Nghê thế kỷ 17 phục dựng 'đang được đặt hàng nhiều'
(Thethaovanhoa.vn) - “Khách hàng đặt linh vật ngoại lai và chúng tôi đã tuyên truyền cho họ sử dụng nghê Việt bằng cách khuyến mãi. Một đôi nghê giá khoảng 20 triệu đồng nhưng khuyến khích khách hàng bằng cách chỉ lấy một nửa giá trên. Hiện chúng tôi đã nhận đơn đặt hàng đôi nghê thế kỷ 17 của nhiều công ty cả ở Hà Nội và Nghệ An. Đây là những tín hiệu tích cực trong việc chuyển đổi loại hình kinh doanh”.
Đó là chia sẻ của nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Văn Vũ, người đang làm mẫu tượng nghê thời Lê và sắp tới là nhiều linh vật thuần Việt khác, trong buổi làm việc với đoàn công tác Bộ VHTT&Dl do Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu.
Cũng theo ông Vũ, mẫu nghê được chế tác từ đền vua Lê Thánh Tông ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, niên đại thế kỷ 17. Mẫu nghê này ban đầu khó khăn trong chế tác vì tất cả các mẫu không hoàn thiện, con thiếu đuôi, đường mẫu hoa văn tạo hình bị khuyết do chiến tranh hay phá hủy của thời gian… Nhờ sự tư vấn của nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế nên ông Vũ đã phục dựng thành công.
Qua công đoạn tìm mẫu, hiểu mẫu, nghiên cứu các nguyên tắc đường nét hoa văn của các thời, những người sản xuất đã mất 2 tháng để làm linh vật. Do linh vật không hoàn thiện nên các nghệ sĩ điêu khắc đã phải nghiên cứu thêm, vẽ lại bố cục cho hợp lý sau đó mới mô phỏng. Cụ thể, họ đã phải nghiên cứu 3 con nghê cùng thời Lê rồi kết hợp với nhau, bổ khuyết những chỗ thiếu hài hòa.
Đánh giá về một trong những linh vật đầu tiên được phục dựng sau công văn 2662, nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho hay: "Trong thời điểm như thế này, sự xuất hiện của mẫu nghê này rất kịp thời, thỏa mãn được mong chờ của đông đảo dư luận. Chúng ta đã mong ngóng quá lâu có một linh vật Việt vừa thân thiện, ấm áp, gần gũi và cũng đầy đủ nội lực, sức mạnh để bày tại tư gia, công sở... Đặc biệt, sức mạnh ấy không phải thể hiện trên sự sắc nhọn, gai góc hay những thớ thịt cuồn cuộn. Trên cơ sở ấy nhà điêu khắc Văn Vũ đã lựa chọn con nghê ở ngôi đền của một vị vua, minh quân, vua Lê Thánh Tông ở Thọ Xuân, Thanh Hóa.
Việc chọn “mẫu gen” quý, trong cuộc ra mắt đầu tiên đã gửi gắm hi vọng tạo ra những diện mạo văn hóa mới cho nước nhà. Nhưng làm được như anh Vũ hiện nay đúng quy trình đầu tiên, tức là phải bảo tồn đã. Rồi sau sẽ phát huy, phát triển. Với sự giúp đỡ của truyền thông, chúng ta sẽ quảng bá rộng rãi cái di sản này".
Trong buổi làm việc, thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cho hay: "Sản phẩm này củng cố niềm tin của chúng tôi về tính đúng đắn của công văn 2662. Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh & Triển lãm (Bộ VH&TTDL) đang nhận được rất nhiều những sáng tác của các nghệ nhân làng đá. Những mẫu mới được đánh giá chất lượng tốt. Và chúng tôi sẽ cố gắng tổ chức triển lãm về những linh vật mang hồn cốt cha ông được làm bởi bàn tay của những nghệ nhân thế kỷ 21 trong thời gian sớm nhất có thể".
Phạm Mỹ