Nghệ sĩ và những ký ức Tết không thể nào quên
(Thethaovanhoa.vn) - Mỗi người trong chúng ta sẽ có những ký ức về Tết rất riêng biệt. Hãy lắng nghe kỷ niệm về Tết của những nghệ sĩ, để thấy mỗi một mùa Xuân qua đi, chúng ta lại có thêm những xúc cảm trong tâm hồn.
Diễn viên Bảo Thanh: Mỗi khi Tết về, lại thêm nhớ bố
Đình đám trên màn ảnh nhỏ suốt năm 2017 bởi hiệu ứng từ bộ phim truyền hình “bom tấn” Sống chung với mẹ chồng, nữ diễn viên Bảo Thanh trở thành một trong những gương mặt “hot” nhất làng điện ảnh - truyền hình năm qua.
Khi được hỏi về ký ức Tết nào khiến cô nhớ nhất, Bảo Thanh đã chia sẻ rằng, cái Tết nhớ nhất cũng chính là cái Tết buồn nhất trong cuộc đời chị, đó là khi người bố kính yêu qua đời. Bảo Thanh xúc động nghẹn ngào kể rằng, đấy là cái Tết không có tiếng cười mà chỉ có sự u ám, buồn bã.
Nhưng cũng chính sự ra đi của bố làm cho Bảo Thanh thấy mình cần phải mạnh mẽ hơn, chịu khó học tập, phấn đấu hơn để trở thành một nghệ sĩ tài năng, đoạt được giải thưởng và mục tiêu sẽ chinh phục những danh hiệu như NSƯT, NSND - điều mà bố của chị rất mong muốn, cũng như ở thế hệ của ông luôn coi trọng sự thành danh ấy. Và cho đến hôm nay, Bảo Thanh đang làm rất tốt công việc diễn xuất, và chị tin rằng ở dưới suối vàng, người cha kính yêu sẽ hãnh diện vì con gái của mình.
Hiện tại, Bảo Thanh đang rất hạnh phúc cùng chồng con, chị cũng chia sẻ, vì gia đình hai bên rất gần nhau nên rất thuận tiện cho việc “chạy đi chạy lại” giữa hai nhà dịp Tết. “Hôm nay mua cho bên ông bà nội cây quất thì mai mua cho bên bà ngoại cành đào, mọi thứ rất tiện lợi nên Thanh cảm thấy khá thoải mái và dễ chịu. Những cái Tết gần đây không khí gia đình đã vui lên rất nhiều so với hồi bố mất. Mọi thứ đều sẽ qua nếu ta biết trân trọng quá khứ và hướng về tương lai” - Bảo Thanh nhắn nhủ.
Ca sĩ Đinh Mạnh Ninh: Tết là gia đình
Là một ca sĩ có con đường riêng và khá thành công, Đinh Mạnh Ninh không chỉ được khán giả yêu mến bởi giọng hát, anh còn là một nhạc sĩ với những sáng tác rất được lòng giới trẻ, đặc biệt là những ca khúc rất đời như Hà Nội trà đá vỉa hè, Cuối tuần, Mùa yêu đầu…
Năm 2017, anh cũng có một sáng tác khá đặc biệt, không giống những ca khúc về tình yêu mà anh từng viết, đó là một bài hát về Tết với đầy cảm xúc của một đứa con đi làm xa quê trở về nhà ăn Tết. Anh chia sẻ cảm nghĩ của mình về Tết với độc giả Thể thao & Văn hóa:
“Chiều 30 năm nào cũng thế, tôi cùng bố mẹ, cô dì chú bác mang theo hương, hoa, tiền vàng, cùng một cái cuốc ra đồng, nơi ông bà tổ tiên “nằm”, để tảo mộ - mời các cụ về ăn Tết với cháu con… Chẳng nhớ từ khi nào, chỉ biết khi tôi còn bé tí, qua một chương trình trên TV, tôi mới biết việc ấy được gọi là “tảo mộ”. Họ hàng nhà tôi, trừ khi trong nhà có đám, thì hình như chỉ có dịp này là tề tựu đông đủ, đi lại đúng giờ, chẳng ai phải chờ ai…
Tôi nhớ cách bác cả chắp tay, môi run run thì thầm khấn vái gì đó mà khi còn là một cậu nhóc, tôi chẳng nghe thấy mà cũng chẳng đoán được là điều gì. Cả cách bác gái cẩn thận cắt từng cọng cỏ leo trên mộ bà, mộ ông, rồi cắm mấy bó hoa vào chiếc lọ nhỏ, được gắn chặt trên mộ phần.
Bố tôi dùng chiếc cuốc, xắn một vạt đất nhỏ đủ mềm, đủ dẻo, đặt lên mộ các cụ mới mất, chưa sang cát, để lấy nơi cắm những nén hương nhỏ. Và tôi - chính là người được giao nhiệm vụ cắm hương cho những ngôi mộ xung quanh, mà mọi người vẫn hay gọi là “hàng xóm của ông bà”, hăng hái và nhiệt tình, mỗi mộ một nén hương.
Càng lớn, tốc độ của tôi càng có vẻ chậm lại - chắc tại tôi nghĩ không có gì phải vội vàng, hoặc là tôi để tâm đến ý nghĩa của những nén hương nhiều hơn là việc hoàn thành nhiệm vụ của một cậu nhóc. Tôi theo mẹ sang thăm cả phần mộ của ông ngoại.
Cũng đã khá lâu từ khi ông mất - từ hồi tôi còn là một cậu nhóc mới bước chân vào cổng trường nghệ thuật - cũng là bắt đầu một khoảng thời gian sóng gió cho gia đình bên ngoại của tôi. Tôi, từ một cậu nhóc chỉ biết đợi mẹ thắp hương cho ông xong, giờ cũng lẩm nhẩm trên môi - thì thầm mời ông về ăn Tết, không quên kèm theo một câu: Ông sống khôn thác thiêng, phù hộ độ trì cho gia đình mình, hạnh phúc êm ấm, biết bảo ban nhau vượt qua mọi điều...
Với nhiều người, Tết là rất nhiều hy vọng - Tết, là an khang, là thịnh vượng. Nhưng có lẽ, Tết cũng không thể đủ đầy, nếu thiếu đi ý nghĩa về gia đình. Tết là sum họp, là có nhau dù chỉ là trong tim, là người sống nhớ về người đã khuất, và kể cho cháu con những câu chuyện ngày xưa…”.
MV "Tết là Gia đình" của Đinh Mạnh Ninh:
Ca sĩ Tân Nhàn: Ký ức Tết là nỗi buồn nơi khóe mắt
Là một ca sĩ nổi bật của dòng nhạc dân gian, Tân Nhàn không chỉ chinh phục khán giả bằng giọng hát ngọt ngào, sâu lắng, tinh tế, cảm xúc mà cô còn là một người có đời sống sâu sắc, luôn coi trọng giá trị gia đình. Nhân dịp mùa Xuân mới đang về, Tân Nhàn lại nhớ về những cái Tết thời thơ ấu, mà nơi đó, là sự nghèo khó vất vả nhưng đầm ấm tình yêu thương…
“Tết trong ký ức của rất nhiều người là Tết đoàn viên, Tết của niềm vui và hạnh phúc. Với Tân Nhàn, ký ức Tết của những ngày xa xưa kia là phảng phất những nỗi buồn nơi khoé mắt. Mẹ là công nhân của một nhà máy sản xuất gạch ngói nằm cách nhà hơn 10km nên họ hàng cũng không ai ở cạnh. Nhà của tôi ở trong khu tập thể của nhà máy và chỉ có một mẹ, một con.
Tết ở cái khu tập thể nghèo, heo hút nơi chân núi, với cái giá buốt của mùa Đông là nỗi ám ảnh với tôi ngay cả trong những giấc mơ khi cuộc sống đã đủ đầy, hạnh phúc. Cứ 29 Tết, năm nào tôi cũng nài nỉ xin mẹ một ít tiền để ra chợ quê cách nhà 5km mua bó hoa thược dược đủ màu sắc về cắm trong nhà. Như bao đứa trẻ trong làng, tôi thích Tết để được mẹ mua cho bộ quần áo hoa mới, với đôi dép mới và cái bím tóc mới, rồi hồi hộp nghe tiếng pháo Giao thừa.
Đêm 30 nào mẹ cũng nhắc tôi đi ngủ lúc 10h30, để khi làm xong cơm cúng, mẹ sẽ gọi tôi dậy đón Giao thừa. Khi đó, dù rất còn ngái ngủ nhưng tôi luôn bật dậy để được mặc bộ quần áo hoa mới và đi lại trong nhà dù khi đó trời rất rét, để rồi sau đó lại chui vào chăn ngủ,với chậu than mẹ đốt dưới gầm giường và nhất quyết không cởi bộ quần áo mới ra. Sáng mùng 1 được mẹ gọi dậy “mừng tuổi”, được ăn món thịt gà "thần thánh" bởi chỉ Tết mới được ăn thịt gà và bánh chưng…
Đến bây giờ, cuộc sống của mọi người dân đều khấm khá hơn, gia đình tôi cũng vậy. Tôi hạnh phúc vì khi đi lấy chồng được sống trong một gia đình đủ đầy cha mẹ, anh chị em. Tôi rất thích Tết và luôn háo hức lên kế hoạch nấu nướng các món cổ truyền để phục vụ cả nhà có những ngày Tết vừa vui vừa ấm áp tình yêu thương gia đình.
Và cho dù ngày hôm nay cuộc sống đã sung túc hơn, nhưng trong tôi, ký ức về những cái Tết tuổi thơ nghèo khó nhưng vẫn đầy hạnh phúc bên người mẹ tuyệt vời của mình, đó là những khoảnh khắc đáng nhớ và đáng trân trọng trong cuộc đời của Tân Nhàn".
"Tình ca mùa xuân" Tân Nhàn - Tuấn Anh song ca:
Ngô Bá Lục