Ngày Tết - bi hài mừng tuổi
(Thethaovanhoa.vn) - Mừng tuổi trẻ con, chứ không phải mừng tuổi "người lớn". Vậy nhưng, với cộng đồng, rất nhiều câu chuyện vừa buồn cười, vừa... khó nghĩ đã được liệt kê quanh phong tục Tết này.
Những câu chuyện bi – hài ấy thường xuyên được chia sẻ trên các diễn đàn, để rồi liên tục tăng thêm trong mỗi dịp Tết về.
Thông thường, sự ngây thơ, hồn nhiên và cả chút... háo hức của các em là nguồn cơn câu chuyện. Điển hình, trên diễn đàn webtretho, nick hat...37 kể: "nhóc con nhà mình bé tí cứ nghĩ là 2 tuổi thì biết gì tiền lì xì. vậy mà cu cậu đang ngủ trên võng, thấy các cô các chú đến chơi nói là lì xì cho nó, nó bèn chìa tay ra nhận luôn trong khi thì mắt vẫn đang ngủ. Nó làm mọi người được trận cười đau bụng đầu năm mới."
Hoặc, nick bonbony... kể về cô con gái 4 tuổi của mình: Ông lì xì thì gật đầu cảm ơn ông, chúc ông năm mới khỏe mạnh. Sau đó mang tiền lì xì đưa cho mẹ rồi bảo "chúc mẹ năm mới không ít tiền". Vì bình thường bảo mẹ mua đồ chơi thì mẹ luôn bảo mẹ ít tiền lắm, không có tiền mua đồ chơi đâu.
Tục mừng tuổi ngày Tết đã có từ lâu trong văn hóa Việt. Ảnh có tính minh họa
Thậm chí, ở độ tuổi dưới 5 tuổi, khá nhiều em bé lại có sự lựa chọn... không giống ai. Như lời tổng kết của một số phụ huynh, tờ 500 ngàn đồng nhiều khi lại không được các em "chuộng" bằng tờ 200 ngàn đồng, với lý do: màu xanh không "bắt mắt" bằng màu đỏ.
Hoặc, có những em bé lại thích người lớn đùa "mặc cả" để mừng tuổi 2 tờ 10 ngàn đồng thay cho tờ 100 ngàn, với lý do là được 1 tờ thì không hấp dẫn bằng 2.
Cũng có thể, chuyện "mừng tuổi" lại khiến người trong cuộc buồn cười vì những nhầm lẫn không giống ai. Như lời kể của một bà mẹ trẻ, có cô bạn thân đưa con tới nhà được chị mừng tuổi 200 ngàn đồng trong phong bao. Về tới nhà, cô bạn mở phong bao, tưởng nhầm là 10.000 đồng, để rồi hôm sau ngơ ngác gọi điện lại hỏi vì tự dưng thấy tờ 200 ngàn đồng.
Sự hồn nhiên của trẻ em khiến câu chuyện mừng tuổi đôi khi rất hài hước. Ảnh có tính chất minh họa
Nhưng, cũng không ít trường hợp, chính cách xử sự chưa chuẩn mực của người lớn lại làm chuyện mừng tuổi đầu xuân trở nên khó nghĩ với những người trong cuộc. Chẳng hạn, khi được mẹ "rỉ tai", từ tình trạng lười đi chúc Tết, nhiều em nhỏ đã hớn hở theo chân bố mẹ và bảo nhau hồn nhiên: "đi kiếm đi". Hoặc, ở khá nhiều trường hợp, khi được mừng tuổi, các em thản nhiên bóc phong bao ra xem, để rồi xị mặt khi chỉ thấy vài tờ 10 ngàn đồng.
Thậm chí, trên diễn đàn otofun, có thành viên nữ đã tỏ ý buồn lòng khi nghe những lời lẽ thiếu lễ phép của cháu vì phong bì mừng tuổi không được... nhiều như ý muốn. Động viên chị, nhiều nickname đã nửa đùa nửa thật, bảo rằng việc mừng tuổi cho trẻ em có lẽ nên được thay bằng hình thức khác, hoặc bỏ hẳn.Bởi, mừng tuổi, theo như lời chúc, các cháu càng lớn nhanh. Và càng lớn nhanh, các cháu lại càng sớm.... nhìn tiền bằng đôi mắt của người lớn.
Cúc Đường – Mỹ Mỹ