Ngày Thơ: 'Phải làm gì khi nhiều người nude để chứng tỏ mình ngây thơ?'
(Thethaovanhoa.vn) - "Con phải làm gì trong thế giới cao cả này? Khi rất nhiều người nude để chứng tỏ mình ngây thơ?" là những vần thơ lạ của nhà thơ 17 tuổi Ngô Gia Thiên An trên sân thơ Trẻ năm nay.
Ngày Thơ Việt Nam 2016 khai mạc vào sáng 22/2 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội. Năm nay, việc sân thơ Thiếu nhi kết hợp với sân thơ Trẻ là một thay đổi khiến nhiều người chờ đợi là sẽ trẻ hóa Ngày Thơ.
Trong khi sân thơ Truyền thống (dành cho các nhà thơ lớn tuổi và những tác phẩm quen thuộc) vẫn rất truyền thống, nhiều độc giả cũng đến sân thơ Trẻ và sân thơ Thiếu nhi để tìm kiếm sự mới mẻ.
Giọng thơ lạ trên sân thơ Trẻ
Ngô Gia Thiên An là một cá tính thơ trẻ nổi bật trong, cô làm thơ và in thơ từ khi còn rất nhỏ tuổi. Cô được giới thiệu là “lạ, vừa hồn nhiên vừa từng trải, vừa thời sự, bản năng, lại vừa sâu sắc”. Trên sân khấu, cô đọc 3 bài thơ Con phải làm gì, Những năm 2000 và Bông hoa cúc đếm số cánh rụng.
“Con phải làm gì trong thế giới cao cả này? Khi rất nhiều người nude để chứng tỏ mình ngây thơ/ Con phải làm gì trong thế giới cao cả tốt đẹp? Khi các sao lộ ảnh hot tràn lan và các paparazzi cười thầm trong bụng/ Con phải làm gì khi bụng ngập đầy những thông tin nhảm nhí?” - khi Thiên An cất cao giọng đọc thơ, khán giả lắng nghe chăm chú.
Ngô Gia Thiên An (phải) đọc thơ trên sân khấu
“Con phải làm gì khi thế giới quá thông minh trong suy diễn làm đau lòng người khác? Người ta chạy nháo nhác trốn căn bệnh ung thư xã hội/ Có lẽ con nên biến thành kẻ ngu ngơ?”. Kết thúc phần đọc thơ của Ngô Gia Thiên An, GS Hồ Ngọc Đại đã đến ôm cô gái vì ông quá xúc động với những vần thơ của cô.
Cùng góp mặt trên sân thơ Trẻ là những cái tên đã được biết đến như Đào Quốc Minh (30 tuổi), người “vịn câu thơ mà đứng dậy” khi từng lâm trọng bệnh và tìm lại được ý nghĩa cuộc đời nhờ đến với thơ ca. Là tác giả tập thơ Những người vũ công Memphis được giải Hội Nhà văn Hà Nội 2015, Đào Quốc Minh đọc 2 bài thơ Giấc mơ được gọi tên và Nguyên Tiêu.
Sân thơ Trẻ còn có sự góp mặt của 2 nhà thơ André Velter (Pháp, giải Goncourt năm 1996 dành cho thơ) và nhà thơ Jean-Pierre Orban (Bỉ, Giải thưởng Sách Châu Âu năm 2015). Nhà thơ André Velter giao lưu với độc giả bằng 2 bài thơ Du tử cả hồn lẫn xác và Cũng như vàng (bản dịch của Hoàng Hưng).
Có thiếu nhi, Ngày Thơ không sợ... già
Công chúng đến Ngày Thơ vào Rằm Tháng Giêng ở Văn Miếu hàng năm dễ nhận thấy nơi đây quy tụ đông đảo những người yêu thơ lớn tuổi. Đối với giới trẻ, thơ cũng khá xa lạ so với những món ăn tinh thần thời thượng khác.
Nhiều năm qua, sân thơ Trẻ của Ngày Thơ vẫn tồn tại như một sự cân bằng với sân thơ Truyền thống. Nhưng năm nay, các nhà thơ từng là tâm điểm trên sân thơ Trẻ gồm Nguyễn Thụy Anh, Nguyễn Anh Vũ, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú... lui về hậu trường để dàn dựng sân thơ Thiếu nhi.
Tiết mục "Quê ngoại" ở sân thơ Thiếu nhi
Tiết mục đáng chú ý nhất của sân thơ Thiếu nhi là khi 4 em nhỏ Ngọc Chân, Phương Uyên, Hồng Khanh và Ý Nhi cùng đọc bài thơ Quê ngoại. 4 cô bé mặc áo dài trắng thướt tha vừa hát Hạt gạo làng ta, vừa đọc thơ và biểu diễn cùng nhóm múa. Hồng Khanh, con gái nghệ sĩ Chiều Xuân, nổi bật bên các bạn đồng trang lứa bởi gương mặt khả ái.
“Dàn nhạc đồng quê rộn rang/ Cánh cửa trời đêm rộng mở/ Trăng tỏa rạng như chiếc đèn/ Soi gương lặn sâu đáy nước/ Tinh nghịch chơi trò ú tim/ Bình minh như viên kẹo ngọt/ Lăn theo bồng bềnh mây trôi” - những vần thơ trong sáng của Quê ngoại đưa người nghe về với tuổi thơ.
Nguyễn Anh Vũ, một trong 3 đạo diễn của sân thơ Thiếu nhi, cho biết: “Sự có mặt của các em thiếu nhi là điều rất đáng mừng cho Ngày Thơ. Bởi các em chính là một thế hệ độc giả mới của thơ ca Việt Nam. Điều đó mang đến niềm tin cho các nhà thơ vào tương lai của thơ ca”.
Một số hình ảnh khác của Ngày thơ Việt Nam 2016:
Nữ diễn viên Chiều Xuân đến cổ vũ con gái Hồng Khanh biểu diễn
Nhà thơ Ngô Gia Thiên An trả lời phỏng vấn sau tiết mục của cô
Nhà nhiếp ảnh Quang Phùng (giữa), chủ nhân giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2013, dạo hội thơ
Nghệ sĩ biểu diễn trên sân thơ Truyền thống với chủ đề "Đất nước - Cánh buồm xuân"
Nhà thơ Trần Nhương vẽ ký họa chân dung siêu tốc
Bảng giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp nhà thờ Trần Dần trong Triển lãm các nhà thơ chống Pháp
Một câu thơ được chọn để thả lên trời
Thơ Bút Tre chiếm một góc riêng lặng lẽ trong Ngày Thơ
Nha Đam