Nghe Ngọc Trinh, nhớ Thị Nở
(Thethaovanhoa.vn) - “.. Hắn bẹo thị Nở một cái làm thị nảy người lên. Và hắn cười, hắn lại bảo: Đằng ấy còn nhớ gì hôm qua không? Thị phát khẽ hắn một cái, làm cái vẻ không ưu đùa. Sao mà e lệ thế. Xấu mà e lệ thì cũng yêu. Hắn cười ngất, và muốn làm thị thẹn thùng hơn nữa, hắn véo thị một cái thật đau vào đùi....”
(Đôi lứa xứng đôi, NXB Hội Nhà văn - Nhã Nam, 2015)Vâng, đoạn văn trên có từ Thị Nở, nên chắc các bạn cũng đoán ra nó được trích từ tác phẩm nào, mặc dù tôi tin rằng, hầu hết chúng ta đều chưa được đọc nó. Đơn giản vì đoạn văn này, cùng khá nhiều tình tiết khác củaĐôi lứa xứng đôi đã bị lược bỏ khi đưa vào Sách giáo khoa môn Văn bậc trung học.
Xét cho cùng thì việc lược bỏ này là đúng đắn. Một đoạn văn yêu đương theo kiểu “cấu véo” như thế, giữa 2 nhân vật cực xấu như thế, cũng không thực sự phù hợp với lứa tuổi học trò, vốn thích những “Hậu duệ mặt trời hơn”.
Mãi đến năm ngoái, khi Nhã Nam xuất bản lại toàn văn Đôi lứa xứng đôi thì những người yêu văn học mới có dịp để tiếp cận với “nguyên tác” của Nam Cao. Để ý, nếu bạn qua làng gốm Bát Trang hay qua các resort, bạn có thể thấy những bức tượng một người đàn ông và một người đàn bà, nom phồn thực, phốp pháp nhưng xấu xí, thô kệch đang ngồi ngửa mặt nhìn nhau... cười hềnh hệch.
Đó là tượng Thị Nở - Chí Phèo, mà nếu chưa đọc đoạn trích “cấu véo” trên, bạn sẽ không nghĩ nó là nhân vật quen thuộc trong tác phẩm của Nam Cao. Âu cũng là lý do mà thưởng thức văn học nên tìm về nguyên tác.
À mà sở dĩ tôi lục lại đoạn văn trên, vì vừa rồi, cư dân mạng ồn ào chuyện “nữ hoàng nội y” Ngọc Trinh bị kiện vì phát ngôn “hạ nhục phụ nữ xấu”. Người khởi kiện là... Thị Nở.
“Cô ta dám tuyên bố, đàn ông chỉ cần đàn bà đẹp và ngoan. Ngọc Trinh nói như thế, có khác nào cô ta đang hạ nhục, trù úm những cô gái ít nhan sắc như Nở sẽ không bao giờ được đàn ông yêu. Chúng nó bảo chị Ngọc Trinh không cần phải học hành gì, giờ cũng thành người nổi tiếng, lắm nhiều tiền, đi tây suốt đấy thôi. Chúng nó lại thấy Ngọc Trinh bảo đàn ông chỉ yêu gái đẹp với ngoan, thế nên chúng nó chỉ nhăm nhăm đi làm đẹp. Đấy chẳng phải lỗi này tất cả thuộc về Ngọc Trinh sao”?
Thực ra chúng ta search mỏi tay cũng không thấy Ngọc Trinh nói “đàn ông chỉ cần đàn bà đẹp và ngoan”. Nguyên văn cô nói ““Đàn bà đẹp và thông minh là tốt. Nhưng không thông minh cũng chẳng sao. Tôi thích đàn bà đẹp và ngoan thôi".
Với câu nói đó, chắc chắn Thị Nở (nếu có thật) cũng không thể kiện được, vì nó còn bênh một cô gái dở hơi, kém thông minh như Thị Nở.
Nâng quan điểm và suy diễn là một trong những “chiêu trò” mà dư luận hay sử dụng nhằm chỉ trích một ai đó, nhất là những người được mặc định là “người đẹp não ngắn”. Có thể thấy là đa số thích điên vẻ đẹp như “thiên thần nội y” Ngọc Trinh nhưng lại rất hả hê đắc chí nếu phát hiện hoặc có thể quy chụp được thiên thần ấy là “não ngắn”.
Trở lại với màn “cấu véo” của Thị Nở - Chí Phèo. Tình yêu giữa hai người xấu cũng rất đẹp, vì là “đôi lứa xứng đôi”. Cặp môi Thị Nỡ nứt toác chứ không được chúm chím như Ngọc Trinh. Nhưng lại tương xứng với cái mặt bị mảnh chai rạch ngang dọc như mặt Chí Phèo, và nếu không hôn được (ai lại hôn như cách nói của Nam Cao) thì cách âu yếm của họ là... cấu véo.
Ở đâu, người ta cũng tìm thấy hạnh phúc của mình. Ngọc Trinh “đẹp và ngoan” cũng có hạnh phúc mà Thị Nở xấu, dở hơi cũng có hạnh phúc, miễn là Thị Nở đừng bắt chước Ngọc Trinh.
Chỉ không hạnh phúc ở chỗ, những người đang xấu lại bằng mọi giá để thay đổi gương mặt của mình, giống như chương trình “Change life – Thay đổi cuộc sống” trên truyền hình. Cuộc thi chỉ giúp cho đôi ba người được thay đổi cả diện mạo nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, trong khi khiến hàng vạn, hàng triệu phụ nữ kém cỏi về nhan sắc phải ước mơ, ghen tị và bất lực vì mình không được lựa chọn.
Đông Kinh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần