Nghệ nhân dân gian cần được đãi ngộ xứng với 'báu vật nhân văn sống'
(Thethaovanhoa.vn) - UNESCO coi nghệ nhân dân gian là “Báu vật nhân văn sống”, là những người giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian. Với 83 nghệ nhân được phong tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân và Nghệ nhân Ưu tú, Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân được phong tặng.
Dẫu vậy, bên cạnh niềm tự hào là những nỗi niềm trăn trở khi đa phần các nghệ nhân đã cao tuổi, việc trao truyền di sản đang gặp nhiều khó khăn và hơn cả, chế độ đãi ngộ các nghệ nhân còn chưa tương xứng với công lao của họ.
Trọn đời đam mê với di sản
Để có danh tiếng gần xa, được nhiều người biết tới làn điệu chèo tàu xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, như ngày hôm nay là cả sự nỗ lực của các nghệ nhân cao tuổi cũng như cộng đồng thôn làng, trong đó phải kể tới công lao của Nghệ nhân Đông Sinh Nhật. Chỉ biết lệ cũ, hội chèo tàu tổ chức 25 năm một lần, hội cuối cùng tổ chức năm 1922, bị gián đoạn 76 năm và mãi đến năm 1998 được khôi phục, mới thấy công sức lớn lao của người dân trong việc gìn giữ di sản quý. Nghệ nhân Đông Sinh Nhật cùng các cụ cao tuổi trong làng đã cất công sưu tầm lại các làn điệu chèo tàu trong muôn vàn khó khăn. Ông tìm đến các bậc cao niên từng tham gia hội năm 1922 nhờ các cụ truyền dạy trong tâm thế nhớ được tí nào hay tí đấy. Rồi ông và mọi người phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam, Sở Văn hóa và Thông tin Hà Tây (cũ) nay là Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức sưu tầm, ghi âm các bài hát dân gian trong công chúng để học và đối chiếu để hát cho chuẩn. Sau khi thành lập được Câu lạc bộ Chèo tàu xã Tân Hội, Nghệ nhân Đông Sinh Nhật tích cực vận động mọi người tham gia, tổ chức nhiều kỳ cuộc để làn điệu chèo tàu được ngân vang.
Nghệ nhân Đông Sinh Nhật và nhiều nghệ nhân khác ở Hà Nội đều ở tuổi đã cao nhưng niềm đam mê với di sản cha ông để lại chưa bao giờ vơi. Gắn bó với nghệ thuật dân gian từ nhỏ, được lớn lên trong môi trường của những làn điệu dân gian, thường xuyên được thực hành trong các dịp hội hè, lễ tết; vì lẽ đó di sản văn hóa trở thành một phần máu thịt của các nghệ nhân. Không ai thuê mượn, không ai trả công song với tình yêu di sản, các nghệ nhân luôn bận rộn tối ngày cùng di sản. Thành lập các Câu lạc bộ nghệ thuật dân gian đã khó, duy trì được nó còn khó hơn nhưng họ luôn sẵn lòng đứng ra tổ chức hoạt động, sinh hoạt định kỳ, tổ chức các chương trình biểu diễn. Hơn nữa, nhiệm vụ cao cả của các nghệ nhân là vận động lớp trẻ theo học, tận tâm truyền dạy cho bọn chúng với mong muốn di sản “sống” lâu bền ở nơi nó đã sinh ra.
Nghệ nhân hò cửa đình, múa hát bài bông Vũ Thị Xuyên, thôn Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, chia sẻ rằng, vì đam mê và trách nhiệm với di sản của các cụ để lại nên bà cố gắng truyền dạy cho lớp trẻ. Cứ vài năm, bà và những người trong Câu lạc bộ lại tổ chức một lớp truyền dạy cho các cháu, tính từ năm 2003 đến nay đã đào tạo được 5 lớp với gần 100 người tham gia.
Dù vậy, điều lo lắng nhất hiện nay là các nghệ nhân đã cao tuổi, thời gian nắm giữ di sản không còn lâu và các di sản có thể vĩnh viễn mất theo nghệ nhân nếu không kịp trao truyền cho thế hệ trẻ. Thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm tới lĩnh vực này, di sản văn hóa nơi đó sẽ được bảo tồn, phát triển. Không ít địa phương chưa kịp quan tâm, di sản đã theo chân nghệ nhân về thế giới bên kia.
Vẫn còn những trăn trở
Được coi là nhân tố quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, việc chăm lo hoạt động các Câu lạc bộ văn hóa phi vật thể, chế độ đãi ngộ cho nghệ nhân chưa tương xứng. Đây cũng là thực trạng chung của cả nước và vô hình chung ảnh hưởng đến việc công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Dù nghệ nhân nhiệt huyết nhưng nhiều khi sự nhiệt huyết ấy không thể chuyển thành hành động khi bị hạn chế về kinh phí. Thực tế, nguồn lực đầu tư của các địa phương quá ít ỏi so với nhu cầu tối thiểu trong hoạt động của Câu lạc bộ. Nhiều nghệ nhân chia sẻ, họ thường xuyên bỏ tiền túi ra để chi phí cho sinh hoạt của Câu lạc bộ cũng như đào tạo cho lớp trẻ. Trong đó, Nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai), Nghệ nhân múa bồng Triệu Đình Hồng (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì) là những ví dụ cụ thể. Không giấu được nỗi mong mỏi, Nghệ nhân Triệu Đình Hồng bày tỏ, ông chỉ mong địa phương quan tâm hơn trong việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Câu lạc bộ múa bồng, múa xênh tiền làng Triều Khúc, xã Tân Triều, của ông hoạt động. Bởi theo ông, không có tài chính, việc bảo tồn sẽ không được bền.
Với bản thân các nghệ nhân, chế độ đãi ngộ dành cho họ dường như chưa đủ sức để ghi nhận những cống hiến trong hàng chục năm qua và chưa tạo động lực cho họ tiếp tục giữ gìn, trao truyền cho lớp trẻ. Nghệ nhân hò cửa đình, múa hát bài bông Lương Tất Tố cho biết, hiện nay Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn mới được hưởng trợ cấp. Tuy nhiên, số người được hưởng không nhiều. Với mức thu nhập gần 1,3 triệu/tháng, ông cũng không thuộc diện được hỗ trợ vì vượt ngưỡng quy định 60 nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi này, Nghệ nhân Lương Tất Tố phải rất dè xẻn mới đủ sống. Ông mong rằng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh để nghệ nhân bớt khó khăn và có thể toàn tâm, toàn ý với việc gìn giữ, trao truyền di sản.
Nghệ nhân Vũ Thị Xuyên cho biết, do bà được hưởng lương nên hàng tháng không được hưởng bất kỳ khoản trợ cấp nào dành cho nghệ nhân. Từ trước đến nay, bà gắn bó với nghệ thuật hò cửa đình, múa hát bài bông là cảm thấy có trách nhiệm với di sản cha ông.
Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét lại chế độ đãi ngộ nghệ nhân vì hiện nay mới đang nhìn vào những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà chưa nhìn vào chế độ khuyến khích tài năng. Trong khi đó, điều quan trọng nhất lại là chế độ khuyến khích tài năng. Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý khuyến nghị ngành Văn hóa cần có một quỹ hỗ trợ các tài năng như một số nước trên thế giới với sự tham gia của Nhà nước, các tổ chức xã hội và doanh nghiệp. Từ nguồn quỹ này có thể hỗ trợ các nghệ nhân để giữ gìn và phát huy di sản.
Khi đề cập đến vấn đề đãi ngộ nghệ nhân, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố sẽ có các cơ chế, chính sách phù hợp để các nghệ nhân có thể bảo tồn và phát huy tốt những giá trị di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời trao truyền cho lớp trẻ để gìn giữ di sản. Dù hiện thực hóa được chủ trương sẽ còn là cả một quãng thời gian, song đó cũng là động lực tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết của nghệ nhân gắn bó với di sản văn hóa./.
Đinh Thuận/TTXVN