A+ A A- Kiểu đọc sách

Cồn cào ký ức Tết quê xưa

06:59 11/02/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) LTS: Nhiều người bảo Tết càng ngày càng nhạt đi, chẳng khác ngày nghỉ bao nhiêu. Rất nhiều người đã dành thời gian nghỉ Tết cho việc vui chơi giải trí, thăm thú bạn bè hay đi du lịch...

Tết xưa đậm đà trong ký ức với những mùi pháo nồng nàn, mùi dưa hấu, củ kiệu, thịt kho, mùi nếp bánh chưng, hương lá mùi chiều 30, mùi hoa cúc, hương trầm thơm trên ban thờ. Nay, có những thứ thay đổi theo thời gian, những thao thức bên nồi bánh chưng cay cay khói mắt đã vợi bớt ít nhiều, tiếng pháo chẳng còn râm ran khắp xóm phố... 

Nhưng Tết nay có phai nhạt hơn Tết xưa? Hãy cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN) "sống lại" những ký ức tết xưa trong đúng thời gian chiêm nghiệm những ngày Xuân Tết Mậu Tuất này để xem Tết có "nhạt" đi không. Hay thay vì hờn trách thời gian, tiếc nuối những dư vị đẹp đẽ trong ký ức, chúng ta hoàn toàn có thể "ăn" tết thật "đậm đà" với tất cả những ấm áp, thiêng liêng và trọn vẹn nhất của cái Tết nay?

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả diễn đàn: "Tết nay có phai nhạt hơn Tết xưa?"

Cồn cào ký ức Tết quê xưa

Những người ở vùng quê Bắc Bộ đã đi qua thời bao cấp, hẳn không thể nào quên những cái Tết nghèo nhưng đầy kỷ niệm ấy.

Tục ngữ Việt Nam có câu “Đói giỗ cha, no ba ngày Tết”, ý nói việc thờ cúng mang hình thức tâm linh, tưởng nhớ là chính, còn 3 ngày Tết sẽ “ăn uống no say, linh đình”. Cũng vì thế, cho dù nhà có nghèo thế nào thì đến Tết, nhà nhà vẫn phải sắm sanh đủ đầy, ít nhất là những cái cơ bản của Tết như: Bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, giò chả, xôi gấc,...

 

Chú thích ảnh
Với những đứa trẻ ngày ấy, "Tết là pháo và pháo chính là Tết"

Những người nông dân Bắc Bộ, đặc trưng 4 mùa rõ rệt nên tập quán văn hoá cũng có những điều khác biệt. Vào vụ cuối năm, công việc cày cấy đã xong, trời mùa đông lạnh giá, lại thêm lắc rắc mưa phùn là tiết trời điển hình của Tết. Cuối Đông, đầu Xuân, vì thế cái lạnh tái tê sẽ được thay bằng sự ấm áp – báo hiệu một mùa cây cối đâm chồi nảy lộc. Với hình thái thời tiết như thế, nên phiên chợ Tết ở Bắc Bộ, thấm đẫm những hình ảnh đại diện của mùa Đông, đó là những chiếc áo bông in hoa cà tím của bà, là những chiếc khăn nâu của mẹ, là chiếc áo trấn thủ của cha, những chiếc mũ bông sắc màu rực rỡ của những đứa trẻ.

Tất nhiên, chợ Tết bao giờ cũng tấp nập nhất, nhiều mặt hàng nhất và người ta bán mua cũng nhanh và dễ mặc cả nhất. Bao giờ những người phụ nữ đi chợ Tết cũng phải sắm sanh đủ thứ lệ bộ: Lá dong, lá trít để gói bánh chưng, ống giang để về chẻ lạt gói bánh. Những thứ trên bàn thờ không thể thiếu một hộp mứt, chai rượu chanh màu nước vàng sánh, nải chuối, hai quả bưởi, hai cây mía, một túi kẹo lạc và không thể thiếu vài bánh pháo Bình Đà.

Gạo nếp, đỗ xanh thường được các bà các mẹ tích luỹ sau vụ gặt, những hạt nếp trắng tinh, tròn mẩy sẽ được cất trong chum, còn đỗ xanh, thường được cất cẩn thận trong những chiếc lọ sành. Gia đình nào không có nếp ngon, đỗ chắc hạt sẽ phải ra chợ mua; nhưng thường, các bà các mẹ rất quan tâm đến việc này, thế nên đa số các gia đình đều tích luỹ gạo nếp, đỗ xanh cho việc gói bánh chưng Tết, rất ít nhà phải mua ngoài chợ. Ngoài ra, các bà các mẹ không thể quên mua các món “bắt buộc” như măng khô, miến, mộc nhĩ, nấm hương, mắm, muối, hạt tiêu,... để phục vụ mâm cỗ 3 ngày Tết.

"Mùa xuân làng lúa làng hoa" với giọng hát của NSND Thanh Hoa trở thành bài hát được phát nhiều nhất trên đài phát thanh mỗi dịp Xuân về những năm 90 trở về trước

Chợ Tết quê rất đông vui nhộn nhịp, tiếng tạch đùng của pháo thỉnh thoảng vang lên, mùi hương đen thơm ngào ngạt xen lẫn những mùi vị của hoa quả quê tạo nên một không gian đậm đặc hương vị Tết. Người già thì mải sắm sanh rau - thịt, thanh niên sẽ tụ tập ở những quầy hàng xén bán quần áo, giày dép, hoa lá... còn trẻ em, “bu” kín những hàng bán pháo. Có lẽ trong ký ức của những đứa trẻ, thì pháo chính là thứ điển hình nhất của một cái Tết miền quê. Bọn trẻ con có thể không cần hoa quả, chả cần bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành... chúng chỉ thích pháo, với chúng, pháo là Tết và Tết chính là pháo. Những quả pháo đùng, những bánh pháo tép Bình Đà nhuộm đỏ được gói bằng ni lông và dán cái nhãn hình chữ nhật vẽ bánh pháo đang nổ đã in hằn sâu trong ký ức lũ trẻ quê ngày ấy.

Thường, các phiên chợ Tết ở làng quê sẽ họp vào ngày 28, 29 giáp Tết. Cũng trong những ngày này, mọi nhà bắt đầu thịt lợn. Cứ sáng sớm tinh mơ, cả làng quê vang lên tiếng “ụt éc” của lợn. Nhà giàu thì mổ cả con, nhưng nhà khấm khá một chút thì chung nhau hai nhà, còn đa số vẫn là 4 nhà, mỗi nhà “một chân” chia nhau từ lòng lưỡi đến thịt xương. Sau khi thưởng thức bữa “tiết canh, lòng lợn” – mở đầu cho chuỗi “no ba ngày Tết”, cánh đàn ông sẽ xẻ thịt, giã giò. Những thanh niên, trai tráng cứ hai người một cối, cho thịt đã “pha” vào cối, thêm ít muối, hạt tiêu và thi nhau giã tay. Những miếng thịt nhuyễn dần và khi nào trở thành một chất keo màu hồng sẽ được xúc ra để gói giò. Giò sẽ được gói bằng những chiếc mo cau, lá chuối được buộc chặt bằng lạt giang chắc chắn và nhìn rất đẹp mắt.

Chú thích ảnh
Cả nhà quây quần gói bánh chưng

Các mẹ, các chị thì gánh gồng ra bến sông để vo gạo nếp và đãi đỗ, xong mang về ngâm để sáng 30 sẽ gói bánh chưng. Tinh mơ ngày cuối năm, những chiếc đèn dầu được thắp sáng, khi lũ trẻ còn đang ngủ vùi trong chăn ấm thì các bà, các mẹ, các cô gái mới lớn đã lục tục ngồi gói bánh chưng. Ở miền quê Bắc Bộ, rất nhiều địa phương có tục lệ gói bánh chưng dài, chỉ nhỏ hơn chiếc giò lụa một chút. Con gái lớn lên trước khi đi lấy chồng là phải biết gói bánh chưng, nên đó cũng là một thử thách mà các cô bé 15 -16 tuổi phải trải qua trong những ngày Tết để có thể thành thục khi trưởng thành, đủ điều kiện bước chân về nhà chồng.

Chiều 30 Tết, các nghĩa trang nhộn nhịp người ra thắp hương để “mời các cụ về nhà mình ăn Tết”. Ở nhà, những người phụ nữ đã lo bữa cỗ Tết đầu tiên thật đủ đầy. Lũ trẻ được tắm nước lá mùi già, hăng hái treo pháo lên chiếc dây phơi hoặc cái cột nào đó trong sân, chờ thày u thắp hương là xúm vào đốt pháo. Đấy là những tiếng pháo đầu tiên báo hiệu một năm mới sắp đến.

Đêm giao thừa, cả làng quê chìm trong tiếng pháo. Sau trận pháo “long trời” thì sẽ là tiếng trống thình thình trên các đình, đền. Mỗi nhà sắm một mâm lễ, thường là gà luộc, rượu, cau trầu, xôi nếp... rồi bê lên đình làm lễ cầu cho gia đình một năm mới bình yên, may mắn, sức khoẻ và thành công.

Sáng mùng Một, những đứa trẻ háo hức được mặc quần áo mới, chờ người lớn mừng tuổi đầu năm. Những cậu bé nhanh nhẹn, thông minh, sáng láng được chọn để xông nhà. Mâm cỗ được dọn lên, cả nhà quây quần thưởng thức, nào bánh chưng, giò chả, nào thịt gà nấu đông, nào bánh gio thơm mùi nếp pha vị vôi nồng, nào mùi hương quyện trong mùi pháo, đường làng vắng vẻ, tất cả mọi thứ như được khoác lên mình tấm áo mới, thậm chí cảm giác như nghe được cả những mầm cây cựa mình, đâm chồi vươn về phía ánh nắng xuân ấm áp sau một mùa đông dài lạnh lẽo nằm ngủ.

Chú thích ảnh
Mầm xuân rực rỡ

...Và những đàn chim én xôn xao trên bầu trời quê, những nụ hồng đào chúm chím nở trong vườn cũng báo hiệu mùa xuân đang thực sự náo nức quay về.

Ngô Bá Lục

Còn tiếp

Thời tiết Tết Nguyên đán: Thời tiết từ 22 tháng Chạp đến ngày 5 Tết

Thời tiết Tết Nguyên đán: Thời tiết từ 22 tháng Chạp đến ngày 5 Tết

Dưới đây là toàn bộ dự báo thời tiết cả nước từ ngày 7/2 đến ngày 21/2/2018 – tức ngày 22 tháng Chạp đến ngày 5 Tết.

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...