A+ A A- Kiểu đọc sách

Nghệ sĩ Thanh Thủy: Mọi khổ đau sẽ qua, tình yêu thương là vĩnh cửu

08:11 23/06/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày này, cư dân TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung đang có phần hoang mang trước đợt “tấn công” mới từ các biến thể của đại dịch Covid-19. Nghệ sĩ Thanh Thủy là một trong những công dân đang sống trong tâm dịch, chị cũng đã từng rất bất an và lo sợ trước những bất trắc có thể xảy đến, nhưng giờ đây chị chọn cho mình một tâm thái bình tĩnh để khơi dậy nguồn năng lượng tích cực, bình an.

Nghệ sĩ Thanh Thủy ra mắt CD "Suối tranh" vol.2

Nghệ sĩ Thanh Thủy ra mắt CD "Suối tranh" vol.2

Là một người gắn bó với âm nhạc truyền thống qua cây đàn tranh, nghệ sĩ Nguyễn Thanh Thủy đã làm việc với các nhạc sĩ như Nguyễn Thiên Đạo, Xu Xiao Lin qua các tác phẩm như Khói sóng, Suối tranh, Giai điệu sông Hồng...

1. Nghệ sĩ Thanh Thủy chiếm được cảm tình khán giả bằng các vai diễn có chiều sâu tâm lý. Chị là một đào đẹp chuyên hóa thân vào những nhân vật có số phận, lấy được nước mắt khán giả. Chị cũng khiến khán giả cười nghiêng ngã qua các vai hài. Có thể ngày hôm qua người ta thấy chị là một thiếu nữ chênh vênh, chìm sâu trong bể khổ tình yêu, thì hôm nay người ta bắt gặp chị trong hình ảnh một bà thím vô cùng hài hước. Sân khấu Việt Nam không có nhiều nữ diễn viên, cùng lúc làm tốt 2 dạng tính cách đối ngược như thế.

Thế giới showbiz đầy thị phi, thế nhưng hơn 40 năm ăn cơm tổ, Thanh Thủy gần như là người không bị cuốn vào vòng xoáy ấy. Điều đó trước tiên đến từ một nền tảng giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và những va đập từ cuộc đời.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Thanh Thủy

Thanh Thủy chia sẻ: “Tôi không để mình rớt vào những tai tiếng vì ý thức được vai trò và trách nhiệm của một người nghệ sĩ. Tôi phải sống thật tốt để làm gương cho con tôi và những khán giả hâm mộ, tin tưởng tôi. Ý thức và tư duy của con người không chỉ giúp cho cá nhân sống tử tế, mà nó còn quyết định đến sự tồn vong của một dân tộc. Cả 2 điều này đến từ nền tảng văn hóa. Nếu thế hệ trẻ được dạy dỗ chu đáo, phân biệt được điều đúng và sai, điều tốt và xấu, điều nên làm và không nên làm, xã hội sẽ phát triển lành mạnh. Tôi ví dụ hành xử của người Nhật Bản trong thiên tai sóng thần. Ai cũng đói và khát, nhưng họ xếp hàng nhận cứu trợ rất trật tự, chờ tới lượt mình. Ý thức đó bắt nguồn từ giáo dục và văn hóa. Nó giúp cho đất nước Nhật hùng mạnh”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Thanh Thủy làm từ thiện

Có người hỏi Thanh Thủy vì sao không thể hiện chính kiến về cuộc chiến nảy lửa giữa một bên là doanh nhân và một bên là nghệ sĩ đang xảy ra. Thanh Thủy lý giải rằng chị có quan sát, dõi theo sự việc, cảm thấy rất đau. Chị bày tỏ ý kiến một cách chừng mực và lặng lẽ, vì cân nhắc rằng mỗi một lời nói vào lúc dầu sôi lửa bỏng, có tác động rất lớn. Nếu không khéo nó sẽ trở thành một vết dầu loang làm ngọn lửa sân hận bùng phát mạnh mẽ hơn. Thôi thì hãy quan sát và chờ đến thời điểm hợp lý mà nói, bởi vì “thuyết pháp trái thời là vô minh, lời nói hay không đúng lúc sẽ trở thành vô nghĩa, thiếu sáng suốt”.

2. Thanh Thủy là người có trái tim nhân ái. Từ hơn 10 năm qua, chị miệt mài và lặng lẽ làm công việc thiện nguyện.

Có những đêm giáp Tết, chị và con gái cùng học trò của mình mang từng bữa ăn, mền chiếu và quần áo đến với người vô gia cư.

Chú thích ảnh

Đều đặn hàng năm, chị và nhóm bạn thiện nguyện gồm doanh nhân và bác sĩ rong ruổi khắp mọi nẻo đường. Có khi chị đến với đồng bào Tây Bắc, có năm chị chia sẻ với đồng bào vùng rốn lũ miền Trung. Những nơi chị đến đều là khu vực bị ngăn cách vì sạt lở, hoặc nước ngập quá sâu. Đường đi cách trở và nguy hiểm, nhưng trao được những phần quà cho bà con trong hoàn cảnh ấy, chị thấy lòng mình thư thái và hạnh phúc.

Trong các đợt dịch Covid-19, nhất là khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội, mọi người trú ẩn trong nhà vì sự an toàn, lúc ấy Thanh Thủy lao ra ngoài để gặp những người nghèo khổ, lao động bình dân lâm vào cảnh túng thiếu vì mất thu nhập. Chị cùng các bạn hữu bỏ công nấu nướng, ngày 2 buổi mang cơm đến những xóm lao động nghèo, đến những người vô gia cư, sống vạ vật ngoài hè phố.

Chị không quá lo ngại bệnh tật một khi đã thực hiện tốt các biện pháp phòng chống, vì chị đã thực sự quay vào bên trong để tìm thấy sự bình an. Chị bộc bạch: “Tôi đã từng rất lo sợ. Tôi sợ tôi mất đi, những đứa con thơ của mình không ai nuôi dạy. Tôi lo sợ mình hết thời, khán giả không còn yêu thương. Nhưng đến một lúc, tôi tự hỏi mình vì sao mình lo sợ nhiều đến thế. Nếu lo sợ quá mà không giải quyết được gì thì thôi đừng lo sợ nữa. Nhờ vậy, tôi an nhiên tự tại, bình tĩnh mà sống”.

“Tôi không tin có kiếp sau” - Thanh Thủy nói. Chị cũng không tin vào ý niệm rằng kiếp này gieo điều ác, kiếp sau sẽ trả giá. Chị nói: “Tất cả mọi thứ đều xảy ra ở kiếp này, vì thế, phải sống thật tử tế”. Chị dạy con biết yêu thương, chị dạy học trò đạo làm người trước khi thành nghệ sĩ. Và chị sống trong tâm thế trao đi những gì tốt đẹp nhất qua cư xử với người xung quanh, qua công việc thiện nguyện.

Dĩ nhiên, có đôi lúc chị sẽ gặp những điều bất như ý, lúc ấy chị lại quay về bên trong khu vườn tâm ý của mình, tĩnh lặng tìm lại những giá trị tích cực nhất của cuộc đời. Để ngày hôm sau, chị lại bước ra ngoài cuộc sống bằng năng lượng bình an. Bằng cách đó, Thanh Thủy luôn tin rằng mọi khổ đau xảy đến rồi sẽ đi qua. Điều đọng lại sẽ là tình yêu thương vĩnh cửu.

Nguyễn Huy

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...