(Thethaovanhoa.vn) - Hồng Khanh, cô bé từng dự thi The Voice Kids, sẽ biểu diễn cùng dàn đồng ca trường THCS Nguyễn Tri Phương tại Ngày thơ Việt Nam lần thứ 14 vào ngày Rằm tháng Giêng 22/2.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 14 sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Văn Miếu Quốc Tử Giám tại Hà Nội luôn là nơi “chính hội”. Cuộc họp báo công bố kế hoạch Ngày Thơ 2016 diễn ra sáng 19/2 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam.
Ngày Thơ đã thành ngày hội xuân
Ngày Thơ Việt Nam lần đầu được tổ chức vào năm 2001, khi đó chưa có bóng dáng của một ngày hội như bây giờ. “Chỉ có vài nhà thơ bắc ghế đọc thơ. Ghế thì ít. Sau sự kiện đó, báo chí và công chúng chê bai” - nhà thơ Hữu Thỉnh kể lại - “Nhưng tôi không hề lo lắng. Vạn sự khởi đầu nan. Những năm sau sẽ khá hơn”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong cuộc họp báo sáng 19/2
Đến nay, sau 14 năm, Ngày thơ đã trở thành một lễ hội đầu năm quen thuộc với công chúng Hà Nội. Nhà thơ Đặng Huy Giang nói: “Người ta đến đó không nghe thơ nhiều lắm, họ tìm một ngày hội. Văn Miếu là điểm văn hóa du lịch, lại là Rằm tháng Giêng, nhiều người đến đó để vui chơi. Nhưng dù sao, Ngày thơ mà thu hút đông công chúng như vậy cũng là quý rồi”.
Năm nay, chủ đề chính của toàn bộ sự kiện là “Đất nước - Cánh buồm xuân”. Đây là một hình tượng văn học, hướng ra biển đảo quê hương,tượng trưng cho một định hướng lớn của đất nước, định hướng của Đại hội lần thứ 12 của Đảng vừa qua.
Ngày Thơ được chia thành 2 sân gồm sân thơ chính và sân thơ trẻ kết hợp thiếu nhi. Bên cạnh đó là 26 câu lạc bộ thơ của các địa phương. Các nhà thơ được chọn tham gia theo tinh thần “ngày càng chuyên biệt hóa”, chọn những nhà thơ vừa nổi tiếng vừa có cách đọc thơ ấn tượng trước công chúng.
Nhà văn Lê Phương Liên (trái) và nhà thơ Nguyễn Thụy Anh bàn kế hoạch tổ chức sân thơ Thiếu nhi năm nay
Ngày hội sẽ là lần đầu tiên ra mắt liên khúc thơ “Biển đảo, biên cương” do các nhà thơ Trần Đăng Khoa, Nguyễn Việt Chiến, Anh Ngọc, Nguyễn Hữu Quý trình bày. Hai nhà thơ Bỉ, Pháp do Phái đoàn Châu Âu giới thiệu cũng tham dự góp vui.
Tiếp đólà liên khúc thơ “Đất nước mùa xuân” với các nữ nhà thơ Đỗ Bạch Mai, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Nguyễn Thị Ngọc Hà; rồi liên khúc thơ “Mùa xuân quê hương” với các nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm, Đỗ Trung Lai, Trần Quang Quý, Hải Đường, Nguyễn Hưng Hải, Hoàng Trần Cương…
Vì sân thơ chính quy tụ nhiều gương mặt lớn tuổi, nhà thơ Hữu Thỉnh nói vui: “Tôi cũng nhắc các nhà thơ điều báo chí cũng muốn nhắc nhưng không tiện, là năm nay cố gắng ăn mặc ít nhất thì cũng xuềnh xoàng như tôi đây (ông chỉ vào bộ đồ mình đang mặc), chứ đừng để như mọi năm”.
Sân thơ trẻ sẽ rất trẻ
Phần được chờ đợi của Ngày Thơ hàng năm luôn là sân thơ trẻ với sự mới mẻ qua từng năm. Theo nhà thơ Trần Hữu Việt, năm nay là sự kết hợp giữa sân thơ Trẻ và sân thơ Thiếu nhi. Có sự “đổi chỗ” so với mọi năm khi sân thơ truyền thống chuyển sang đọc liên khúc còn sân thơ trẻ và thiếu nhi lại toàn đọc thơ lẻ.
Trong 10 gương mặt dự sân thơ trẻ năm nay có đến 8 gương mặt mới. Trong đó, trẻ nhất là nhà thơ Ngô Gia Thiên An mới học lớp 11 với giọng thơ rất độc đáo.
Hồng Khanh, con gái diễn viên Chiều Xuân từng dự thi The Voice Kids, là thành viên nhóm nhảy tham dự sân thơ Thiếu nhi
Chủ đề chung của sân thơ Trẻ và Thiếu nhi năm nay là “Đường Xuân”, mở đầu với liên khúc thơ thiếu nhi “Reo vang bình minh”. Nền sân khấu năm nay là bức tranh rực rỡ mang biểu tượng ngũ hành xuân của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều.
Bên cạnh hai diễn viên dẫn dắt câu chuyện thơ là Đức Hải và Bảo Châu, sân thơ trẻ còn có sự góp mặt của nhóm nhảy “Cào cào” từ câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, nhóm nhảy trường THPT Kim Liên, đội kèn trống và đồng ca của trường THCS Nguyễn Tri Phương, trong đó điểm nhấn là Hồng Khanh, giọng ca từng tham dự The Voice Kids. Cô bé là con gái út của diễn viên Chiều Xuân.
Nhà thơ kiêm TS giáo dục Thụy Anh nói về sân thơ Thiếu nhi năm nay: “Câu chuyện thơ của các bạn nhỏ từ không gian thường nhật đầy áp lực học hành vươn ra khoảng trời mơ ước, bay bổng. Chỉ có thơ ca mới biến nó như một giấc mơ trở thành sự thật đối với các em”.
Nha Đam