Nghệ sĩ Thanh Thủy: 'Tôi đã sống trong u buồn suốt bao năm'
Nghệ sĩ Thanh Thủy đã hóa thân vào hàng trăm vai diễn với nhiều tính cách khác nhau, nhưng dấu ấn nghệ thuật của chị in sâu vào tâm khảm công chúng qua thân phận đào thương, đào đẹp trên sân khấu kịch. Chị đã từng làm say mê biết bao trái tim yêu nghệ thuật trên sàn diễn sân khấu IDECAF và Hoàng Thái Thanh, nhưng vì nhiều lý do, chị đã rời bỏ hai ngôi nhà nghệ thuật thân thương này, để lại nhiều nuối tiếc.
Vừa qua, sân khấu Hoàng Thái Thanh công bố sẽ thay đổi cách thức hoạt động. Theo đó, kể từ năm 2022, Hoàng Thái Thanh chỉ diễn theo mùa từ giữa năm đến hết Tết âm lịch. Nhưng trước khi bước vào giai đoạn hoạt động mới, sân khấu sẽ diễn lại lần cuối cùng 10 vở diễn hay nhất trong số 53 vở đã được dàn dựng suốt 12 năm qua. Trong 10 vở diễn ấy, có hai vở mà nghệ sĩ Thanh Thủy đã lấy nước mắt khán giả là 29 anh về và Hãy khóc đi em, nên chị đã nhận lời tái xuất trong hai suất diễn đầy tâm trạng này.
Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện cùng nghệ sĩ Thanh Thủy nhân sự trở lại với sân khấu lần nay.
* Chị rời khỏi sân khấu Hoàng Thái Thanh khá lâu, đương nhiên chị đã xác định chia tay vĩnh viễn với các vai diễn của mình tại nơi ấy. Giờ đây, chị được mời quay lại diễn hai suất cuối cùng cho hai vở diễn, cảm giác của chị thế nào?
- Biết nói thế nào cho đúng nhỉ. Mặc dù tôi đã rời xa sân khấu Hoàng Thái Thanh, nghĩa là tôi đã chia tay với các vai diễn của mình tại sàn diễn ấy, nhưng giờ đây được biết đó là hai suất diễn cuối cùng, tôi cảm thấy buồn và có gì đó tiếc nuối. Nhưng xen lẫn trong đó là niềm vui được gặp lại bạn bè và đồng nghiệp sau nhiều năm xa vắng, được diễn vai ứng ý của mình. Thật mâu thuẫn và khó diễn tả.
Nhưng cuộc sống luôn có sự biến động và đổi thay, không có gì là mãi mãi. Có những nơi gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm, cho tôi cơ hội thăng hoa, nhưng vì nhiều lý do tôi phải rời đi. Nghệ thuật là công việc của cảm xúc, nếu như bạn cảm thấy có điều gì đó khiến tâm trạng của mình không tốt, bạn khó có thể cống hiến. Không có gì quá nghiêm trọng với tôi và những đồng nghiệp xung quanh về việc tôi ngưng diễn trên sân khấu trong thời gian qua. Niềm vui sum họp và nỗi buồn chia xa luôn đan xen, chúng diễn biến bất tận.
* Khi chị rời đi, đã có nghệ sĩ tài giỏi khác thế vai của chị. Giờ trở lại, chị có sợ bị so sánh không?
- Người ta hay dùng từ vườn hoa nghệ thuật để diễn tả sự đa dạng và phong phú của tài năng nghệ sĩ. Mỗi một nghệ sĩ là một sắc thái riêng và có khán giả riêng. Phong cách của tôi sẽ phù hợp với những người yêu mến tôi, nét độc đáo của đồng nghiệp sẽ chinh phục được khán giả yêu mến họ. Vì vậy, tôi không bị áp lực nào cả.
Bước lên sân khấu, tôi đã quên mình là Thanh Thủy rồi, tôi phiêu với nhân vật mà tôi hóa thân. Tôi cháy hết mình, nên luôn hạnh phúc khi được thăng hoa.
* Vì tình cảnh kịch nghệ quá khó khăn, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã quyết định thử nghiệm phương cách hoạt động mới. Mỗi vở sẽ tập trung diễn viên diễn liên tục từ 20-40 suất, xong rồi xếp kho luôn, không diễn nữa. Theo chị, cách vận hành này có giải quyết được khó khăn hiện tại không?
- Vậy à, tôi không được biết điều này. Theo tôi, với diễn viên, thì đây là một cách thức hay, vì được thông báo từ sớm thời gian diễn, chúng tôi có thể sắp xếp lịch hoạt động một cách khoa học và rõ ràng.
Tôi rất thích câu nói của ai đó: “Nơi nào có kỷ luật, nơi đó có tự do”. Khi bạn đã khép mình vào một nề nếp, bạn sẽ có thời gian để thực hiện nhiều điều hay ho khác. Dẫu vậy, tôi không biết sự đổi mới này có tạo nên tín hiệu tích cực cho ông bà bầu Thành Hội và Ái Như không. Vì câu trả lời thuộc về khán giả. Nhưng tôi thấy sự vận động tìm kiếm cơ hội là điều cần ủng hộ, còn hơn là ngồi yên làm theo cách cũ mà ít hoặc không đạt hiệu quả gì cả.
* Vậy sự tái xuất lần này của chị có phải là sự trở lại dài lâu với Hoàng Thái Thanh không?
- Đến giờ, tôi chỉ được biết tôi sẽ diễn hai vở cuối cùng này, sân khấu chưa nói gì về kế hoạch tương lai. Trong năm nay, tôi bận rộn với việc giảng dạy cho các bạn trẻ tại lò đào tạo Hồng Vân. Tôi làm gì cũng như là thiêu thân lao vào lửa, nên mất nhiều năng lượng. Trong mắt tôi, đào tạo một diễn viên cũng giống như dàn dựng một vở diễn, trong đó có giai đoạn vở hoang, luyện tập, mài giũa và hoàn thành. Để biến những đứa trẻ từ khi chưa biết gì đến giai đoạn biết hóa thân vào nhân vật một cách có hồn là hành trình đầy thử thách.
Bên cạnh đó, tôi còn nhiều dự án chưa hoàn thành, nên tôi cũng đang làm việc quần quật ngày đêm. Vì vậy, nếu Hoàng Thái Thanh mời dài hạn tôi trong năm nay, có lẽ, tôi không thể nhận lời, nhưng năm sau thì hoàn toàn có thể.
* Vào độ tuổi này, chị có còn khát khao những vai diễn lớn như chị từng thành công ở ngày hôm qua?
- Tôi nghĩ vào độ tuổi nào thì người nghệ sĩ vẫn luôn cháy bỏng ước ao những vai diễn lung linh và chạm vào cảm xúc. Dù ngưng diễn sân khấu khá lâu và thực tế sân khấu gặp quá nhiều khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn đau đáu được dàn dựng một vở kịch hay với nhiều anh chị em đồng nghiệp tài năng. Tôi khát khao được cống hiến cho khán giả những tác phẩm đẹp. Tôi nghĩ đó là bản năng của người nghệ sĩ.
- Nghệ sĩ Thanh Thủy: Mọi khổ đau sẽ qua, tình yêu thương là vĩnh cửu
- Nghệ sĩ Thanh Thủy: Yêu thương sẽ làm bớt tham, sân, si
* Chị nghĩ gì về khái niệm buông xả của đạo Phật?
- Tôi là một Phật tử nên hiểu ý bạn. Việc tôi khát khao có những vai diễn hay không có nghĩa tôi còn bám víu vào hào quang danh vọng, nó đơn giản là kiếp tằm vương tơ, làm nghệ sĩ phải hát cho công chúng, mà phải hát thật tử tế. Đó là sứ mệnh, cũng là nghiệp dĩ.
Về đời thường, tôi đã chia tài sản lại hết cho con cái. Tôi không giữ lại gì cho riêng mình. Tôi không còn quay quắt với vật chất, mà thay vào đó, tôi muốn mình có những khoảng lặng riêng. Có lúc, tôi ngồi nhớ lại và tự hỏi: vì sao ở những năm 20-30-40 tuổi mình mãi chìm đắm trong ba chữ danh-lợi-tình đến vậy. Nó cứ bám riết, không thoát ra được, nên vui sướng sẽ ít hơn đau khổ.
Tôi đã sống trong u buồn suốt nhiều năm tháng. Nhiều năm sau này, chứng kiến nhiều biến động của cuộc đời, tôi ngộ ra tất cả chỉ là giả tạm. Tôi đã chọn cho mình lối sống tối giản vật chất nhưng giàu có về tinh thần, sống trong thiền tịnh, trong công việc thiện nguyện. Kể từ đó, tôi đã tìm được giá trị của hạnh phúc.
* Chúc chị luôn khỏe mạnh, bình an!
Nguyễn Huy (thực hiện)