Nghệ sĩ Trí Minh: Nhạc điện tử kiểu 'The Remix' đã... lỗi mốt
(Thethaovanhoa.vn) - “Nhạc như trong The Remix không phải là không hay, nhưng tôi đã nghe cách đây 10 năm tại Áo” – Trí Minh, một trong những nghệ sĩ nhạc điện tử tiên phong tại Việt Nam, nhận định.
Năm nay, Trí Minh, nhà sáng lập Liên hoan Âm thanh Hà Nội, mang về Việt Nam những DJ kiêm nhà sản xuất tài năng như Chí Thiện, Chí Thanh, Thylacine, Chris Brown (nghệ sĩ nhạc điện tử, không phải ca sĩ dòng R&B Chris Brown)… cùng các nghệ sĩ Võ Vân Ánh (đàn tranh), Nguyễn Hồng Nhung.
Chí Thiện (người Đức gốc Việt) từng làm nhạc Remix cho Madonna, Britney Spears, LL Cool J. Chí Thanh (cũng người Đức gốc Việt) từng được đề cử giải Grammy Latin. Còn Thylacine là một trong những nghệ sĩ nhạc điện tử theo trường phái mới nổi bật nhất tại Pháp.
Thể thao & Văn hóa trao đổi ngắn với nghệ sĩ Trí Minh về nhạc điện tử Việt Nam hiện nay.
Khi thị trường tiếp nhận cũng là khi lỗi mốt
* Hiện tại, nhạc điện tử đang có những sản phẩm thành công trên thị trường, chẳng hạn ca khúc Uptown Funk của DJ Mark Ronson(Mỹ) vừa lập kỷ lục 13 tuần đứng đầu BXH Billboard. Tại Việt Nam, cuộc thi truyền hình The Remix cũng khiến dòng nhạc này được chú ý. Nhạc điện tử trong The Remix (Hòa âm ánh sáng) và nhạc điện tử trong Liên hoan Âm thanh Hà Nội sắp tới khác nhau như thế nào?
- Cần nói rõ, tôi không phải là đại diện của cả cộng đồng nhạc điện tử ở Việt Nam mà chỉ đại diện cho dòng nhạc điện tử mà tôi theo đuổi.
Tôi có thể trả lời câu hỏi của bạn như thế này: Khi âm nhạc điện tử thành công trên thị trường thế giới hay ở Việt Nam, thì từ góc nhìn của người làm nghệ thuật, như vậy là đã lỗi mốt. Vì thị trường tiếp nhận có nghĩa là trào lưu đã lên đỉnh, sắp thoái trào. Âm nhạc thị trường chúng ta đang nghe là đang ở bờ bên kia của trào lưu. Thứ âm nhạc trong The Remix, tôi không nói cũ hay không hay, nhưng tôi đã được nghe cách đây 10 năm tại Áo.
DJ kiêm nhà sản xuất âm nhạc Trí Minh
Tại sao chúng ta không có quyền nghe thứ âm nhạc của hiện tại? Chúng ta đang sống trong thế giới phẳng, nên ngoài không gian âm nhạc như trong The Remix, chúng ta có quyền tiếp cận không gian âm nhạc điện tử đương đại.
* Vậy nghệ sĩ Việt Nam khi ra nước ngoài thì sao?
- Ngoài nghệ sĩ, tôi còn có vai trò nhà sản xuất. Tôi rất mong muốn nghệ sĩ Việt Nam khi ra thế giới vẫn có điều kiện tham dự các liên hoan âm nhạc quốc tế. Nhưng khi tôi gửi bản demo của họ đến các ban tổ chức nước ngoài thì nhận được câu trả lời rằng âm nhạc của các nghệ sĩ Việt Nam quá cũ rồi. Thứ gì họ đã có thì họ sẽ không mời. Vậy nên mình phải giới thiệu thứ mà người ta không có.
Nếu chỉ so sánh trên mặt bằng Việt Nam với nhau thì không sao, nhưng khi so sánh với bên ngoài, chỉ trong các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia thôi, chúng ta đã khác họ rồi. Chúng ta nên đi ra ngoài, trải nghiệm và va chạm văn hóa nhiều hơn. Hy vọng thông qua sự kết nối của các trung tâm văn hóa nước ngoài tại Việt Nam, chúng ta có thể tiếp cận xu hướng mới.
Suboi diễn tại Mỹ: bước tiến của nhạc điện tử Việt Nam
* Nhạc điện tử Việt Nam thời gian qua có Tùng Dương rất thành công. Nay có thêm 2 cái tên mới là Nguyễn Trần Trung Quân và Nguyễn Đình Thanh Tâm, năm nay đều được đề cử giai Cống hiến của báo Thể thao & Văn hóa, Thông tấn xã Việt Nam. Qua 2 nghệ sĩ này, anh thấy nhạc điện tử Việt Nam đã thay đổi như thế nào so với thời khởi đầu 10 năm trước, khi anh làm album tiên phong Thanh Lam – Hà Trần?
- Nguyễn Trần Trung Quân và Nguyễn Đình Thanh Tâm đều có những tìm tòi rất mới trong âm nhạc của họ. Bản thân tôi từng hợp tác với Nguyễn Đình Thanh Tâm (ca khúc Chạy mưa và Gặp tôi mùa rất đông). Mặc dù vậy, có một vấn đề tôi đã nói thẳng với Thanh Tâm, đó là bản sắc văn hóa trong nhạc điện tử. Thị trường Việt Nam có khoảng 80 triệu công chúng, nhưng khi ra thế giới, thị trường có 5 tỷ người. Không thể lấy bản sắc văn hóa của 80 triệu người để đọ với 5 tỷ người.
Chí Thanh (ảnh trái) và Chí Thiện (ảnh phải, thuộc nhóm Chopstick & Johnjon) là hai DJ tài năng người Đức gốc Việt được Trí Minh mời về Việt Nam biểu diễn lần này
Tôi từng đem nhạc của Thanh Tâm giới thiệu cho 2 liên hoan âm nhạc ở Đức. Người ta nói rằng nhạc anh vẫn hơi cũ. Có một nghệ sĩ ít người biết hơn nhưng vừa đạt được một thành công quá lớn đối với âm nhạc Việt Nam, đó là Suboi với việc biểu diễn tại liên hoan âm nhạc South by Southwest 2015 ở Mỹ. Chính tôi cũng luôn mơ ước được biểu diễn ở South by Southwest.
Tất nhiên Suboi còn rất nhiều thách thức, nhưng tôi nghĩ đây là một bước tiến của âm nhạc thị trường Việt Nam. Dần dần khoảng cách sẽ thu hẹp lại. Hiện tại, đã có những nghệ sĩ Việt Nam kết hợp với nghệ sĩ quốc tế như Nguyên Lê, Tùng Dương, Hà Trần (đang ở Mỹ).
Lịch biểu diễn Liên hoan Âm thanh Hà Nội 2015 Năm nay là năm thứ 8 của Liên hoan Âm thanh Hà Nội, sự kiện âm nhạc do nhạc sĩ, DJ kiêm nhà sản xuất Trí Minh khởi xướng. Qua 8 năm, chương trình đã giới thiệu với công chúng Việt Nam những nghệ sĩ tài năng của dòng nhạc điện tử của cả Việt Nam lẫn nước ngoài. - 9/4: từ 14h đến 23h tại Không gian Nghệ thuật Manzi. Các nghệ sĩ: Nguyễn Hồng Nhung, Võ Vân Ánh, Chris Brown, Gaute Granli, Brett Zweiman - 10/4: từ 14h đến 23h tại Hanoi Creative City (số 1 Lương Yên). Các nghệ sĩ: Chí Thanh và Chopstick - 11/4: từ 19h đến 22h30 tại Triển lãm Vân Hồ (số 2 Hoa Lư). Các nghệ sĩ: Trí Minh & DEE.F, Thylacine, Daniel Mariuma và Moti Saadia |
Mi Ly(thực hiện)