - TTO
Hành động dũng cảm của các cô đã sưởi ấm dư luận trong những ngày không nhiều tin vui. Hành động trách nhiệm của các cô đã gieo lên những niềm vui tới vỡ òa khi theo dõi toàn bộ chuỗi thông tin. Hành động quyết liệt "thà cô chết chứ không để trò chết" đã khiến chúng ta cảm thấy nhẹ lòng phần nào, giữa những thông tin bão lũ tang thương.
Cơn lũ dữ tại huyện Tuy An hôm ấy đã phá vỡ đường be con suối. Cơn lũ dữ đã làm ngập hàng trăm mái nhà. Toàn bộ đồ dùng học tập và sách vở của cô trò Trường Mẫu giáo An Hiệp cũng không thể sử dụng được do nước lũ.
Nhưng, cơn lũ dữ đã không đánh quật được ý chí con người. Và, dù các cô giáo không mong chờ sự đáp đền nhưng tấm lòng, sự quả cảm của các cô giáo đáng được tôn vinh. Họ đã hành động theo tiếng nói của trái tim: "Thà cô chết không để trò chết!". Họ đã dùng hết sức bình sinh của những người phụ nữ để đảm bảo an toàn cho các đứa trẻ.
Mọi sự tưởng thưởng dành cho họ đều xứng đáng!
***
Dẫu vậy, chúng ta cũng cần rạch ròi. Việc các cô giáo cứu học trò giữa dòng lũ dữ là một câu chuyện cổ tích giữa đời. Tấm lòng với học trò, sự dũng cảm của các cô đáng ngợi ca. Nhưng, bên cạnh sự hân hoan khi cô trò đều an toàn là những đắn đo, ngậm ngùi.
Hình ảnh cô trò bơ vơ, xoay sở giữa dòng nước cứ lặp đi lặp lại khiến những người chỉ nghe kể về câu chuyện đã cảm thấy nhói lòng. Nhà trường đáng nhẽ là nơi an toàn nhất cho trẻ em cũng trở thành nơi tính mạng cô trò bị đe dọa.
Người ta sẽ nói, trong thiên tai, điều gì cũng có thể xảy ra. Người ta sẽ nói, trong lũ dữ, bất cứ đâu cũng nguy hiểm. Và, không chỉ riêng trường An Hiệp, hàng ngàn ngôi trường nơi lũ quét qua đều mang nguy cơ tới tất cả con trẻ.
Vấn đề, đây không phải lần đầu lũ quét qua miền Trung. Lũ lặp lại như một chu trình tất yếu. Và, chúng ta cũng không hoàn toàn bế tắc trong các phương pháp phòng chống lũ bảo vệ tính mạng trẻ em trong các ngôi trường.
Nào nhà chống lũ đã chứng minh hiệu quả trong đợt lũ tại Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa rồi. Nào những chương trình dự báo mưa lũ giúp người dân không ở thế kẹt như cô trò ở An Hiệp. Nào những dự án phòng chống thiên tai chúng ta đã chủ động đương đầu với thời tiết khắc liệt...
Sự dũng cảm đã đem về mạng sống của cô trò ở Phú Yên hôm vừa rồi. Cả những yếu tố may mắn khi đoàn cứu hộ đã kịp tiếp cận hiện trường khi các cô kiệt sức. Nhưng chỉ tích tắc sai số thôi, câu chuyện cổ tích hôm nay có thể thành một tấn bi kịch!
Bên cạnh sự nghẹn ngào với sự an toàn của cô trò An Hiệp, có lẽ, các cấp ban ngành liên quan cần nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc. Rằng chúng ta không thể cậy nhờ lòng dũng cảm mãi. Rằng vận may không phải lúc nào cũng đến nếu chúng ta chỉ trông cậy vào ý chí con người. Rằng cô trò không đáng bị đặt vào nghịch cảnh sống còn khi họ đang ở nơi đáng nhẽ là an toàn nhất: trường học.
Phạm Mỹ
Thể thao & Văn hóa