Nghệ sĩ Việt? Cứ chờ đã!
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/11 vừa qua, Liên hoan âm nhạc châu Âu 2012 mở màn. Đã 11 năm, dù chưa bao giờ là một hiện tượng đình đám, nhưng liên hoan này đã kịp gây dựng một lớp khán giả người Việt cho mình. Và trong giới khán giả đó, hầu như không có mặt các nghệ sĩ Việt.
Liên hoan 2010, khán giả xem buổi diễn khai mạc ở TP.HCM - ban nhạc El Guincho đến từ Tây Ban Nha - choáng váng khi được nghe một thứ nhạc hoàn toàn lạ lẫm, lạ tai, muốn ngồi yên thật khó, mà đứng lên nhảy múa thì e “thất thố” với không gian sang trọng của nhà hát. Cuối cùng thì muốn ngồi cũng chả được, nhạc quay cuồng dồn dập, và hơn nửa cuối đêm diễn, lần đầu tiên Nhà hát TP.HCM biến thành một… sàn nhảy, có lẽ là vũ trường đẹp nhất nước (!). Khán giả vô cùng phấn khích trước những chuỗi âm thanh dồn dập mê hoặc của thứ nhạc được chính ban nhạc tạm đặt vội trong bài diễn văn mở màn, là “experimental pop” - pop thử nghiệm.
Và lúc ấy, một câu hỏi hầu như năm nào cũng được nhắc theo một cách tiếc nuối nhưng cũng đầy bâng quơ: Các nghệ sĩ của chúng ta ở đâu mà vắng bóng trong những dịp hiếm hoi được xem live một ban nhạc đầy tính tiên phong như thế? Ca sĩ thì còn có thể có lý do chạy sô, chứ các nhạc sĩ hay các nhà sản xuất thời mới đầy quyền lực họ bận gì? Giam mình trong phòng thu với các sample thời thượng hay tán phét ngoài quán nhậu vỉa hè? Quả thực chẳng thể trách sự lựa chọn của mỗi người, nhưng mà tiếc. Rất là tiếc.
Tiếc nuối lớn tương tự từng có ở buổi diễn của nhóm song tấu Trondheym đến từ Đức trong Liên hoan 2005. Biểu diễn thể loại electro-jazz, hay còn có cái tên sành điệu hơn là nu-jazz, Trondheym đem lại một đêm diễn khó quên cho số ít khán giả may mắn có mặt trong đêm ấy. Nay electronic music - nhạc điện tử - đang là thứ thời thượng ở Việt Nam, và cứ mỗi lần nghe một đĩa mang danh “nhạc điện tử” thì tôi không thể không nhớ lại đêm diễn chỉ với chừng 50 khán giả ấy, lọt thỏm trong khán phòng của Nhạc viện TP.HCM. Cách đó hơn trăm mét, ùn ùn hàng ngàn người kéo ra khỏi Nhà thi đấu Nguyễn Du khi trận đấu bóng đá Việt Nam - Thái Lan còn hơn nửa tiếng nữa mới hết, bởi Việt Nam đã chắc thua. Một tương phản đau lòng. Giá mà các nhạc sĩ đang theo đuổi “nhạc điện tử” bây giờ mà đi xem đêm nhạc ấy, và hết buổi diễn còn có thể mua CD gốc của ban này, hẳn họ đã có những gợi ý tuyệt vời cho các sản phẩm sẽ xuất hiện ở thời tương lai gần, chứ không phải là một số đĩa nhạc điện tử made in Vietnam mới phát hành gần đây, rất nghèo nàn và chưa mới đã cũ.
Đưa ra hai thí dụ như vậy cũng để nhắc lại một chuyện đã cũ là dường như các nghệ sĩ của chúng ta luôn luôn bận rộn tới mức không thể có mặt trong những dịp hiếm hoi đầy cơ hội gợi mở thế này. Ca sĩ nhạc trẻ có thể háo hức kéo đi Thái đi Sing xem Beyonce, Christina Aguilera, Lady Gaga… Một số nhạc sĩ tỉ tê rủ rê nhau đi xem David Foster hoặc háo hức được dự một festival nào đó. Nhưng khi festival của người mang tới nhà mình thì… ở nhà cho khỏe.
Lý do thường thấy nhất là… kẹt, “Hôm đó kẹt rồi không đi được”. Kẹt gì có giời mà biết. Nhưng thực ra thì lý do chỉ là lý do. Một số thủ sẵn thái độ kiểu “chắc toàn hạng xoàng thì mới sang Việt Nam biểu diễn”, một số khác nữa thì rất khó hiểu như là “sao lại làm ở mấy chỗ khuất lấp thế (Nhà hát Tuổi trẻ ở Hà Nội hoặc Nhạc viện TP.HCM), ra Nhà hát Lớn làm thì mới đi”. Liệu có thể cắt nghĩa theo tâm lý sĩ diện thông thường rằng mình cũng là nghệ sĩ danh giá đời nào lại đi xem cái bọn chả có tiếng tăm gì ấy?
Nếu quả thực căn nguyên là ở chỗ đó thì thôi rồi, còn biết nói gì đây. Một trong những điều dễ nhận thấy nhất ở không chỉ nghệ sĩ mà cả ở không ít khán giả Việt Nam là những suy nghĩ kiểu “mấy người này là ai, sao mình không biết”. Bởi vậy trong mắt họ, khu vực Đông Nam Á này chắc Việt Nam là nhất (bởi có thấy ai khác nổi tiếng thế giới đâu). Hồi tháng Ba năm nay, một ngôi sao nhạc kịch danh tiếng cỡ quốc tế là Joanna Ampil đến hát trong chương trình có tính hữu nghị Việt Nam - Philippines thì khán giả đa số toàn là người Phi và fan của Đức Tuấn, ca sĩ phía Việt Nam. Tiếc cho nhiều người không biết rằng vai diễn đỉnh cao của Joanna Ampil chính là Kim trong vở nhạc kịch Miss Saigon. Và khi vở này được dựng lại, đầu những năm 2000, một ca sĩ Việt Nam danh tiếng là Hồng Nhung đã có mặt để tham gia thử vai, cuối cùng thì Joanna Ampil được giao vai Kim. Biết được như thế lại càng tiếc hơn cho những ai đã bỏ lỡ đêm nhạc tuyệt vời này nhất là khi ở Việt Nam, nhạc kịch đang dần dần được yêu thích, sủng ái và rất có thể trở thành “mốt” trong thời gian tới.
Một tên tuổi lẫy lừng như giọng nữ cao hàng đầu thế giới Sumi Jo hát ở Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội 2 đêm liền, vé không chỉ mời mà còn bán công khai với giá rất vừa phải với một ca sĩ tầm cỡ như thế (tức là không thể có vì lý do không được mời mà không đi) mà khán phòng không thấy bóng các ca sĩ opera nào của Việt Nam.
Các ban nhạc đến với Liên hoan âm nhạc châu Âu và các ca sĩ vừa nhắc tới ở trên, khi tới Việt Nam diễn đều phải tập. Mỗi buổi tập của họ như một workshop miễn phí giá trị, thế nhưng hầu như không thấy bóng “trò Việt” nào.
Liên hoan âm nhạc châu Âu 2012 từ 22/11 đến 2/12 tại Hà Nội (Nhà hát Tuổi Trẻ) và TP.HCM (Nhạc viện TP.HCM) với sự tham gia của 7 nghệ sĩ/ban nhạc đến từ các nước Đức, Bỉ, Hà Lan, Anh, Thụy Điển, Ba Lan, Hungary trình diễn đa dạng các thể loại âm nhạc từ cổ điển tới đương đại, từ pop đến jazz. Vé được phát miễn phí tại Viện Goethe và Hội đồng Anh ở Hà Nội và TP.HCM |
Trở lại câu chuyện về Liên hoan âm nhạc châu Âu, tuần này bắt đầu diễn mùa thứ 11. 11 năm qua, một lớp khán giả đã kịp trưởng thành cùng liên hoan này. Lớp khán giả ấy có thể là niềm hy vọng cho nhạc Việt cũng nên.
Còn nghệ sĩ? Cứ chờ đã.
Nguyễn Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần